Print

Nhà ở- Giấc mơ ngoài tầm với của người nghèo Jakarta

Thứ Năm, 16 /01/2025 16:08

Cô Jessica, 35 tuổi, làm việc trong lĩnh vực giáo dục và là một cư dân Jakarta (Indonesia), đang lướt mạng xã hội thì tình cờ xem được bộ phim mô tả một phụ nữ Jakarta ở độ tuổi 30 phải “vật lộn” với cuộc sống để thực hiện ước mơ sở hữu một ngôi nhà: “Tôi rất thông cảm cho nhân vật trong phim. Tôi đã suy nghĩ về vấn đề này suốt 10 năm qua. Tôi muốn sở hữu một ngôi nhà riêng nhưng tiền tiết kiệm của tôi chưa đủ, thậm chí không biết đến bao giờ mới đủ".

Bộ phim mà cô Jessica xem mang tên Home Sweet Loan (Tạm dịch: Phí Mua Nhà Ngọt Ngào), ra mắt vào tháng 9/2024, khắc họa những khó khăn khi thực hiện ước mơ sở hữu nhà riêng của người dân Jakarta- bộ phim gây được tiếng vang lớn và trở thành chủ đề nóng ở Thủ đô của Indonesia trong thời gian gần đây. Trong phim, Jakarta được coi là “nơi khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng rõ ràng nhất ở Indonesia; nơi hoa lệ với tòa nhà, chung cư chọc trời nhưng dưới chân lại là khu ổ chuột xập xệ”.

Nhiều người Jakarta không đủ tiền mua nhà, kể cả những tòa nhà cũ như thế này

Theo một cuộc khảo sát do Đại học Indonesia thực hiện vào tháng 6/2024, giá nhà trung bình ở Jakarta cao gấp 20 lần mức lương hàng năm của NLĐ ở đây. Dữ liệu từ Cục Thống kê Trung ương Indonesia cũng cho thấy, chưa đến 2/3 người Jakarta sở hữu nhà riêng. Cư dân của đô thị với 11 triệu người này chia sẻ, quỹ nhà ở bị thu hẹp và giá cả tăng cao, là những nguyên nhân chính khiến họ khó có thể sở hữu nhà ở trung tâm thành phố. Thay vào đó, nhiều người phải mua nhà ở ngoại ô, di chuyển hàng chục km để đến nơi làm việc và về nhà mỗi ngày; hoặc chọn mua nhà ở các tỉnh, thành lân cận.

Anh Rizchi, 26 tuổi, đang làm việc tại một khu thương mại nằm ở trung tâm Jakarta, cho biết: “Tôi dành một giờ mỗi ngày để bắt tàu từ nhà ở Tây Java đi Jakarta, sau đó đi xe máy nửa giờ đến văn phòng. Tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ đủ tiền mua một căn hộ, chứ đừng nói là ngôi nhà ở thành phố. Hiện, ngay cả việc nghiên cứu giá nhà cũng khiến tôi thất vọng”.

Để đáp ứng nhu cầu, các khu nhà ở mới hiện đang được xây dựng cách xa thành phố hơn. Cô Yaya, làm việc tại Khoa Quy hoạch đô thị, Đại học Trisakti, nhận định: "Đây là thực tế. Người dân hiện có xu hướng quan tâm tới các khu dân cư mới, ở xa trung tâm thành phố cũng tạm chấp nhận được, chỉ cần có phương tiện giao thông công cộng tối thiểu. Jakarta bây giờ thực sự không phải là nơi dành cho người nghèo sinh sống".

Vợ chồng anh Mohd Faris, 27 tuổi, nhà báo, cũng giống như nhiều người trẻ ở Indonesia, chọn thuê nhà gần nơi làm việc thay vì mua nhà: “Dù hai vợ chồng tôi có thu nhập khá ổn nhưng vẫn không đủ tiền mua nhà. Ở Tôi không nghĩ mua nhà là một lựa chọn hợp lý”.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, từ năm 2027, Chính phủ Indonesia dự kiến yêu cầu NLĐ gửi 3% tiền lương vào quỹ tiết kiệm để mua nhà. Tuy nhiên, nhiều người Indonesia không hài lòng với chính sách này bởi cho rằng số tiền tiết kiệm nhỏ này không biết bao giờ mới đủ để làm việc đó. Tuy nhiên, bất chấp điều kiện thị trường nhà ở khó khăn, một số người vẫn không từ bỏ ước mơ sở hữu nhà. "Việc sở hữu một ngôi nhà dù nhỏ đến đâu cũng là biểu tượng của sự bình yên trong tâm hồn đối với tôi. Và nó sẽ mang lại cho tôi cảm giác an toàn khi về già".

Tùng Anh (Theo AsiaOne)