TP.HCM: Thắt chặt kiểm soát chuỗi phân phối sữa
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quang Huy– Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM trong Họp báo Thông tin về tình hình kinh tế- xã hội địa phương.
Theo ông Huy, dù tới nay chưa phát hiện sữa giả sản xuất quy mô lớn tại TP.HCM như một số địa phương khác nhưng Chi cục vẫn thắt chặt kiểm soát toàn bộ chuỗi phân phối, bởi sữa là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng trên diện rộng, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Lãnh đạo Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM tại buổi Họp báo
Cũng theo ông Huy, tính cả năm 2024 và trong quý I/2025, có tới 600 vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm trên địa bàn TP.HCM mà Chi cục đã ghi nhận và xử lý. Đáng chú ý, liên quan tới sản phẩm sữa có 7 vụ vi phạm (tạm giữ 2.634 hộp sữa và 40 kg bột sữa, chủ yếu là hàng nhập lậu, quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc). Chi cục đã chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu hình sự liên quan kinh doanh thực phẩm giả sang cơ quan điều tra, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vi phạm trên thị trường. “Chúng tôi phải chủ động trước, không đợi sữa giả tràn vào địa bàn mới xử lý, vì đây là mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe trẻ nhỏ và người lớn tuổi...” - ông Huy nhấn mạnh.
Vậy thắt chặt kiểm soát chuỗi phân phối sữa bằng cách nào? Theo ông Huy, đó là thắt chặt kiểm soát các kho lạnh, điểm tập kết hàng hóa và tuyến phân phối. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh truyền thống, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử đều thuộc diện thắt chặt kiểm soát. Ngoài tăng cường giám sát, kiểm soát sản phẩm sữa, Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường còn thông tin về các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ cao như thịt đông lạnh, thịt bò không rõ nguồn gốc... cũng sẽ kiểm tra, giám sát kỹ trong đợt này: "Chi cục đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giám sát, sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc, công cụ kiểm định nhanh chất lượng sản phẩm... để kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định, như phạt tiền, tịch thu, tiêu hủy, đình chỉ hoạt động kinh doanh, thậm chí là truy tố hình sự".
Thanh Giang