Dân số Trung Quốc giảm năm thứ ba liên tiếp
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, tổng dân số quốc gia này đã giảm 1,39 triệu người xuống còn 1,408 tỷ người vào năm 2024 (năm 2023, là 1,409 tỷ người).
Cụ thể, tổng số ca sinh năm 2024 là 9,54 triệu, so với 9,02 triệu ca năm 2023. Tỷ lệ sinh tăng lên 6,77 ca sinh trên 1.000 người, so với 6,39 ca sinh trên 1.000 người vào năm trước đó. Số ca tử vong là 10,93 triệu người (năm 2023, là 11,1 triệu).
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm trong nhiều thập kỷ do chính sách một con mà Chính phủ thực hiện từ năm 1980 đến năm 2015. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh chóng khiến Trung Quốc có xu hướng giống Nhật Bản và Hàn Quốc, một lượng lớn người đã chuyển từ nông thôn lên thành phố, nơi việc sinh và nuôi con tốn kém chi phí hơn.
Ngoài ra, “chi phí chăm sóc và học phí cho trẻ em cao”, “công việc chưa ổn định” và “nền kinh tế suy thoái” là các nguyên nhân chính khiến nhiều người trẻ Trung Quốc ngần ngại kết hôn và sinh con. Các nhà nhân khẩu học cho biết thêm, “bất bình đẳng giới” và “định kiến truyền thống rằng phụ nữ phải chăm sóc gia đình” làm cho vấn đề trì hoãn lập gia đình trở nên trầm trọng hơn.
PGS.Châu Vân, chuyên ngành Xã hội học, Đại học Michigan (Mỹ), cho biết: "Phần lớn sự suy giảm dân số ở Trung Quốc bắt nguồn từ một số lý do cơ cấu cố hữu. Nếu không có những chuyển đổi cơ bản, như tăng cường mạng lưới an sinh xã hội hay hạn chế, xóa bỏ bình đẳng giới, thì xu hướng già hóa dân số sẽ không thể chậm lại”.
Lý giải tỷ lệ kết hôn tăng 12,4% vào năm 2023, các nhà nhân khẩu học cho biết, nguyên nhân do nhiều cặp đôi vì ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên trì hoãn kết hôn. Vì vậy, sự phục hồi nhẹ về tỷ lệ sinh vào năm ngoái chỉ là tạm thời, tỷ lệ sinh dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm 2025.
Năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đưa ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh của cả nước. Tháng trước, Chính phủ cũng kêu gọi các trường Cao đẳng, Đại học đưa giáo dục về hôn nhân và gia đình vào chương trình giảng dạy để nhấn mạnh “quan điểm tích cực liên quan đến đám cưới, tình yêu, khả năng sinh sản và tạo lập gia đình”. Trước đó, vào tháng 11/2024, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã vận động chính quyền các địa phương tập trung nguồn lực vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng dân số của quốc gia; tuyên truyền về việc sinh con trước 30 tuổi và kết hôn “ở độ tuổi phù hợp”.
LHQ cảnh báo, số lượng nữ giới Trung Quốc trong độ tuổi sinh sản (15 đến 49 tuổi) dự kiến sẽ giảm hơn 2/3, xuống dưới 100 triệu người vào cuối thế kỷ này. Trong khi đó, dân số trong độ tuổi nghỉ hưu- những người từ 60 tuổi trở lên- dự kiến sẽ tăng lên hơn 400 triệu người vào năm 2035, từ mức khoảng 280 triệu người hiện nay.
Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc do Nhà nước quản lý cho biết, hệ thống lương hưu có nguy cơ mất an toàn vào năm 2035; bởi dữ liệu cho thấy, khoảng 22% dân số Trung Quốc- tương đương với 310,31 triệu người ở độ tuổi 60 trở lên vào năm 2024, so với 296,97 triệu người vào năm 2023. Quá trình đô thị hóa cũng diễn ra nhanh chóng với số lượng người sống ở thành thị tăng 10,83 triệu lên 943,3 triệu; dân số nông thôn giảm xuống còn 464,78 triệu.
Vì vậy, dữ liệu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố đang củng cố thêm mối lo ngại về việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ gặp khó khăn khi lực lượng lao động và người tiêu dùng giảm; chi phí chăm sóc người cao tuổi và lương hưu cao cũng có thể gây thêm áp lực cho Chính phủ và chính quyền địa phương.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)