BHXH tỉnh Sơn La- Hành trình kết nối biên cương
Những ngày tháng Ba, khi mùa xuân còn vương lại trên từng triền núi, Đoàn Công tác BHXH tỉnh Sơn La thực hiện hành trình đầy ý nghĩa đến các đồn biên phòng bảo vệ biên giới, bước chân qua những cung đường tuần tra quanh co, gập ghềnh, hòa mình vào sắc trắng tinh khôi của hoa ban trải dài khắp núi rừng Tây Bắc để nghe, cảm nhận những câu chuyện về lòng quả cảm, tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh thầm lặng của những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Chuyến công tác diễn ra trong không khí thiêng liêng của những ngày tháng Ba lịch sử, khi cả nước kỷ niệm 66 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng và Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1959- 03/3/2025), đồng thời chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931- 26/3/2025). Đoàn Công tác do Đại tá Nguyễn Danh Thắng- Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La làm Trưởng đoàn, cùng đồng chí Thiều Quang Ngãi- Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La, BCH Công đoàn, Đoàn Thanh niên của BHXH tỉnh với điểm đến là các Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương, Nậm Lạnh, Mường Lạn, Mường Lèo và Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang.
Dọc hành trình, trên con đường tuần tra biên giới quanh co, cheo leo như thử thách lòng người, mỗi cung đường là dấu ấn của địa lý, là sự hy sinh thầm lặng của những người lính biên phòng. Ở nơi ấy, dù mưa hay nắng, dù giá rét hay bão giông, những chiến sĩ biên phòng vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.
"Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt"- phương châm ấy đã trở thành kim chỉ nam cho các chiến sĩ nơi biên cương
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương, được bao bọc bởi cột mốc quốc gia, con suối trong vắt len lỏi giữa rừng già xanh thẳm. Cách trung tâm huyện Sông Mã gần 40km, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương quản lý gần 27km đường biên giới, tiếp giáp với nước bạn Lào, là điểm tựa vững chắc của nhân dân các xã Chiềng Khương, Mường Sai. "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" - phương châm ấy đã trở thành kim chỉ nam cho chiến sĩ đang ngày đêm đồng hành cùng bà con trong từng nhịp sống, chia sẻ manh áo, mang con chữ đến với trẻ nhỏ vùng biên.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương- Lá chắn thép biên giới
Lần đầu tiên đặt chân lên cung đường tuần tra Chiềng Khương, đồng chí Thiều Quang Ngãi- Giám đốc BHXH tỉnh không giấu được sự xúc động: "Với trách nhiệm của mình, chúng tôi mong muốn được sẻ chia, gần gũi hơn, đi nhiều hơn để hiểu rõ cuộc sống của các chiến sĩ nơi biên giới. Tôi rất mong muốn cùng trải nghiệm cung đường tuần tra đầy gian nan nhưng cũng đầy ý nghĩa của bộ đội biên phòng".
Đoàn Công tác làm việc tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương
Bước chân trên con đường mòn sát biên giới, vạt dốc cao hun hút hay cỏ úa vàng bởi nắng gió khiến ai cũng phần nào cảm nhận được sự khắc nghiệt của miền biên viễn. Gió biên cương thổi qua, cuốn theo lớp bụi đường lẫn trong nắng hanh hao, như lời thì thầm của núi rừng về những tháng năm gian khó.
Tháng Ba- tháng của biên cương, của phụ nữ, của thanh niên cũng là dịp để BHXH tỉnh Sơn La cùng hệ thống chính trị tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các chiến sĩ. Qua hành trình kết nối biên cương, đồng chí Thiều Quang Ngãi mong muốn góp phần lan tỏa tinh thần tiếp nối truyền thống bảo vệ Tổ quốc, tuyên truyền bằng những hành động cụ thể, thiết thực, giúp nhân dân hiểu hơn về công việc thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng của lực lượng biên phòng, thể hiện tình cảm gắn kết, trách nhiệm với biên cương.
Những phần quà thiết thực được trích từ Quỹ Phúc lợi của cơ quan đã được trao gửi. Cái bắt tay thật chặt, lời thăm hỏi chân tình giữa trời biên cương như một lời tri ân gửi đến người lính ngày đêm bám trụ biên cương.
