Biến đổi khí hậu làm thay đổi vòng tuần hoàn của nước
Biến đổi khí hậu đã làm gián đoạn đáng kể vòng tuần hoàn nước của Trái Đất, dẫn đến sự gia tăng các thảm họa nghiêm trọng liên quan đến nước, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái và hàng tỷ người.
Trên đây là nội dung của Báo cáo Giám sát Nước Toàn cầu năm 2024, được Đại học quốc gia Australia (ANU) vừa công bố.
Phân tích về các thảm họa liên quan đến nước trong năm 2024- năm nóng nhất từng được ghi nhận, cho thấy những thảm họa này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 8.700 người, khiến 40 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và gây thiệt hại kinh tế hơn 550 tỷ USD.
Các mức nhiệt độ tăng lên do tình trạng đốt nhiên liệu hóa thạch đã làm gián đoạn vòng tuần hoàn của nước. Không khí ấm hơn có thể chứa nhiều hơi nước hơn, gây ra những trận mưa lớn hơn. Nước biển ấm lên cung cấp nhiều năng lượng hơn cho các trận bão, khiến chúng có sức tàn phá khốc liệt hơn. Tình trạng nóng lên trên toàn cầu cũng khiến hạn hán tệ hơn vì lượng nước trong đất bốc hơi nhiều hơn.
Năm 2024 đã chứng kiến những trận lũ quét chết người ở Nepal và Brazil, lũ lụt tàn phá nhiều nơi ở châu Âu, Trung Quốc và Bangladesh. Trong tháng 9, siêu bão Yagi càn quét Đông Nam Á còn bão Boris tấn công châu Âu, để lại những hậu quả nghiêm trọng kéo dài. Trong khi đó, hạn hán khiến cho sản lượng mùa màng ở miền nam châu Phi giảm một nửa, đẩy hơn 30 triệu người vào tình cảnh thiếu đói. Nông dân buộc phải tiêu hủy gia súc vì đồng cỏ chết khô, và các nhà máy thủy điện phải giảm sản lượng đã gây mất điện trên diện rộng.
"Năm 2024, Trái Đất trải qua năm nóng nhất trong lịch sử, và các hệ thống nước trên toàn cầu phải gánh chịu hậu quả nặng nề, làm thay đổi vòng tuần hoàn của nước", Giáo sư Albert Van Dijk, người đứng đầu báo cáo, nói. Ông cho biết thêm, 2024 chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan nhưng không phải là năm duy nhất như vậy mà là "một phần của xu hướng ngày càng tồi tệ hơn của lũ lụt dữ dội hơn, hạn hán kéo dài hơn và nhiều kỷ lục cực đoan liên quan đến thời tiết".
Báo cáo cảnh báo năm 2025 thậm chí còn hứng chịu những nguy hiểm lớn hơn vì lượng khí thải carbon tiếp tục tăng.
Báo cáo Giám sát Nước Toàn cầu năm 2024 được thực hiện bởi một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đến từ các trường đại học ở Australia, Trung Quốc, Ảrập Xêút, Đức và một số nơi khác. Nhóm đã sử dụng dữ liệu từ hàng nghìn trạm mặt đất và vệ tinh quay quanh Trái Đất để đánh giá các biến số quan trọng về nước như lượng mưa, độ ẩm của đất, dòng chảy của sông và lũ lụt.
Nhóm còn phát hiện các kỷ lục về lượng mưa đã bị phá vỡ với tần suất ngày càng tăng. Chẳng hạn, lượng mưa cao kỷ lục hàng tháng được thiết lập thường xuyên hơn 27% trong năm 2024 so với năm 2000 trong khi lượng mưa hàng ngày thường xuyên hơn 52%.
Tại miền nam Trung Quốc, tính từ tháng 5 đến tháng 7, lũ lụt ở sông Dương tử và Châu Giang đã gây ngập nhiều thành phố và thị trấn, khiến hàng chục nghìn người phải di dời, gây thiệt hại hàng trăm triệu đô la cho mùa màng. Lũ lụt ở Bangladesh vào tháng 8 sau những trận mưa lớn đã ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 6 triệu người.
Trong khi đó, ở Tây Ban Nha hồi tháng 10, lượng mưa hơn 500mm đã rơi suốt 8 giờ đồng hồ, gây ra lũ quét chết người. Thành phố Porto Alegre của Brazil hồi tháng 5 ngập trong nước khi lượng mưa chỉ trong 3 ngày nhưng tương đương mưa trong 2 tháng, biến đường thành sông.
"Các trận mưa lớn còn gây ra lũ quét trên diện rộng ở Afghanistan và Pakistan, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng", ông Dijk phản ánh.
Amazon cũng phải đương đầu với hạn hán. "Các vụ cháy rừng do thời tiết khô nóng đã thiêu rụi hơn 52.000 km2 chỉ riêng trong tháng 9, thải ra một lượng lớn khí nhà kính. Từ hạn hán lịch sử đến lũ lụt thảm khốc, những sự kiện cực đoan này ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh kế và các hệ sinh thái", vị giáo sư cho biết.
Các nhà nghiên cứu cho biết, dự báo khí hậu theo mùa trong năm 2025 cho thấy hạn hán có thể trở nên tồi tệ hơn ở miền Bắc của Nam Mỹ, miền Nam châu Phi và nhiều khu vực châu Á. Những nơi ẩm ướt hơn như Sahel và châu Âu có thể đối mặt với nguy cơ lũ lụt cao hơn.
Ngọc Tuấn