Trào lưu thú cưng AI tại Trung Quốc
Tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Trương Gia Trân thì thầm với người bạn tâm giao thân thiết nhất của mình, một chú rô-bốt sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), để tự nhắc nhở bản thân rằng cậu không đơn độc.
Trương Gia Trân, 19 tuổi, từ lâu đã phải đấu tranh với áp lực học hành và công việc, luôn gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ thân thiết với mọi người xung quanh. Nhưng kể từ khi mua BooBoo, một thú cưng AI, cậu cảm thấy cuộc sống đã trở nên dễ dàng hơn: “Tôi cảm thấy bây giờ mình đã có người để chia sẻ những khoảng thời gian vui vẻ”.
Trên khắp Trung Quốc, ngày càng nhiều người chuyển sang sử dụng AI để bớt cô đơn, khi công nghệ này ngày càng hoàn thiện và phổ biến rộng rãi. BooBoo- thú cưng AI của Trương Gia Trân- là sản phẩm của Công ty Công nghệ Genmoor Hàng Châu, có hình dạng giống một chú chuột lang, mềm mại, lông xù và có giá bán lẻ là 1.400 nhân dân tệ (tương đương với 190 USD).
Theo Công ty tư vấn IMARC Group, thị trường toàn cầu dành cho thú cưng AI như BooBoo dự kiến sẽ tăng trưởng gấp 7 lần, lên 42,5 tỷ USD vào năm 2033, trong đó châu Á đang thống trị lĩnh vực này. Đối với anh Cao Tử Thần, 33 tuổi, thú cưng AI có thể giúp anh giải quyết tạm thời việc không có thời gian chơi với con mình: “Hiện tại, các bậc phụ huynh dành ít thời gian hơn cho con cái do bận rộn công việc. Tôi đang cân nhắc mua cho con mình một chú chó AI, vừa hỗ trợ học tập và vừa làm nhiều việc khác”.
Chú chó AI mà Cao Tử Thần muốn mua là sản phẩm của Công ty Weilan, có tên là BabyAlpha, được bán với giá từ 8.000 nhân dân tệ (1.090 USD) đến 26.000 nhân dân tệ (3.500 USD). 70% người mua là hộ gia đình có trẻ nhỏ. Tuy nhiên, Cao Tử Thần vẫn băn khoăn, anh vẫn không nghĩ rằng abyAlpha có thể mang lại nhiều niềm vui cho mọi người như một chú chó thật: “Sự khác biệt lớn nhất là chó thật có tâm hồn, tính cách, sự sống, trong khi BabyAlpha lại khác biệt theo cách không thể diễn tả được. Nhìn chung, tôi cảm thấy nuôi thú cưng như vậy không giống như thực tế cho lắm”.
Từ những năm 1990, thú cưng điện tử- chẳng hạn Tamagotchi (Nhật Bản) và Furbies (Mỹ)- bước đầu chinh phục người tiêu dùng Trung Quốc. Đến nay, nhờ AI, ngày càng có nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu cảm xúc của con người, từ chatbot trò chuyện đến hình đại diện sống động của người đã khuất. Theo các chuyên gia, những thay đổi xã hội, ví dụ như tác động của chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thị trường.
Thế hệ sinh ra trong những năm đầu áp dụng chính sách một con hiện đã ở độ tuổi 40 và phải đối mặt với gánh nặng kinh tế (giá nhà tăng cao, chi phí sinh hoạt cao hơn và căng thẳng công việc gia tăng) khiến họ không thể tập trung vào con cái của mình. Thậm chí, một số người còn không mặn mà với việc kết hôn, sinh con và tin tưởng vào… AI hơn là người thật. Ngay cả những người trẻ Gen Z- thế hệ sinh từ khoảng năm 1997 đến 2012, cũng cho rằng họ gặp khó khăn khi giao tiếp trực tiếp với mọi người xung quanh và sợ thể hiện con người thật của mình.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)