Những phần quà thiết thực được trích từ Quỹ Phúc lợi của cơ quan đã được trao gửi đến những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng
Cuộc sống ở đây khắc nghiệt hơn bất cứ nơi nào. Địa hình hiểm trở với dốc dựng đứng, lối mòn trơn trượt sau mưa, khu rừng rậm rạp cản bước chân người. Thời tiết thất thường, khi nắng rát bỏng da, khi gió buốt cắt thịt. Đêm xuống, cái lạnh thấm vào từng lớp áo, từng hơi thở. Nhưng dù khó khăn thế nào, những chuyến tuần tra vẫn đều đặn diễn ra. "Dù gian khó vẫn vững vàng tay súng, giữ gìn từng tấc đất biên cương", lời thề son sắt ấy luôn đồng hành cùng bước chân lặng lẽ vượt núi, băng rừng. Những người lính biên phòng vẫn kiên trì bám đèo, vượt suối, len lỏi giữa đại ngàn để kiểm tra đường biên, cột mốc, cùng bà con giữ gìn cuộc sống yên bình.
Trung tá Bàn Tiến Vĩnh- Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương cho biết: "Chúng tôi luôn nắm chắc tình hình nội, ngoại biên, phối hợp chặt chẽ với Đại đội Biên phòng 212, Trạm kiểm soát cửa khẩu bản Đán, Công an huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn để bảo vệ biên giới, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện xuất, nhập cảnh. Tổ chức buổi gặp gỡ định kỳ, phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên biên giới". Đằng sau nhiệm vụ ấy là sự cẩn trọng, tinh thần trách nhiệm và ý chí vững vàng của người lính nơi tuyến đầu.
Đồn Biên phòng Chiềng Khương còn phối hợp với chính quyền địa phương thành lập 10 tổ tự quản đường biên, cột mốc với 1.158 hộ dân tham gia. Con đường đất đá biên cương ngày ngày in dấu chân người tuần tra, người dân đi rẫy. Những người lính gắn bó với bà con, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình sản xuất. Gắn kết tình quân dân, dựng xây biên giới vững mạnh là mục tiêu mà các chiến sĩ đang từng ngày thực hiện.
Đồn Biên phòng Mường Lạn- Điểm tựa giữa vùng biên
Rời Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Đồn Biên phòng Mường Lạn, huyện Sốp Cộp. Tiếp đón chúng tôi, Trung tá Bàn Văn Thắng - Đồn trưởng bày tỏ niềm tự hào khi nhắc đến nhiệm vụ mà anh cùng đồng đội đang ngày đêm thực hiện. Trên 54 km đường biên giới với 21 cột mốc quốc gia, Đồn Biên phòng Mường Lạn là lá chắn thép vững vàng, là điểm tựa cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Mỗi cột mốc, mỗi nếp nhà đều in dấu bước chân người lính biên phòng. Gắn bó với vùng biên, họ bám đơn vị, bám địa bàn, thấu hiểu từng chủ trương, chính sách, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, coi việc giúp nhân dân phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của chính mình.
Thăm, tặng quà tại Đồn Biên phòng Mường Lạn
Câu chuyện về những người lính biên phòng tiếp tục tại Trạm kiểm soát Biên phòng Pu Hao, nơi những cánh rừng già rì rào trong gió, đồi núi trập trùng như những lớp sóng xanh ôm lấy miền biên viễn. Thiếu tá Lò Văn Oai- Trạm trưởng đón chúng tôi bằng nụ cười chân thành, giọng nói rắn rỏi mang đậm chất người lính. Anh kể về những ngày đồng đội xa gia đình, tạm gác lại hạnh phúc riêng để gắn bó với từng cột mốc, từng con đường tuần tra. Giữa đại ngàn, họ cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền, tạo dựng doanh trại thành mái nhà thứ hai. Với họ, đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt. Dù nắng cháy hay mưa dầm, từng bước chân vẫn bền bỉ khắc lên những cung đường biên giới, như lời thề sắt son với Tổ quốc.
Đoàn Công tác thăm và làm việc tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Pu Hao
Những việc làm giản dị nhưng thấm đẫm tình người đã và đang góp phần dựng xây vùng biên ngày càng vững mạnh, để đây không chỉ là phên dậu Tổ quốc mà còn là miền quê yên bình, tràn đầy sức sống.
