Print

Ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng các dịch vụ hưu trí

Thứ Sáu, 04 /04/2025 16:14

Khi dân số toàn cầu già hóa với tốc độ nhanh chóng, nhu cầu về các dịch vụ liên quan đến nhóm người cao tuổi ngày càng tăng và trở nên cấp thiết. Các tổ chức an sinh xã hội đang phải đối mặt với nhiệm vụ đáp ứng những nhu cầu đa dạng của người nghỉ hưu, đặc biệt trong bối cảnh tuổi thọ trung bình ngày càng tăng.

Theo thống kê của LHQ, vào năm 2021, cứ 10 người trên thế giới thì có 1 người từ 65 tuổi trở lên. Đến năm 2050, con số này được dự báo sẽ tăng lên, với tỷ lệ 6- 1. Sự thay đổi nhân khẩu học này tạo ra áp lực lớn lên các hệ thống hưu trí và các dịch vụ liên quan đến người nghỉ hưu. Chính phủ các quốc gia và tổ chức an sinh xã hội cần nhanh chóng thích nghi để đáp ứng nhu cầu ngày càng phức tạp của nhóm dân số cao tuổi, đảm bảo các dịch vụ không chỉ hiệu quả mà còn công bằng và dễ tiếp cận.

Người cao tuổi thường gặp phải những thách thức đặc thù như hạn chế về di chuyển hoặc khó khăn trong việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Vì vậy, các dịch vụ cần được thiết kế phù hợp với những đặc thù này. Mặc dù các giải pháp kỹ thuật số ngày càng được xem là công cụ quan trọng để nâng cao hiệu quả, nhưng chúng cần được kết hợp với các phương thức truyền thống/mang tính thủ công để đảm bảo mọi người cao tuổi, kể cả những người không quen với công nghệ, đều có thể tiếp cận một cách thuận lợi.

Nhiều tổ chức hiện đang tận dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ đa ngôn ngữ, giúp người cao tuổi từ nhiều nền văn hóa khác nhau dễ dàng sử dụng. Các cơ quan an sinh xã hội cần áp dụng chiến lược đa kênh, linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đa dạng, từ đó đảm bảo dịch vụ thực sự bao trùm và không bỏ sót bất kỳ ai.

Hiệp hội An sinh Xã hội Quốc tế (ISSA) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp dịch vụ kịp thời, phù hợp thông qua các kênh thân thiện và dễ tiếp cận. Các tổ chức an sinh xã hội tại châu Á và Thái Bình Dương đang cụ thể hóa các khuyến nghị này trong thực tiễn một cách sinh động, từng bước cải thiện các dịch vụ liên quan đến người nghỉ hưu.

Chẳng hạn, tại Singapore, phương pháp "phy-digital" kết hợp giữa dịch vụ kỹ thuật số và vật lý đã được triển khai, với các ki-ốt thông tin được điều chỉnh độ cao và video hướng dẫn đa ngôn ngữ hỗ trợ người cao tuổi. Tại Indonesia, ưng dụng JMO cho phép người nghỉ hưu truy cập thông tin và yêu cầu dịch vụ qua nền tảng kỹ thuật số, cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận trên toàn quốc.

Còn tại Hàn Quốc, các ki-ốt đa ngôn ngữ và dịch vụ tư vấn dựa trên AI giúp đảm bảo sự công bằng cho nhiều nhóm người dùng, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương. Trong khi đó, tại UAE, đã triển khai tích hợp dịch vụ hưu trí vào WhatsApp, một ứng dụng quen thuộc, giúp người cao tuổi vượt qua khó khăn khi sử dụng các cổng thông tin điện tử vốn khá phức tạp.

Tại Ấn Độ, sáng kiến Prayaas đảm bảo lệnh chi trả lương hưu được giao ngay trong ngày làm việc cuối cùng của tháng, mang lại lợi ích cho hơn 20.000 người nghỉ hưu kể từ năm 2020. Tại Iran, ứng dụng Saba giảm nhu cầu di chuyển để tiếp cận dịch vụ. Trong khi đó, tại UAE, Quỹ Hưu trí Abu Dhabi cung cấp dịch vụ qua WhatsApp, với 96% giao dịch hưu trí được thực hiện qua kênh này vào năm 2023 và mức độ hài lòng đạt 97,8%.

Việc thường xuyên đo lường sự hài lòng là cần thiết để duy trì chất lượng dịch vụ. Tại Iran, ứng dụng Saba nhận được phản hồi tích cực nhờ giao diện trực quan. Tại Hàn Quốc, Cơ quan Hưu trí quốc gia của nước này thường xuyên sử dụng ý kiến người dùng để cải thiện AI và mở rộng dịch vụ đa ngôn ngữ.

Trong bối cảnh dân số già hóa, việc đổi mới dịch vụ hưu trí là yếu tố then chốt để đảm bảo người cao tuổi được tiếp cận công bằng và hiệu quả. Các sáng kiến từ các quốc gia nói trên đã cho thấy sự kết hợp giữa công nghệ và sự thấu hiểu nhu cầu thực tế có thể mang lại những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để duy trì thành công, các tổ chức cần tiếp tục lắng nghe người tham gia và điều chỉnh dịch vụ phù hợp với nhu cầu đang thay đổi.

Minh Đức