CLB Truyền thống Ban Dân y miền Nam thắp lửa cống hiến
Ngày 4/4/2025, tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam (rừng Chàng Riệc, Tây Ninh), CLB Truyền thống Ban Dân y miền Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dịp này, CLB tổ chức Lễ Khánh thành tượng những Thầy thuốc tiêu biểu của ngành Y tế Việt Nam.
Với mốc son 50 năm thống nhất đất nước, Lễ Kỷ niệm là dịp ôn lại truyền thống hào hùng của bao thế hệ dân y miền Nam đóng góp xương máu làm nên chiến thắng lịch sử. Đây cũng là dịp để các thầy thuốc trẻ được gặp gỡ, hầu chuyện cùng thế hệ tiền bối, những cán bộ, chiến sĩ Dân y miền Nam, là nhân chứng sống của sự kiện thống nhất đất nước cách đây 50 năm.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cùng các vị khách thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ
Bởi ý nghĩa đặc biệt ấy, cùng với dịp tôn vinh các thầy thuốc tiêu biểu của ngành Y tế Việt Nam xuất thân từ Ban Dân y, Lễ Kỷ niệm đã nhận được sự quan tâm, tham dự của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh. Đặc biệt, còn có sự hiện diện của nguyên lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Thành ủy TP.HCM, Bộ Y tế... và thành viên CLB Truyền thống Ban Dân y miền Nam, Lãnh đạo các BV, các thầy thuốc trẻ...
Chia sẻ tại Lễ Kỷ niệm, PGS.BS.Trần Thị Trung Chiến- nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ nhiệm CLB Truyền thống Ban Dân y miền Nam, xúc động ôn lại thời khắc 30/4 lịch sử cách đây 50 năm, thời khắc thống nhất đất nước. Là y tá “măng non” của Ban Dân y ở Trung ương Cục vào lứa tuổi cập kê, rồi trở thành bác sĩ điều trị cả chiến sĩ lẫn đồng bào trong thời chiến khốc liệt, BS.Trần Thị Trung Chiến đã gắn cả tuổi thanh xuân của mình với Ban Dân y miền Nam. Vì vậy, dù 50 năm trôi qua, nhưng ôn lại những trận chiến, nhớ lại sự hy sinh của đồng đội, Chủ nhiệm CLB Truyền thống Ban Dân y miền Nam vẫn nghẹn giọng, vẫn ứa nước mắt như chuyện xảy ra chưa lâu.
Sau những phút giây xúc động với quá khứ hào hùng, PGS.BS.Trần Thị Trung Chiến trở lại hiện tại của ngành Y tế Việt Nam với những mốc son thành tựu: Đó là vượt qua dịch SASR, dịch Covid-19; đó còn là phẫu thuật robot, ghép phổi, ghép thận, ghép gan, ghép tim...: “Chúng ta có mặt hôm nay vào những ngày tháng 4 lịch sử để dân hương, dâng hoa, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho đất nước. Sự hy sinh ấy đã làm rạng rỡ cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Phần chúng ta, đặc biệt là những thế hệ trẻ tiếp nối cha ông, phải sống sao cho xứng với sự hy sinh ấy...”.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan (bìa trái) và nguyên Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến (bìa phải) tặng hoa các thầy thuốc khám chữa bệnh tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng
Dịp này, Chủ nhiệm CLB Truyền thống Ban Dân y miền Nam cảm ơn các cơ quan, đơn vị, cá nhân đã đồng hành, chung tay giúp tổ chức Lễ Kỷ niệm thành công, giúp tôn vinh, tạc tượng những thầy thuốc tiêu biểu của ngành Y tế Việt Nam. Trong Lễ Kỷ niệm, nhiều cá nhân có đóng góp thiết thực đã được CLB Truyền thống Ban Dân y miền Nam ghi nhận, tặng giấy khen. Bên cạnh đó, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, khám chữa bệnh, chăm lo đời sống bà con khó khăn, học sinh khó khăn cũng được thực hiện như cách chào mừng đặc biệt dịp Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Trước khi thực hiện các nghi thức khánh thành và đặt tượng những thầy thuốc tiêu biểu của ngành Y tế Việt Nam xuất thân từ Ban Dân y, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chia sẻ nhiều cảm xúc khi lần thứ 2 đặt chân tới vùng đất linh thiêng với bao lớp người đã ngã xuống, đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: “Đây không chỉ là buổi lễ mang ý nghĩa lịch sử, mà còn là dịp để chúng ta tri ân, tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn với hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh đi trước. Đồng thời, khơi dây trong tim mỗi người cán bộ y tế hôm nay tinh thần cống hiến, lý tưởng phụng sự nhân dân mà các thế hệ cha anh đã dày công vun đắp...”.
Điểm lại những thành tựu mà Ban Dân y miền Nam đã đạt được về điều trị, dự phòng bệnh tật, sản xuất trang thiết bị y tế, sinh phẩm, vắc-xin... ngay trong thời chiến, Bộ trưởng nhấn mạnh đến sứ mệnh chăm sóc sức khỏe người dân trong thời bình, với tinh thần vượt khó, ham học hỏi và tận tụy của những người đi trước. Đề cập đến những thầy thuốc tiêu biểu được tạc tượng trong dịp này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ: “Chúng ta thành kính khánh thành các tượng Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng lao động- những con người tiêu biểu cho bản lĩnh, trí tuệ và y đức của ngành Y tế Việt Nam”.
Cũng theo Bộ trưởng, trước đó, Khu Di tích đã hoàn thành 6 tượng danh y, anh hùng liệt sĩ, đến nay đã đặt tổng cộng 15 pho tượng: “Đặt tượng các danh y, anh hùng liệt sĩ tại Khu Di tích tạo nên không gian tri ân trang trọng, truyền cảm hưng cho các thế hệ ngành y qua các thời kỳ. Mỗi pho tượng là ký ức sống động, là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay hãy sống xứng đáng với những giá trị thiêng liêng đã được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, máu và cả sinh mạng của thế hệ đi trước...”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan xúc động chia sẻ thêm.
Các tượng Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng lao động ngành y tế được đặt trong dịp này gồm có: GS.VS.TS.Nguyễn Duy Cương- nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân Đoàn Thúy Ba- nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; BS.Dương Quỳnh Hoa- Bộ trưởng Bộ Y tế Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; GS.TS.BS.Trương Công Trung- nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TPHCM; GS.TS.BS.Nguyễn Thiện Thành- nguyên Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất; BS.Trần Hữu Nghiệp- nguyên Hiệu trưởng Trường Đào tạo Cán bộ Quản lý y tế Trung Cao cấp miền Nam– Ban Dân y miền Nam; GS.BS.Trịnh Kim Ảnh– nguyên Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy; VS.TS.BS.Dương Quang Trung– nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM.
Thanh Giang