Đồn Biên phòng Nậm Lạnh- Bám dân, bám bản giữ vững biên cương
Hành trình của chúng tôi tiếp tục đến Đồn Biên phòng Nậm Lạnh với địa hình hiểm trở, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng các chiến sĩ vẫn viết câu chuyện bám dân, bám bản, cần mẫn tuần tra, nắm bắt tình hình địa bàn, bảo vệ từng cột mốc, từng con đường mòn ẩn khuất trong rừng già.
Thiếu tá Đỗ Hữu Lâm - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nậm Lạnh chia sẻ rằng nhiệm vụ của đơn vị không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ chủ quyền mà còn gắn liền với đời sống của đồng bào Mông, những bản làng theo đạo, tình trạng di cư tự do và những đối tượng lợi dụng đường biên để thực hiện hành vi phạm pháp với những thủ đoạn tinh vi. Trong bóng tối tĩnh mịch của miền biên viễn, các chiến sĩ vẫn âm thầm đấu tranh, triệt phá từng đường dây tội phạm.
Báo cáo tóm tắt về tình hình đơn vị và địa bàn, Trung tá Đặng Thủy Sơn - Phó Đồn trưởng cho biết: Để kiểm soát tốt tình hình, các chiến sĩ biên phòng thường xuyên bám địa bàn, gần dân, trực tiếp khảo sát, xác minh để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường. Từ đầu năm 2025 đến nay, đơn vị đã triệt phá 1 vụ buôn bán ma túy xuyên biên giới, 1 vụ tàng trữ trái phép vũ khí, góp phần giữ vững an ninh khu vực.
Kể về những ngày tháng gian khó, Trung tá Đào Anh Đức- Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Lạnh chia sẻ về những ngày nắng cháy hay đêm đông lạnh buốt, những người lính vẫn bám bản, bám dân như những cột mốc sống nơi biên giới, về những đêm trực canh lạnh thấu xương, những bước chân ngập trong bùn lầy và những giây phút đối mặt với hiểm nguy biên cương.
Trung tá Đào Anh Đức- Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Lạnh chia sẻ về những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân địa phương trong công tác bảo vệ biên giới
Rồi những tổ chốt cheo leo giữa đại ngàn, cách xa nhau 15 - 20km, có nơi điện chưa tới, sóng điện thoại chỉ là điều xa vời. Chốt gần hơn cũng chẳng dễ đi, chỉ có thể di chuyển bằng xe máy, trời mưa lại thêm lầy lội, có khi bắt buộc phải cuốc bộ. Lương thực phải được dự trữ sẵn vì không thể đi lại thường xuyên, chắt chiu từng thứ để đủ dùng. Nhiều khi, đồ ăn hỏng hết do khu vực không có điện, không thể bảo quản lâu dài. Đơn vị đang nghiên cứu đầu tư hệ thống điện mặt trời để phục vụ sinh hoạt cho các tổ chốt này nhưng kinh phí còn hạn chế, chưa thể triển khai. Cuộc sống ở đây là những chuỗi ngày thử thách bền bỉ, mỗi chiến sĩ phải thích nghi với hoàn cảnh khắc nghiệt để hoàn thành nhiệm vụ.
Nhiều chiến sĩ quê xa hơn 500km, cả năm mới có dịp về nhà một lần. Có những gia đình không thể gắn bó lâu dài, vợ con không theo được vì chồng xa nhà triền miên, cả năm không có dịp sum họp, dẫn đến những cuộc chia ly. Tuy vậy, các chiến sĩ vẫn kiên trì bám trụ dù đối diện với muôn vàn khó khăn. Nhưng họ vẫn không đơn độc, họ có đồng đội, có những người dân nơi bản làng vẫn luôn tin tưởng, yêu thương, trở thành một chỗ dựa tinh thần vững chắc giữa miền biên cương xa xôi.
