Print

Nhiều địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế tác động đến CPI năm 2024

Thứ Hai, 06 /01/2025 15:44

Một số địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT (ngày 17/10/2024) của Bộ Y tế quy định về phương pháp định giá dịch vụ KCB là một trong những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 tăng 0,29% so với tháng trước, CPI cả năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023...

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân Quý IV/2024 tăng 2,87% so với quý IV/2023. Tính chung cả năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tháng 12/2024, CPI tăng 0,29% do một số địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT, giá nhà ở thuê, giá xăng dầu tăng. Trong năm 2024, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,24% so với tháng trước.

Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 12/2024 tăng 2,94%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính, có 08 nhóm tăng giá và 03 nhóm giảm giá. Trong các nhóm hàng có chỉ số giá tháng 12/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng cao nhất với 6,89%, tác động làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm. Tiếp đến là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,32%, làm CPI chung tăng 0,29 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,16%, tác động làm CPI chung tăng 0,97 điểm phần trăm. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,87% làm CPI chung tăng 1,3 điểm phần trăm. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,4%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm... Ở chiều ngược lại, có 3 nhóm hàng giảm giá: Nhóm giáo dục giảm 1,08%, góp phần làm CPI chung giảm 0,07 điểm phần trăm do trong năm học 2024-2025 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã miễn, giảm mức học phí; nhóm giao thông giảm 0,89%, góp phần làm CPI chung giảm 0,09 điểm phần trăm, trong đó giá xăng, dầu giảm 6,41% và ô tô giảm 0,55%; nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,61% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm...

Tổng hợp của Tổng cục Thống kê về diễn biến CPI các tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước cho thấy: ngược với năm 2023, CPI 5 tháng đầu năm 2024 có xu hướng tăng cao dần, từ mức 3,37% của tháng Một lên mức cao nhất 4,44% vào tháng Năm. Từ tháng Bảy đến nay, mức tăng CPI có xu hướng giảm dần, từ mức tăng 4,36% của tháng 7/2024 xuống còn tăng 2,94% vào tháng 12/2024. Tính chung năm nay, CPI tăng 3,63% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá khi giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, thiên tai bão lũ và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ, Tết cùng với giá thịt lợn tăng; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng; giá dịch vụ y tế, BHYT được điều chỉnh tăng theo lương cơ sở.

Về lạm phát cơ bản, trong tháng 12/2024, chỉ số này đã tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,85% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,63%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Phân tích riêng về tác động của giá dịch vụ y tế, báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ rõ: chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tháng 12/2024 tăng 2,19% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 2,84% do một số địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở 2.340.000 đồng. Bên cạnh đó, thời tiết chuyển sang mùa đông, nhiệt độ chênh lệch nhiều giữa ban ngày và ban đêm nên bệnh cảm cúm, đường hô hấp gia tăng, nhu cầu tiêu dùng các loại thuốc về giảm đau, hạ sốt, đường hô hấp, vitamin và khoáng chất của người dân tăng. Cụ thể, giá nhóm thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt tăng 0,27%; hóc môn và các thuốc tác động vào hệ nội tiết tăng 0,23%; thuốc tác dụng trên đường hô hấp tăng 0,15%; thuốc tim mạch tăng 0,13%; thuốc vitamin và khoáng chất và thuốc chống dị ứng và các trường hợp quá mẫn cùng tăng 0,12%.

Thống kê của quý IV/2024 cho thấy, trong các yếu tố làm tăng CPI, giá dịch vụ y tế trong quý đã tăng 7,89% do được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT và Thông tư số 21/2024/TT-BYT của Bộ Y tế, tác động làm CPI chung tăng 0,32 điểm phần trăm.

Tính chung cả năm 2024, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,16%, tác động làm CPI chung tăng 0,39 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT từ ngày 17/11/2023 và Thông tư số 21/2024/TT-BYT từ ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế.

Thái An