Chuyển đổi số góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình
Ngày 29/12, Bộ TT-TT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia năm 2020 là một quyết sách mạnh mẽ và tiên phong. 5 năm là chặng đường chúng ta vừa làm vừa khai phá. Chính tinh thần đó đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thương mại điện tử, Chính phủ số, DVC trực tuyến và chuyển đổi số nói chung vào nhóm nhanh nhất trong khu vực và thế giới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Năm 2025 là năm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc để trở thành nước phát triển. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, trở thành nước có thu nhập trung bình cao. Khi đó, xếp hạng về thu nhập đầu người của Việt Nam sẽ vào TOP 100 toàn cầu. Hiện nay Việt Nam xếp hạng khoảng 120.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số phải đi trước, đi nhanh hơn, xếp hạng quốc tế năm 2030 phải thuộc nhóm TOP toàn cầu, tức là cao gấp đôi xếp thứ hạng về kinh tế. Đây cũng là mục tiêu mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra cho ngành TT-TT.
Về bưu chính, Việt Nam đang xếp hạng quốc tế thứ 31, chúng ta đặt mục tiêu sẽ vào Top 20. Về viễn thông, Việt Nam đang xếp hạng thứ 72 nhưng tốc độ tăng bậc khá nhanh. Năm 2018, chúng ta xếp hạng 108 thì đến nay đã tăng 36 bậc, mỗi năm trung bình tăng 6 bậc. Với tốc độ tăng này, đến năm 2030, viễn thông Việt Nam chắc chắn sẽ lọt Top 50 toàn cầu và nếu tích cực hơn thì sẽ vào TOP 40.
Về hạ tầng dữ liệu, Việt Nam đang ở TOP 60 toàn cầu. Chúng ta đặt mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam có thể lọt Top 30 toàn cầu. Về an toàn thông tin mạng, Việt Nam đã xếp thứ 17 toàn cầu và mục tiêu là vào nhóm Top 10 toàn cầu.
Về công nghiệp công nghệ số, Việt Nam đang xếp hạng cao ở 5 mặt hàng công nghệ số, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại thông minh, đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính, đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị, linh kiện điện tử, đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.
Xét về tổng thể, ngành công nghiệp công nghệ số trên cả khía cạnh tỷ lệ giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu thì Việt Nam đã ở TOP 20. Chúng ta sẽ tiếp tục duy trì thứ hạng cao, phấn đấu vào Top 15 toàn cầu và tăng tỷ trọng giá trị Việt Nam, đang là 32% lên 50% vào năm 2030.
Về kinh tế số, Việt Nam đang đứng thứ 41 về tỷ trọng kinh tế số trên GDP nhưng cũng tăng thứ hạng khá nhanh. Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đã gần 19% và năm 2025 sẽ đạt mục tiêu hơn 20%. Chúng ta đặt mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm 30-35% GDP vào năm 2030, khi đó Việt Nam sẽ lọt TOP 30 toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị
Về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, năm 2024, Việt Nam xếp thứ 71, tăng 15 hạng sau 2 năm. Chúng ta cũng tăng nhanh về số hạng, nếu đặt mục tiêu 70% dịch vụ công của người dân và doanh nghiệp trực tuyến toàn trình vào năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì không cần đến năm 2030 mà chỉ cần đến 2028 là Việt Nam lop Top 50 toàn cầu về Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Chúng ta cũng đặt mục tiêu năm 2030 sẽ vào Top 40 toàn cầu về Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Như vậy, năm 2030, hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số, chuyển đổi số của Việt Nam phải lọt nhóm 50 toàn cầu và một số lĩnh vực vào Top 20, 30.
"Đây là sứ mệnh cao cả, sứ mệnh đi trước, đi nhanh, lọt vào nhóm nước phát triển để làm tiền đề, nền tảng cho phát triển đất nước, cho chuyển đổi số, cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Chúng ta cần so sánh mình với các nước khác, các nước trong khu vực và các nước đã phát triển, để từ đó thay đổi thứ hạng quốc gia của mình"- Bộ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta đang có lực để vươn mình, có thu nhập đầu người ở mức trung bình, chúng ta đang có cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cách mạng công nghệ số, chúng ta có khát vọng Việt Nam hùng cường. Hội tụ 3 điều kiện này là đủ để đất nước vươn mình, tăng trưởng tiến tới hai con số.
Ngành TT-TT là hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số, là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, là truyền thông số phải nhận sứ mệnh tạo các nền tảng cho đất nước phát triển. Việt Nam muốn "bay lên" thì phải có đôi cánh một bên là công nghệ, một bên là sức mạnh truyền thông do báo chí, xuất bản khơi dậy.
Theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, Hai bộ sẽ hợp nhất với nhau thành bộ Khoa học công nghệ và Truyền thông. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quản lý về phát triển công nghệ nói chung, Bộ TT-TT quản lý công nghệ thông tin, công nghệ số là công nghệ cốt lõi, nền tảng cho tất cả ngành, lĩnh vực khác, công nghệ số là công nghệ năng động và quan trọng nhất hiện nay. Như vậy, công nghệ chính là điểm chung tạo ra hiệp lực, cộng lực và cộng hưởng của hai Bộ.