Với khẩu hiệu “Nghe dân nói, Nói dân hiểu, Làm dân tin”, tình quân dân vùng biên cương thể hiện qua những cái bắt tay, đọng lại trong từng bữa cơm sẻ nửa, từng đồ dùng được trao gửi tới người dân, từng mái nhà đơn sơ được dựng lại sau những ngày thời tiết khắc nghiệt đổ về. Những chương trình như "Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản", "Nâng bước em đến trường", "Con nuôi Biên phòng" là những nhịp cầu yêu thương thường niên. Hiện tại, đồn đang nhận chăm lo cho khoảng 20 em nhỏ, số tiền chăm lo được trích từ chính đồng lương của các cán bộ, chiến sĩ trong đồn, tuy không phải là con số lớn, nhưng chất chứa cả một tấm lòng. Hay những gian hàng 0 đồng xuất hiện, nơi bà con có thể nhận nhu yếu phẩm chỉ với một tờ phiếu tượng trưng, một sự sẻ chia không phô trương, đủ để ấm lòng giữa núi rừng.
Đại tá Nguyễn Danh Thắng- Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La khẳng định sự tận tâm và hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và giữ vững chủ quyền quốc gia
Đại tá Nguyễn Danh Thắng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh vững vàng của các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh. “Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, các đồng chí luôn thể hiện sự dũng cảm và kiên cường, không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc công việc. Chính sự tận tâm và hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ bình yên cho nhân dân và giữ vững chủ quyền quốc gia. Những chiến công của các đồng chí là minh chứng rõ nét cho lòng yêu nước và sự cống hiến vô bờ bến trong công tác bảo vệ an ninh biên giới”.
Nhấn mạnh trách nhiệm của ngành BHXH không chỉ giới hạn trong công tác an sinh mà còn cần hướng đến sự kết nối với những người lính tuyến đầu, đồng chí Thiều Quang Ngãi- Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La đề xuất hằng năm ngành BHXH tỉnh sẽ tổ chức đoàn công tác thăm hỏi các đồn biên phòng để những người từ hậu phương được trực tiếp cảm nhận và sẻ chia, chung tay cùng các chiến sĩ góp phần lan tỏa sự nghĩa tình. Bên cạnh đó, những chiến sĩ có gia đình ở quê nhà có thể trở thành cầu nối, khuyến khích người thân, hỗ trợ người thân tham gia BHXH tự nguyện- là một sự chuẩn bị cho tương lai, lan tỏa nhận thức về tầm quan trọng của chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước. Một quyển số BHXH, một tấm thẻ BHYT hôm nay là sự bảo đảm cho mai sau, đồng thời là minh chứng cho sự quan tâm, trách nhiệm với chính cuộc sống của mình, của gia đình, những người thân yêu.
Đồng chí Thiều Quang Ngãi- Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La đề xuất tổ chức thêm nhiều chuyến thăm các đồn biên phòng, vận động xã hội hóa để hỗ trợ các chiến sĩ biên cương
Quan tâm đến môi trường sống tại khu vực biên giới, Giám đốc Thiều Quang Ngãi đề xuất triển khai chương trình "Biên giới xanh", vận động sự vào cuộc của Đoàn thanh niên xã sở tại, bao gồm việc cải thiện hệ thống thu gom rác, tổ chức các hoạt động nhặt rác, khuyến khích lối sống xanh và tiêu dùng bền vững ngay tại các bản làng, đường giao thông vùng biên.
Đồng cảm với chia sẻ của Trung tá Đào Anh Đức về tình trạng một số tổ chốt nằm sâu trong rừng, khu vực lưới điện quốc gia chưa vươn tới, cheo leo giữa đại ngàn, tổng trị giá lắp đặt 01 trạm phát điện năng lượng mặt trời là khoảng 30 triệu đồng. Giám đốc Thiều Quang Ngãi đã trực tiếp hỗ trợ 10 triệu đồng cùng Chi đoàn BHXH tỉnh để chung tay lắp đặt 01 hệ thống cho tổ chốt Đồn Biên phòng Nậm Lạnh nhằm lan tỏa kêu gọi các đoàn viên thanh niên trong cơ quan nói riêng, các tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung cùng tham gia đóng góp, biến những lời kêu gọi thành hành động cụ thể, giúp cải thiện điều kiện công tác, sinh hoạt cho các chiến sĩ biên cương xa xôi.
Đồn Biên phòng Mường Lèo- Luôn trong tư thế sẵn sàng
Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến Đồn Biên phòng Mường Lèo, một trong những đồn biên phòng xa xôi nhất trên tuyến biên giới Việt Nam- Lào ở Sơn La. Đường đến đây gập ghềnh với những con dốc dựng đứng, những khúc cua tay áo len lỏi giữa rừng già, một bên là vách núi cheo leo, bên kia là vực sâu thăm thẳm, hun hút như muốn thử thách những người lữ khách phương xa. Nhưng tất cả những gian nan ấy vẫn chưa là gì so với những thử thách hàng ngày mà các chiến sĩ biên phòng nơi đây đang kiên cường đối mặt.
