Nhật Bản: Người trẻ dần quay lưng với văn hóa "làm việc đến chết"
Trong nhiều năm qua, Nhật Bản được xem là một trong những quốc gia có văn hóa làm việc khắc nghiệt nhất thế giới, với số giờ làm việc kéo dài và áp lực không ngừng.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, văn hóa làm việc đó giờ đây đang dần thay đổi khi ngày càng nhiều người trẻ bắt đầu làm việc ít giờ hơn và quay lưng với tình trạng karoshi (tử vong do làm việc quá sức).
Trong những năm gần đây, Nhật Bản chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về số giờ làm việc hàng năm. Hồi tháng 11/2024, Viện nghiên cứu độc lập Recruit Works công bố nghiên cứu mới cho thấy giờ làm việc hàng năm ở nước này đã giảm 11% vào năm 2022 so với năm 2000, từ 1.839 giờ xuống 1.626 giờ, mức ngang với nhiều nước châu Âu. Mức giảm rõ rệt nhất nằm ở nhóm lao động nam giới độ tuổi 20. Nhóm này năm 2023 làm việc trung bình 38 giờ một tuần, so với hơn 46 giờ một tuần vào năm 2000.
Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi những khác biệt giữa các thế hệ. Những người trẻ hơn ưu tiên sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn là làm việc nhiều giờ để đổi lấy sự an toàn việc làm và tăng trưởng kinh tế- những giá trị mà cha mẹ họ từng coi trọng.
SCMP dẫn lời của giáo sư truyền thông Makoto Watanabe mô tả xu hướng hiện tại là "khôn ngoan". Ông cũng nhấn mạnh rằng giới trẻ ngày nay nhận ra những thiệt thòi khi làm việc chăm chỉ mà không có thêm lợi ích cá nhân đáng kể nào. Trái ngược với những năm bùng nổ của thập niên 1970 và 1980 khi làm việc nhiều hơn có nghĩa kiếm được nhiều tiền hơn, người lao động trẻ ngày nay từ chối chấp nhận điều kiện làm việc khắc nghiệt nhưng chỉ nhận về tối thiểu.
"Vào những năm 1970, 1980, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhanh chóng. Càng làm việc nhiều thì càng kiếm được nhiều tiền, khiến công sức bỏ ra trở nên xứng đáng. Nhưng giờ thì không còn như vậy nữa. Nếu phải làm việc quá nhiều, người trẻ sẽ nghĩ mình đang bị bóc lột", giáo sư Watanabe bình luận.
Tình trạng thiếu hụt lao động ở Nhật Bản càng khiến cho sự thay đổi này trở nên mạnh mẽ hơn. Các công ty vốn khát lao động có tay nghề cao đang cố gắng thu hút sinh viên từ trước khi họ tốt nghiệp, tạo đòn bẩy chưa từng có cho lao động trẻ tuổi. Với sự thay đổi công việc tốt hơn và ngày càng ít công ty yêu cầu làm thêm giờ mà không trả thêm lương, lao động ở độ tuổi 20 đang chứng kiến tiền lương và chất lượng cuộc sống của họ được cải thiện.
Tuy nhiên, xu hướng mang tính thế hệ này không phải là không có những căng thẳng. Nhiều nhân viên lớn tuổi, vốn xây dựng sự nghiệp của họ dựa trên số giờ làm việc kéo dài, thường cảm thấy bất đồng với những thanh niên coi trọng sự ổn định hơn là tham vọng.
Mặc dù vậy, sự thay đổi văn hóa này cũng có nhiều mặt tích cực. Cuộc đấu tranh lâu dài của Nhật Bản đối với tình trạng karoshi là lời nhắc nhở rõ ràng về cái giá quá đắt của con người khi làm việc quá sức. Vào năm 2022, gần 3.000 người ở Nhật Bản đã tự tử liên quan đến làm việc quá sức, và nhiều người khác được cho là đã chết vì các vấn đề sức khỏe liên quan lao động quá sức, so với hơn 1.900 trường hợp năm 2021.
Hoàng Dương