Khó chịu sau khi ăn- Dùng thuốc gì?
Chứng bệnh này liên quan mật thiết đến một số căn bệnh ở đường tiêu hóa như bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh khó tiêu dạng đầy hơi… Khi đó, cần dùng thuốc theo phác đồ trị bệnh phù hợp với từng bệnh và tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
Nhiều người thường than phiền về tình trạng ậm ạch, khó tiêu sau khi ăn. Hội chứng này thường là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau liên quan đến đường tiêu hóa. Tuy nhiên, đôi khi nó chỉ là biểu hiện của tình trạng ăn quá nhiều, quá nhanh, ăn nhiều chất béo, ăn quả chua hoặc ăn phải một số gia vị hoặc thực phẩm không phù hợp, khó tiêu hóa…
Nếu người bệnh có dấu hiệu đau bụng, khó chịu, buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng thì cần phải đi khám để tìm ra bệnh cụ thể. Chứng ăn không tiêu cũng có thể liên quan đến tình trạng căng thẳng về tâm lý, mệt mỏi, ăn uống không đầy đủ chất, người lười vận động… Vì vậy, cần xem xét kỹ trước khi quyết định dùng thuốc.
Chứng bệnh này liên quan mật thiết đến một số căn bệnh ở đường tiêu hóa như bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh khó tiêu dạng đầy hơi… Khi đó, cần dùng thuốc theo phác đồ trị bệnh phù hợp với từng bệnh và tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
Việc sử dụng một số thuốc kháng viêm, giảm đau để điều trị các bệnh khác cũng có thể gây ra tình trạng khó chịu sau khi ăn do các phản ứng có hại của thuốc. Nhất là khi sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), các glucocorticoid, các kháng sinh… có thể gây loét đường tiêu hóa và cũng gây ra tác dụng có hại là khó chịu sau ăn, ăn không tiêu, ợ hơi, cảm giác buồn nôn…
Vì vậy, khi thường xuyên bị khó chịu sau khi ăn, người bệnh cần đi khám tổng quát để tìm ra nguyên nhân. Các thuốc hay dùng khi bị tình trạng khó chịu sau khi ăn tùy từng cá thể mà lựa chọn cho phù hợp.
Một số thuốc sau đây là lựa chọn hàng đầu:
- Thuốc kháng acid: Là những hợp chất có tính Bazơ để trung hòa HCl có trong dịch tiết của dạ dày. Hay dùng là các muối của nhôm, muối Magne, Calci Carbonat hoặc Natri Carbonat (Nabica). Tuy nhiên, cần lưu ý, Nabica không được dùng cho người bị cao huyết áp, bệnh tim, suy gan hoặc có thai do có nồng độ Na cao.
- Thuốc chống loét: Hay dùng là các thuốc kháng tiết acid dịch vị như nhóm ức chế bơm proton (Omeprazole, Lansoprazole, EsOmeprazole, Pantoprazole…), nhóm ức chế thụ thể H2 (Cimetidin, Famotidin, Ranitidine…).
- Thuốc kích thích nhu động: Hay dùng là các chất như Domperidone, Metoclopramide, Itopride, Mosapride, Tegaserod. Các thuốc này có tác dụng rất tốt để kích thích nhu động đường tiêu hóa, giúp cho thức ăn được nhào trộn nhanh và tránh đầy bụng, khó tiêu.
- Thuốc chống đầy hơi: Hay dùng là Simethicone, Dimethicone và Sena, có tác dụng khử bỏ hơi tích tụ trong đường tiêu hóa, tăng trung tiện, giảm khó chịu cho người bệnh.
- Các thuốc hỗ trợ tiêu hóa, trị chứng khó tiêu: Hay dùng là các men tiêu hóa như Amylase, Diastase, Biodiastase, Cellulase, Lipase, Mamylase, Protease. Ngoài ra, cũng có thể dùng thêm thuốc hỗ trợ tiêu hóa Pancreatin giúp làm giảm sự phá hủy Pancreatin bởi Acid dịch vị. Người hay bị chứng khó chịu sau ăn, đầy hơi, chướng bụng, ậm ạch không tiêu cũng có thể dùng một số trà thảo dược, gừng hoặc sản phẩm bổ sung có nguồn gốc thiên nhiên để giải độc cơ thể, lợi mật, lợi tiểu để giúp cho quá trình tiêu hóa được thuận lợi.
Người mắc chứng khó chịu sau ăn cần phải thay đổi cách ăn, ăn chậm, nhai kỹ, không ăn quá nhiều chất kích thích hoặc gia vị gây khó tiêu. Sau khi ăn xong khoảng 10-15 phút, nên đi bộ chậm rãi trong nhà hoặc sân vườn, tránh lười vận động, ăn xong lại nằm cũng góp phần làm cho tình trạng khó chịu tăng lên. Nên mang trang phục thoải mái, tránh mặc quần áo, đồ lót, dây nịt quá chật ảnh hưởng đến sự vận động và tiêu hóa thức ăn của cơ thể.
Nếu tình trạng không cải thiện, cần đến cơ sở chuyên khoa tiêu hóa làm các xét nghiệm cần thiết. Tránh tình trạng mua các thuốc không rõ nguồn gốc hoặc do mách bảo của bạn bè về sử dụng có thể làm cho tình trạng khó chịu không những không giảm mà còn tăng thêm.
ThS.Lê Quốc Thịnh