Đồng Tháp: Điểm sáng trong xác thực, làm sạch dữ liệu dân cư quốc gia về BHXH, BHYT
BHXH tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu phấn đấu cập nhật 100% căn cước công dân (CCCD), mã định danh cá nhân (ĐDCN) người tham gia BHXH, BHYT, xác thực đúng với dữ liệu dân cư quốc gia. Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã khắc phục khó khăn, sáng tạo nhiều giải pháp để sớm cán đích mục tiêu.
Dấu ấn từ quyết tâm “tăng tốc”
Dù nỗ lực từ sớm trong công tác phối hợp, triển khai nhưng tính đến đầu tháng 11/2024, thống kê cho thấy, Đồng Tháp vẫn còn 19.211 trường hợp người tham gia BHXH, BHYT chưa có số ĐDCN/CCCD trong phần mềm TST. Trong đó một số đối tượng tham gia BHXH, BHTT có số lượng lớn như: BHYT hộ gia đình (5.248 người), BHYT học sinh (5.172 người), người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội (1.424 người), người cao tuổi (1.307 người)…
Đoàn công tác của BHXH tỉnh Đồng Tháp làm việc, đôn đốc tại các xã, thị trấn
Liên quan đến nhiệm vụ này, ngày 11/11/2024, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh và Đoàn Công tác BHXH Việt Nam đã có buổi khảo sát tại BHXH tỉnh và một số xã trên địa bàn. Ngay trong chuyến đi thực tế này nhiều bất cập, tồn tại đã được Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh chỉ rõ, đồng thời có những chỉ đạo nhằm khắc phục kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Kim Thu– Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngay sau chỉ đạo của Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh, toàn tỉnh đã kịp thời bám sát thực hiện rà soát, cập nhật bổ sung thêm được 5.493 trường hợp. Đến ngày 19/11/2024, BHXH tỉnh Đồng Tháp tiếp tục ban hành Kế hoạch số 80/KH-BHXH để triển khai thu thập số ĐDCN/CCCD trên toàn tỉnh. Trong đó, chỉ rõ số liệu còn phải cập nhật là 13.718 trường hợp người tham gia BHXH, BHYT chưa có số ĐDCN/CCCD. Từ đó, toàn hệ thống BHXH tỉnh đến huyện tiếp tục nỗ lực bắt tay vào “tăng tốc” nhằm đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.
“Kết quả là, tính đến ngày 5/3/2025, sau 4 tháng triển khai quyết liệt việc thu thập số ĐDCN/CCCD, BHXH tỉnh rà soát, cập nhập được thêm 15.532 người tham gia BHXH, BHYT chưa có số ĐDCN/CCCD, qua đó giảm 80,85% số người so với thời điểm 11/11/2024. Đến này, toàn tỉnh đã có 1.414.129/1.417.808 người tham gia BHXH, BHYT được cập nhật số ĐDCN/CCCD trong phần mềm TST, đạt tỷ lệ 99,74%”- bà Kim Thu chia sẻ.
Nói về giải pháp để có những kết quả rất khả quan này chỉ trong một thời gian ngắn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Kim Thu phân tích chỉ rõ hàng loạt các giải pháp cụ thể đã được triển khai.
Trong đó, có phối hợp trực tiếp Thủ trưởng Công an cấp huyện để cử chuyên quản thu cơ quan BHXH đến Công an huyện thực hiện tìm kiếm, tra cứu ĐDCN/CCCD của người tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, gửi danh sách người tham gia BHXH, BHYT chưa có số ĐDCN/CCCD theo từng nhóm đối tượng tham gia BHYT đến Công an cấp xã, UBND xã, phường, thị trấn (UBND xã) phối hợp rà soát, tìm kiếm, xác định số ĐDCN/CCCD. Gửi danh sách người tham gia BHXH, BHYT chưa có số ĐDCN/CCCD đến DN, các Tổ chức dịch vụ thu đề nghị cung cấp số ĐDCN/CCCD. Hoặc gửi danh sách học sinh đang tham gia BHYT chưa có số ĐDCN/CCCD đến các cơ sở giáo dục đề nghị cung cấp số ĐDCN/CCCD. BHXH tỉnh cũng chỉ đạo phòng Chế độ BHXH, bộ phận chế độ BHXH toàn tỉnh thực hiện rà soát, tìm kiếm số ĐDCN/CCCD đối với nhóm tham gia BHYT do quỹ BHXH đóng (hưu trí; mất sức lao động; trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…). Không chỉ phối hợp chuyển danh sách đề nghị mà BHXH tỉnh còn chỉ đạo BHXH các đơn vị cử chuyên viên trực tiếp đến từng đơn vị, cơ sở để làm việc để có kết quả cụ thể nhất.
Trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo, BHXH tỉnh Đồng Tháp cũng giao phòng Quản lý Thu- Sổ, Thẻ làm đầu mối triển khai, hướng dẫn, tổng hợp số liệu báo cáo hằng tuần để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Từ đó có biểu dương các BHXH huyện thực hiện tốt, phê bình các huyện thực hiện chưa tốt. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng thường xuyên chú ý công tác kiểm tra thực hiện nhằm nắm bắt, kịp thời điều chỉnh những BHXH huyện triển khai không đúng hướng dẫn của BHXH tỉnh, triển khai không mang lại hiệu quả cao…
Tạo thuận lợi cho người dân, NLĐ
Tiếp tục các giải pháp thúc đẩy nhiệm vụ, mới đây Đoàn Công tác của BHXH tỉnh Đồng Tháp và Công an tỉnh Đồng Tháp đã có buổi khảo sát về thực hiện đôn đốc tháo gỡ khó khăn công tác thu thập số ĐDCN/CCCD đối với người tham gia BHXH, BHYT, của 12 huyện, thành phố trên địa bàn. Qua ghi nhận, nhiều giải pháp, cách làm hay góp phần đưa tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT tại Đồng Tháp được bổ sung, cập nhật ĐDCN/CCCD đạt tỷ lệ 99,74 %. Đây cũng là cơ sở để người dân, NLĐ tham gia BHXH, BHYT có thể thuận lợi khi đi KCB bằng CCCD, ứng dụng VNeID, VssID-BHXH số…
Theo thống kê, hiện Đồng Tháp chỉ còn 3.679 trường hợp chưa được cập nhật số ĐDCN/CCCD. Đơn cử, Nhóm 1, nhóm cùng tham gia BHXH bắt buộc chỉ còn 54 trường hợp. Nhóm 2, nhóm do quỹ BHXH đóng còn 52 trường hợp. Hay nhóm người tham gia BHXH tự nguyện chỉ còn 8 trường hợp…
Phối hợp rà soát, bổ sung dữ liệu tại huyện Tháp Mười
Bà Kim Thu cho biết, dù vậy vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục như: Nhiều trường hợp người tham gia BHXH, BHYT chưa có số ĐDCN trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, như: người tàn tật, khuyết tật, người tâm thần, người cao tuổi không đến cơ quan Công an để làm hồ sơ; người dân di chuyển qua nhiều tỉnh, mặc dù có khai báo tạm vắng, tạm trú nhưng chưa về quê quán để bổ sung hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của cơ quan Công an, từ đó cơ quan Công an chưa cấp số ĐDCN. Hay còn nhiều trường hợp người đang tham gia BHYT hiện không có mặt tại địa phương, chưa làm hồ sơ để cơ quan Công an cấp số ĐDCN/CCCD. Đặc biệt có nhiều trường hợp còn nhà tại địa phương nhưng sinh sống cùng con, cháu, mỗi dịp lễ tết thì trở về nhà, nên cơ quan Công an chưa đủ cơ sở cắt giảm cư trú đối với người dân. Bên cạnh đó nhiều trường hợp cơ quan BHXH đã thu thập được số ĐDCN/CCCD, tuy nhiên khi cập nhật vào phần mềm TST thì phần mềm TST yêu cầu đính kèm hình ảnh, việc liên lạc người dân thu thập hình ảnh khó khăn nên cơ quan BHXH chưa đủ cơ sở cập nhật được số ĐDCN/CCCD vào phần mềm TST…
Từ khó khăn, vướng mắc này, bên cạnh tiếp tục nỗ lực cùng các ngành chức năng địa phương phối hợp xử lý, BHXH tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị BHXH Việt Nam đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về việc cấp số ĐDCN cho một số đối tượng như: người tàn tật, khuyết tật, người tâm thần, người cao tuổi, người dân không bổ sung hồ sơ gốc. Hoặc cho phép không đính kèm hình ảnh giấy tờ nhân thân đối với với trường hợp sau khi thu thập được số ĐDCN/CCCD, nhưng có thay đổi thông tin bộ định danh (họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, tỉnh khai sinh, huyện khai sinh, xã khai sinh), mà người tham gia không còn ở địa phương hoặc người bệnh tàn tật, khuyết tật, người tâm thần, người cao tuổi theo biên bản xác minh của địa phương...
Phạm Thọ