Phát triển công nghệ chủ yếu là doanh nghiệp, trên 50.000 DN công nghệ số thuộc quản lý của Bộ TT-TT, nay sẽ tiếp cận được nhanh hơn với kết quả nghiên cứu của Bộ KH&CN, làm cho khoa học và công nghệ gần với doanh nghiệp, đưa nhanh hơn kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ ra sản phẩm phục vụ cuộc sống. Hai Bộ hợp nhất thành một Bộ mới rất quan trọng và rất lớn của đất nước.
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 57 đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/2024). Đây là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết khoán 10 trong nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
"Bộ mới hợp nhất– Bộ Khoa học công nghệ và Truyền thông sẽ là lực lượng nòng cốt để hiện thực hóa Nghị quyết đặc biệt quan trọng này. Nghị quyết 57 xác định bộ ba: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Theo đó, khoa học công nghệ là nền tảng, tạo ra tri thức và công cụ; đổi mới sáng tạo là động lực, chuyển hoá các tri thức, công cụ mới thành ý tưởng, giải pháp; chuyển đổi số là hiện thức hóa tri thức, công cụ, ý tưởng, giải pháp thành sản phẩm dịch vụ và phổ cập vào cuộc sống, để tạo ra các giá trị trong thực tế.
Cũng theo Bộ trưởng, Nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc làm chủ khoa học công nghệ để làm chủ tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam, giao doanh nghiệp nòng cốt làm dự án lớn về chuyển đổi số, làm chủ công nghệ chiến lược. Đây là một mũi tên trúng hai đích, vừa làm chủ tiến trình chuyển đổi số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước.
Từ nay, chuyển đổi số thực sự trở thành sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá. Chúng ta kỳ vọng chuyển đổi số góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình đứng dậy, mạnh mẽ. Các nghiên cứu mới chỉ ra rằng, chuyển đổi số, kinh tế số có thể đóng góp tới 3% vào GDP của các nước đang phát triển.
Bộ TT-TT ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc bày tỏ vui mừng khi Bộ TT-TT đạt được kết quả to lớn và ghi nhận các ý kiến của bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ để thúc đẩy ngành TT-TT phát triển. Qua những số liệu dù chưa đầy đủ nhưng đã minh chứng sinh động về sự nỗ lực của toàn ngành.
Tuy vậy, đại diện lãnh đạo Chính phủ cũng đã chỉ ra những thách thức, khó khăn, hạn chế trong thời gian qua, đòi hỏi ngành TT-TT phải có giải pháp trong thời gian tới. Đơn cử như, cơ sở dữ liệu và hạ tầng thông tin còn hạn chế nên việc áp dụng lĩnh vực đa ngành gặp khó khăn. Việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT có đáp ứng nhu cầu hay không; đào tạo 50.000 kỹ sư chip bán dẫn, thì yêu cầu hiện nay có đáp ứng hay không.
Về báo chí, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý, cần quản lý chặt chẽ để báo chí là báo chí cách mạng; cần ngăn chặn thông tin xấu độc trên các nền tảng số, nền tảng xuyên biên giới. Thông tin xấu độc "gặm nhấm dân", làm sai lệch và ảnh hưởng niềm tin của người dân với chính quyền nên cần phải chặn ngay bằng công nghệ, pháp luật và hợp tác quốc tế.
Trong năm 2025 và thời gian tới, Phó Thủ tướng kỳ vọng Bộ TT-TT sẽ phát huy các kết quả, tích cực đổi mới sáng tạo và khắc phục thách thức, đẩy mạnh chuyển đổi số, hạ tầng số, áp dụng mạnh mẽ AI, công nghiệp số góp phần thực hiện mục tiêu trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.
Ngày 22/12 vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là mệnh lệnh, do vậy trách nhiệm Bộ TT-TT phải thực thi, tạo đột phá nguồn lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đây là "kim chỉ nam" trong hành động trong thời gian tới.
Ngành TT-TT cần đẩy mạnh công nghệ số để kinh tế số phát triển. Thời đại của công nghệ AI, đi kèm Big Data, Blockchain, điện toán đám mây, hạ tầng kỹ thuật số, cách thức quản lý, kỹ năng lao động. Cùng với đó, ngành cần tập trung đấu tranh với thông tin xấu, độc bởi nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Tăng cường thanh tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí và truyền thông. Luật Báo chí sửa đổi theo hướng quản lý chặt chẽ, phát triển báo chí bền vững.
Về Nghị quyết 18 về sắp xếp, tổ chức bộ máy, Bộ TT-TT và Bộ KH&CN sẽ nhập và tinh gọn thành Bộ KH&CN và TT sẽ có sức mạnh mới, sứ mệnh mới và hoạt động hiệu quả hơn. Theo Phó Thủ tướng, 2 Bộ có "mẫu số" chung là công nghệ. Vì vậy, Bộ mới sẽ hoạt động hiệu quả, sâu và mạnh hơn.
Thanh Hằng