Đồn Biên phòng Mường Lèo nằm tại xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, tiếp giáp với hai tỉnh Luông Pha Băng và Hủa Phăn (Lào). Đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ hơn 45 km đường biên giới với 18 cột mốc, 1 cọc dấu, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Đây cũng là điểm nối quan trọng trên tuyến biên giới Việt Nam- Lào, nằm giữa những cánh rừng bạt ngàn, giao thông cách trở, địa hình hiểm trở.
Đoàn Công tác thăm, tặng quà tại Đồn Biên phòng Mường Lèo
Bên cạnh việc phải đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo còn phải đối phó với những hoạt động tội phạm phức tạp trên tuyến biên giới. Ma túy, buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép… tất cả đều diễn ra âm thầm, đầy tinh vi. Để giữ vững bình yên nơi đây, những người lính biên phòng luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, tuần tra ngày đêm không quản ngại gian khó. Thượng tá Hoàng Văn Giáp - Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lèo cho hay: "Công tác quản lý, bảo vệ biên giới luôn được Đồn thực hiện nghiêm túc với chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện quân sự, nghiệp vụ bài bản. Đồng thời, công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân cũng được chú trọng, góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị với nước bạn Lào, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia".
Ghé qua Tổ công tác Pá Khoang thuộc Đồn Biên phòng Mường Lèo, chúng tôi được chứng kiến một nhịp sống bình dị nhưng kiên cường giữa đại ngàn. Ở biên viễn xa xôi này, những người lính luôn vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền, gắn bó với từng mảnh đất, từng gốc cây, tự tay cuốc đất trồng rau, dựng lên những vườn cây xanh mướt. Doanh trại thành mái nhà thứ hai, nơi họ san sẻ cùng nhau từng bữa cơm, từng cơn gió lạnh mùa đông hay cái nắng rát bỏng mùa hè. Những luống rau xanh mơn mởn, những đàn gà, vịt, ngỗng ríu rít trong sân chính là dấu ấn của sự gắn bó, của một cuộc sống dù gian khó nhưng tràn đầy sức sống. Giữa biên cương xa xôi, tình đồng chí, nghĩa quân dân càng thêm gắn bó, vững bền như những cột mốc biên giới hiên ngang giữa đất trời.
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang- Án ngữ cửa ngõ Tây Bắc
Giáp biên giới tỉnh Phong Sa Lỳ (Lào), Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang án ngữ cửa ngõ Tây Bắc. Đây là khu vực trọng điểm về buôn bán ma túy, nơi sự bình yên phải đổi bằng mồ hôi, thậm chí cả máu. Đồn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 24km biên giới với 10 cột mốc quốc giới (từ mốc 112 đến 121). Địa hình phức tạp, nhiều đường tiểu ngạch khiến xã biên giới Na Ư, huyện Điện Biên được đánh giá là địa bàn phức tạp về tội phạm gieo rắc "cái chết trắng".
Nhiệm vụ bảo vệ biên giới của Đồn Biên phòng Tây Trang được thực hiện nghiêm ngặt thông qua các đợt tuần tra định kỳ, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ địa bàn. Cán bộ, chiến sĩ thường xuyên kiểm tra mốc giới, theo dõi sát diễn biến khu vực, sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh để giữ vững an ninh trật tự vùng biên. Địa hình rừng núi hiểm trở, những đường mòn chằng chịt luôn tiềm ẩn nguy cơ, nhưng với tinh thần kiên định, họ vẫn ngày đêm bám trụ, vững vàng trên trận tuyến bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Đoàn Công tác thăm, tặng quà tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang
Cùng với nhiệm vụ tuần tra, công tác kiểm soát xuất nhập cảnh cũng được thực hiện nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép, góp phần duy trì sự ổn định khu vực. Những người lính biên phòng miệt mài trên từng cung đường, từng chốt gác, không quản gian khó để bảo vệ sự bình yên cho tuyến đầu Tổ quốc.
