Print

Mở sách ra là thấy Tết

Thứ Ba, 31 /12/2024 08:32

Năm mới 2025 sắp sang, nhiều đơn vị xuất bản đã tung ra những ấn phẩm đặc biệt- sách Tết. Tuyển chọn những nét đẹp của văn, thơ, nhạc, họa với đậm phong vị ngày Tết, sách Tết 2025 là món ăn tinh thần hấp dẫn trong ngày đầu Xuân.

Trước tiên phải kể đến cuốn sách Én bay khắp miền- Tết về bình yên nằm trong bộ sách Đọc sách ngày Xuân- Quây quần đón Tết do Đinh Tị Books phát hành. Cuốn sách là hành trình khám phá Tết Việt trên mọi miền Tổ quốc của Én nhỏ. Én nhỏ cùng gia đình trong quá trình bay từ miền Nam ra miền Bắc, trên đường đi đã ghé qua rất nhiều nơi, từ miền Tây sông nước, đến hải đảo xa xôi đến vùng ven biển Đà Nẵng, thủ đô Hà Nội và nơi cuối cùng là nhà của Én nhỏ, một vùng rừng núi nên thơ.

Qua từng trang sách, hình ảnh Tết Việt hiện lên đầy chân thực, đậm chất truyền thống. Độc giả sẽ được chứng kiến rất nhiều phong tục đón Tết khác nhau của mỗi vùng miền. Đó là vùng sông nước miền Tây với thuyền hoa rực rỡ, Tết của miền Nam với những món ăn truyền thống như: Bánh tét, dưa giá nhiều màu sắc, Tết nơi hải đảo tràn ngập yêu thương, Tết miền biển với pháo hoa rực trời. Tết ở Thủ đô mang không khí cổ kính với cờ hoa rợp đường, những trò vui truyền thống của con trẻ như nặn tò he, tô tượng hay bóng bay nhiều màu sắc. Tết ở vùng rừng núi tràn ngập sắc hoa mai, hoa mận, với những bộ quần áo dân tộc sặc sỡ, trang sức đội đầu và những trò chơi dân gian như ném còn, kéo co…

Sách Tết Ất Tỵ 2025 do Đông A phát hành là cuốn thứ 7 trong dự án Sách Tết hàng năm, kể từ sách Tết Kỷ Hợi 2019. Với 5 phần Khúc dạo đầu của mùa Xuân, Văn, Thơ, Nhạc, và Họa, sách Tết Ất Tỵ 2025 sẽ đưa bạn đọc lần lượt đi qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, đầy thú vị.

Ở phần Khúc dạo đầu của mùa Xuân, những suy ngẫm, chiêm nghiệm trước khi Xuân về Tết đến được Trung Sỹ viết trong Mở toang cánh cửa năm mới, Nguyễn Ngọc Tiến bày tỏ trong Người Việt còn ăn Tết đến bao giờ… Kỷ niệm đón Tết năm Quý Tỵ 1953 tại an toàn khu Tuyên Quang được Xuân Phượng kể lại trong Bánh chưng sắn và xem phim giữa rừng.

Những sáng tác đầy xúc cảm trong phần Văn và Thơ sẽ đem đến cho bạn đọc cái thú nghiền ngẫm chữ nghĩa đầu năm, để cảm nhận mùa Xuân, cảm nhận cuộc đời thêm phần ý vị, bay bổng. Đó là tình cảm mới nhen nhóm như có như không giữa chàng lính biển và em gái của đồng đội trong Quà biển của Lê Minh Khuê; đó là quá trình từ hiểu lầm tới đồng cảm, yêu thương, bao bọc giữa bà cụ người Nhật với 2 nữ thực tập sinh Việt Nam trong Chủ nhật mùng một xa xứ của Thư Uyển… Đến phần Thơ, những vần thơ khi thì trong trẻo, dịu dàng, khi thì trầm ngâm đầy chiêm nghiệm của Trần Đức Cường, Hữu Việt, Chu Hoạch, Chế Lan Viên, Trương Quang Thứ… như đang gọi mùa Xuân về.

Ở phần Nhạc là những bài hát về mùa Xuân nổi tiếng như Bài ca hy vọng (Văn Ký), Mùa Xuân làng lúa làng hoa (Ngọc Khuê), Đất nước mùa Xuân (Hoàng Vân) với lời bình của Nguyễn Thị Minh Châu. Phần Họa năm nay giới thiệu họa sĩ tuổi Tỵ- Đào Hải Phong với lối đi riêng độc đáo, khó lẫn, biến điểm yếu thành thành phong cách riêng. Bài viết Những bức tranh có năng lượng sinh học chữa bệnh của Nguyên Đăng khép lại Sách Tết, đã giới thiệu liệu pháp điều trị bằng màu sắc, từ nguồn gốc, lịch sử đến ứng dụng thực tế ở hiện tại. Ấn phẩm có phần minh họa của Hoàng Phượng Vỹ, Đặng Xuân Hòa, Đặng Hồng Quân, Quyên Thái, Nguyễn Công Hoan, Đào Hải Phong... cùng nhiều họa sĩ khác.

“Tết là gì hở mẹ?” là cuốn sách Tết dành cho thiếu nhi do NXB Hà Nội ấn hành. Sách kể về một buổi nói chuyện của 2 mẹ con, viết dưới hình thức thơ song ngữ thể hiện những góc nhìn giống và khác biệt của 2 thế hệ về Tết. Lời thơ trong trẻo, tự nhiên kết hợp cùng tranh minh họa rực rỡ đầy vị Tết. Với thông điệp: “Chúng ta là người giữ Tết cho con”, cuốn sách sẽ là sợi dây kết nối con cùng nguồn cội, trao truyền cho con những cảm xúc không chỉ về ngày Tết mà còn là ý nghĩa của gia đình, của mái ấm.

Minh An