Thế giới có thể mất 50% sản lượng kinh tế do tác động của biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu dự báo sẽ ảnh hưởng đến quy mô nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn từ năm 2070 đến 2090.
Viện Chuyên gia Thống kê (IFoA) và các nhà khoa học từ Đại học Exeter (Vương quốc Anh) vừa công bố một báo cáo về biến đổi khí hậu. Một nội dung đáng chú ý là báo cáo chỉ ra, nếu các Chính phủ không khẩn trương hành động để khử carbon và bảo tồn thiên nhiên, thế giới có thể mất 50% sản lượng kinh tế do tác động “thảm khốc” của biến đổi khí hậu trong giai đoạn từ năm 2070 đến năm 2090.
Hạn hán kéo dài đã làm giảm thu hoạch nghệ tây (nguyên liệu làm saffron) của nông dân trồng hoa ở Hy Lạp
Cụ thể, báo cáo khuyến cáo, cần đẩy nhanh quá trình khử carbon, loại bỏ carbon khỏi khí quyển và bảo tồn thiên nhiên. Bởi nếu không kịp thời ứng phó, nền kinh tế toàn cầu có thể mất 50% sản lượng kinh tế (trường hợp “kịch bản” xấu nhất) trong 20 năm, từ năm 2070 đến năm 2090. Gần hơn, tới năm 2050, nếu sự nóng lên toàn cầu đạt tới 3 độ C hoặc cao hơn, hơn 4 tỷ người có thể tử vong; gây ra sự chia rẽ chính trị và xã hội nghiêm trọng; dẫn đến sự sụp đổ của các Chính phủ… và thậm chí, sẽ xảy ra tuyệt chủng một số loài trên toàn cầu.
Báo cáo cho biết thêm, hiện tại chưa có phương thức nào hiệu quả để ngăn chặn “kịch bản” trên xảy ra. Trước đây, từng có dự báo “nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm 3 độ C, sản lượng kinh tế toàn cầu chỉ giảm 2%”- đây là dự đoán quá lạc quan, nếu không nói là chưa chính xác, khiến “các Chính phủ có khả năng bỏ qua tác động nghiêm trọng dự kiến của biến đổi khí hậu, bỏ qua rủi ro có thể xảy ra trong quyết sách về mọi lĩnh vực của họ”.
Mức tăng nhiệt độ nóng nhất trong lịch sử vào năm 2024 lần đầu tiên vượt thời kỳ tiền công nghiệp 1,5 độ. Nhiệt độ đại dương tăng cao. Tình trạng di cư vì biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Với những mối đe dọa này, nguy cơ “phá sản” toàn cầu đang gia tăng. “Phá sản” ở đây đề cập đến sự suy thoái của Trái đất đến mức con người có thể “không còn đủ các yếu tố quan trọng để hỗ trợ hoạt động đời sống, kinh tế và xã hội”. “Thiên nhiên là nền tảng của cuộc sống con người. Thiên nhiên cung cấp thực phẩm, nước, không khí, nguyên liệu thô và năng lượng- những thứ chúng ta cần để duy trì cuộc sống và phát triển kinh tế”- Viện Chuyên gia Thống kê (IFoA) nhấn mạnh trong báo cáo.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)