Ngành BHXH Việt Nam chuyển đổi số mạnh mẽ, tiếp đà vươn mình bứt phá
Chiều 23/12, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 năm 2024 của Chính phủ. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh- Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các Phó Tổng Giám đốc: Trần Đình Liệu, Lê Hùng Sơn, Đào Việt Ánh, Chu Mạnh Sinh; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam- thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam; thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 của BHXH Việt Nam.
Tiên phong trong chuyển đổi số
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam cho biết, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, Bộ Chính trị, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết về chuyển đổi số với tiêu đề “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Theo đó, bài viết thể hiện những quan điểm rất mới, có tính lý luận cao về vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện... Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.
Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng...”.
Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh phát biểu tại Hội nghị
Theo Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã luôn tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi số, đổi mới quy trình và cung cấp DVC trực tuyến. Tích cực triển khai bồi dưỡng nâng cao nhận thức của CCVC và NLĐ về chuyển đổi số. Đặc biệt, việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06 là minh chứng rõ nét cho sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn Ngành.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, chúng ta cũng đối mặt với không ít thách thức. “Làm sao để nâng cao chất lượng cung cấp DVC trực tuyến, đảm bảo tính minh bạch, thuận tiện cho người dân? Hay làm thế nào để các hệ thống CNTT vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả hơn nữa? Và đặc biệt, làm sao để phối hợp tốt hơn giữa các đơn vị trong Ngành và với các cơ quan, tổ chức bên ngoài nhằm đáp ứng các mục tiêu của chuyển đối số và Đề án 06?”- Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh nêu rõ.
Những con số ấn tượng
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, thời gian qua, trên nền tảng, hạ tầng CNTT, BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai phát triển hệ thống CNTT và trở thành một trong những Bộ, ngành đi đầu về xây dựng Chính phủ số. Toàn Ngành hiện đang triển khai 29 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, đảm bảo 100% quy trình nghiệp vụ của Ngành trên môi trường điện tử. Đồng thời, kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT; giao dịch điện tử với hơn 621 nghìn DN thông qua cổng thông tin điện tử…
Toàn cảnh Hội nghị
Bên cạnh đó, Ngành tiếp tục duy trì hoạt động của ứng dụng VssID - BHXH số nhằm cung cấp các DVC, công khai, minh bạch các thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT; triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để KCB BHYT và các thông tin, tiện ích khác. Đến nay, toàn quốc có hơn 37 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được phê duyệt, trong đó có hơn 23,5 triệu tài khoản đã đăng nhập, sử dụng ứng dụng. Ngành cũng đã phối hợp với Bộ Công an triển khai sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID, Cổng DVC BHXH Việt Nam. Kết quả đã có hơn 19,1 triệu lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2.
Hiện BHXH Việt Nam đã tích hợp 66 DVC trực tuyến toàn trình trên Cổng DVC quốc gia, chiếm 94,3% tổng số DVC trực tuyến toàn trình của BHXH Việt Nam, vượt 14,3% so với chỉ tiểu được giao tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Theo thống kê trên Cổng DVC quốc gia, BHXH Việt Nam đang xếp vị trí thứ 3 trong số các Bộ, Ngành với 80,15 điểm. Đáng chú ý, tại khu vực đô thị, ước đến hết năm 2024 có khoảng 80% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, TCTN qua tài khoản cá nhân, vượt 20% so với chỉ tiêu so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg.
Lãnh đạo Trung tâm CNTT phát biểu tại Hội nghị
Triển khai các nhiệm vụ trong Đề án 06 của Chính phủ, đến nay, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 99,6 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý với CSDL quốc gia về dân cư, trong đó có hơn 89,5 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, chiếm 98,9% tổng số người tham gia. Hiện 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip với hơn 153,8 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT…
Tiếp tục chuyển đổi số để bứt phá
Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận, đánh giá cao các kết quả mà CCVC, NLĐ toàn Ngành đã đạt được trong công tác chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Theo Tổng Giám đốc, ngành BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị dẫn đầu của các Bộ, Ngành về công tác chuyển đổi số- một nhu cầu tất yếu trên mọi lĩnh vực của đời sống, là cơ hội bứt phá cho ngành BHXH Việt Nam trên chặng đường sắp tới.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu toàn Ngành tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ
Điểm lại một số kết quả của Ngành trong năm 2024, Tổng Giám đốc đặc biệt nhấn mạnh tới 99% người tham gia đã được cập nhật, xác thực thông tin định danh cá nhân với CSDL quốc gia về dân cư. “Đây là con số rất ấn tượng. Điều này này có tác động rất lớn, là tiền đề để chúng ta liên thông dữ liệu, quản lý, cải cách TTHC, chống trục lợi…”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.
Bên cạnh kết quả đạt được, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế của Ngành trong công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 như: công tác đảm bảo an toàn thông tin tại một số đơn vị chưa thực sự được quan tâm; vẫn còn tình trạng chủ quan trong việc đảm bảo an toàn thông tin; nhiều người dân chưa có chữ ký số dẫn đến khó khăn trong thực hiện hưởng BHXH một lần trên cổng DVC trực tuyến; chế độ đãi ngộ cho cán bộ chuyển đổi số, CNTT còn hạn chế…
Nhận định công tác chuyển đổi số của Ngành trong tời gian tới sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, nhưng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các đơn vị cần tiếp tục xác định chuyển đổi số là một trong những khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Trong đó, cần kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo để triển khai nhanh tiến độ các dự án CNTT, đảm bảo hạ tầng CNTT hoạt động ổn định, an toàn và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao. Đồng thời, mở rộng các DVC trực tuyến toàn trình, đặc biệt là các dịch vụ liên thông, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN.
Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai hiệu quả Đề án 06, đặc biệt là trong lĩnh vực đồng bộ, làm sạch, làm giàu dữ liệu. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số cho CCVC, NLĐ trong toàn Ngành, thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để người dân và DN hiểu, tin tưởng và sử dụng các dịch vụ số do ngành BHXH Việt Nam cung cấp…
Với những nỗ lực và quyết tâm của toàn Ngành, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tin tưởng ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển đổi số thành công, hiệu quả và bứt phá, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, góp phần hướng tới mục tiêu thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, đưa đất nước, dân tộc vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới.
Thanh Hằng