Là những người lính biên phòng trẻ tuổi, Đại úy Nguyễn Đức Sơn và Thượng úy Nguyễn Văn Hiển- 2 Phó Trạm trưởng của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang đã gác lại cuộc sống gia đình để cống hiến cho nhiệm vụ giữ vững biên cương. Tây Trang đã trở thành mái nhà thứ hai, họ đặt trọn tâm huyết, kiên định trước mọi khó khăn, coi sự bình yên của biên giới là trách nhiệm lớn lao và niềm tự hào của chính mình.
Trải qua bao tháng ngày gian khó, họ càng thêm thấu hiểu và gắn kết bền chặt với đồng bào vùng biên, chia sẻ từng niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống nơi địa đầu Tổ quốc. Thượng úy Nguyễn Văn Hiển nhớ mãi một kỷ niệm đau lòng: Một em bé người dân tộc thiểu số mắc bệnh hiểm nghèo nhưng gia đình không có điều kiện chữa trị đành đưa con về nhà chờ số phận an bài. Hay tin, cán bộ, chiến sĩ trong đồn đã chung tay quyên góp, mong giành lại sự sống cho em. Thế nhưng, không có điều kỳ diệu xảy ra, số tiền còn lại đã được dùng để giúp gia đình em xây dựng một mái nhà kiên cố, an toàn giữa vùng biên giới đầy khắc nghiệt.
Các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng vừa bảo vệ biên giới, vừa tích cực tăng gia sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng đơn vị vững mạnh
Nhận định các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tây Trang là cầu nối gắn kết vùng biên, đồng chí Thiều Quang Ngãi- Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La nhấn mạnh rằng việc giữ vững biên giới không thể chỉ dựa vào lực lượng vũ trang mà còn cần những chính sách phù hợp để người dân an tâm sinh sống, gắn bó với quê hương. Cần có cơ chế hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế vùng biên, giúp bà con ổn định cuộc sống, tránh xa cám dỗ của tội phạm ma túy. Khi người dân có cuộc sống vững chắc trên chính mảnh đất của mình, biên cương cũng sẽ trở nên kiên cố hơn.
Dưới ánh nắng chiều nhạt dần, chúng tôi rời Tây Trang, mang theo trong tim những xúc cảm sâu lắng về mảnh đất biên cương và những con người kiên cường nơi đây. Chuyến đi giúp chúng tôi hiểu hơn về nhiệm vụ của các chiến sĩ biên phòng, khơi gợi trong lòng mỗi người niềm tự hào và trách nhiệm.
Tháng Ba- tháng của biên giới, của tuổi trẻ, của những người phụ nữ dịu dàng mà kiên cường. Đây cũng là tháng mà chúng tôi được khắc ghi hình ảnh những người lính biên phòng kiên cường, những con người sống với trái tim ấm áp, giữ bình yên cho Tổ quốc bằng tất cả nhiệt huyết và tình yêu quê hương. Đồng chí Thiều Quang Ngãi- Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La đề xuất tổ chức thêm nhiều chuyến thăm các đồn biên phòng, vận động xã hội hóa để hỗ trợ các chiến sĩ biên cương. Những đóng góp dù nhỏ bé nhưng là sự tri ân chân thành, lan toả bằng hành động thiết thực để tiếp thêm sức mạnh cho những người đang ngày đêm canh giữ biên cương.
Hay như lời Đại tá Nguyễn Danh Thắng luôn nhắc mãi rằng, trong công tác, nhất là đối với các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, không có gì quan trọng hơn sự cống hiến. "Đời mà, tuổi trẻ mà, cứ cống hiến đi" - Đại tá Thắng nói với ánh mắt đầy kiên định và niềm tin.
Chúng ta đôi khi tự hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, nhưng ở đây, nơi biên giới xa xôi, những người lính Biên phòng không chờ đợi câu trả lời. Họ ngày ngày hành động bằng những việc làm cụ thể, giữ vững từng tấc đất quê hương, chăm lo cho từng mảnh đời nhỏ bé miền biên viễn. Và với sự chung tay của cộng đồng, của những người biết yêu thương và san sẻ, biên giới sẽ không còn là một dải đất xa lạ, mà đang điểm tô bằng những câu chuyện về lòng trung kiên, về tình người ấm áp giữa đại ngàn.
Ngọc Trâm- Ngọc Mai