Đề xuất giáo viên Việt Nam sang Lào giảng dạy tiếng Việt được tham gia BHXH tại Việt Nam
Thông tư Hướng dẫn Định mức kinh phí chi trả cho giáo viên Việt Nam sang Lào giảng dạy tiếng Việt đang được Bộ Tài chính dự thảo.
Thông tư áp dụng với đối tượng giáo viên Việt Nam được cử sang Lào dạy tiếng Việt; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đảm bảo, thực hiện các quy định trong Thông tư và pháp luật có liên quan.
Theo Thông tư, giáo viên Việt Nam sang giảng dạy tại Lào là người đang công tác tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, Đại học, Cao đẳng Sư phạm thuộc hệ thống giáo dục quốc dân hoặc là chuyên gia, nhà nghiên cứu ngôn ngữ từ các viện nghiên cứu trong nước, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi giảng dạy tiếng Việt tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Giáo viên được hưởng lương trong nước theo ngạch, bậc, hệ số lương hiện hưởng và được cấp phụ cấp sinh hoạt phí khi giảng dạy tại Lào. Được bố trí trong dự toán chi thường xuyên từ NSNN của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm: Lương; Phụ cấp sinh hoạt tính theo tháng; Các khoản trợ cấp, hỗ trợ khác. Về mức lương và phụ cấp sinh hoạt, giáo viên sang Lào giảng dạy được hưởng 40% mức lương trong nước theo ngạch, bậc, hệ số lương hiện hưởng từ NSNN. Trong đó, phụ cấp sinh hoạt phí được tính theo mức cơ sở chung áp dụng với các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, tương đương 1.350 USD/người/tháng (có thể được xem xét điều chỉnh nếu chỉ số trượt giá của đồng USD tăng trên 15% so với thời điểm năm 2025).
Bên cạnh đó, được tham gia BHXH tại Việt Nam; hỗ trợ chi phí BHYT tại Lào với mức không quá 200 USD/năm; hỗ trợ 1 vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông và chi phí hành lý ký gửi, lệ phí sân bay, hỗ trợ chi phí lưu trú không quá 150 USD/tháng. Cơ chế chi trả được thực hiện trực tiếp vào tài khoản cá nhân của giáo viên, mở tại ngân hàng ở Việt Nam hoặc Lào. Giáo viên cũng được tạm ứng 1 tháng phụ cấp sinh hoạt phí để mua sắm thiết bị giảng dạy, thuê nhà và chi phí ban đầu khi mới nhận nhiệm vụ.
Hàng năm, căn cứ vào cam kết hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Lào, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lập dự toán kinh phí, tổng hợp vào dự toán ngân sách của Bộ và gửi Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc thanh toán và quyết toán kinh phí được thực hiện qua Kho bạc Nhà nước và báo cáo quyết toán theo đúng quy định pháp luật.
Tùng Anh