Print

BHXH tự nguyện cho một tương lai ổn định

Thứ Tư, 14 /05/2025 09:55

Chính sách BHXH tự nguyện đang được từng bước mở rộng phạm vi tiếp cận đến nhiều tầng lớp xã hội, không phân biệt độ tuổi, ngành nghề hay trình độ học vấn. Dù ở các điều kiện khác nhau nhưng mọi người cũng đang dần nhận thấy việc tham gia BHXH là cần thiết cho một tương lai ổn định, giảm thiểu rủi ro khi không còn khả năng lao động.

Sự ưu việt của chính sách an sinh

Tham dự Hội nghị Tuyên truyền chính sách BHXH tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ) từ cuối năm 2021, chị Nguyễn Thị Hằng thuộc Hội Nông dân phường Minh Phương đã nhanh chóng quyết định tham gia BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho 5 năm về sau. Chị Hằng cho biết trong triển khai thực hiện công tác hội tại khu dân cư, chị đã chủ động giới thiệu về chính sách BHXH tự nguyện, từ đó hàng chục hội viên đã gia nhập lưới an sinh và họ cùng chờ đến ngày gặt trái ngọt an sinh- lương hưu hàng tháng.

Tương tự, chị Bùi Thị Thu Hoài, kinh doanh nhỏ tại một khu chợ thuộc phường Khai Quang TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Trước đây chị có thời gian 5 năm 7 tháng làm hợp đồng tại Trường Mầm non Hồng Phương. Tháng 9/2022, chị Hoài đăng ký hưởng BHXH một lần tại bộ phận "một cửa" BHXH tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây, chị Hoài được tư vấn nhiều quyền lợi thiết thực của chính sách BHXH nên đã thay đổi quyết định không nhận BHXH một lần mà tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Hằng tháng, với số thu nhập ít ỏi nhưng chị Hoài vẫn để dành một phần tiền nhỏ để tiếp tục đóng nối BHXH tự nguyện với thời gian làm hợp đồng đã được chốt sổ BHXH.

Hiểu được giá trị của tham gia BHXH, em Trần Tuấn Anh, sinh năm 2003, trú tại phường Hội Hợp (TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã chủ động tham gia BHXH tự nguyện từ rất sớm. Theo em Tuấn Anh, từ năm học thứ 2 trường Đại học FPT, em đã đăng ký đi làm thêm, tháng lương đầu tiên em đã xin phép bố mẹ cho em được đóng BHXH tự nguyện. Với mức lương làm căn cứ đóng là 1.500.000/tháng, tuy thấp nhưng gia đình và bản thân cháu đều cảm thấy rất vui vẻ.

Em Tuấn Anh chia sẻ: “Việc chủ động tham gia BHXH không chỉ là tính toán tài chính mà còn thể hiện tư duy sống có kế hoạch mà giới trẻ như chúng em bây giờ rất quan tâm nhất là trong bối cảnh lao động thay đổi nhanh chóng, nhiều người thích làm tự do không muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp nhưng lại muốn sau về già có lương hưu, có thẻ BHYT thì việc lựa chọn đóng BHXH tự nguyện là tối ưu nhất”.

Được triển khai thực hiện từ năm 2008, BHXH tự nguyện là một chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho tất cả người lao động trên mọi lĩnh vực. Nếu như trước đây, chỉ có cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước hoặc người lao động có hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mới được tham gia đóng BHXH để được hưởng lương hưu, nhờ có chính sách BHXH tự nguyện, tất cả mọi đối tượng trong xã hội từ đủ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia để được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện. Đặc biệt, BHXH tự nguyện có phương thức đóng góp rất linh hoạt cao hay thấp, mức phí phù hợp với khả năng đóng góp và nguyện vọng thụ hưởng sau này.

Trong trường hợp rủi ro, bị giảm thu nhập thì người tham gia có thể tạm ngừng đóng và được bảo lưu thời gian đóng để làm cơ sở cộng nối thời gian đóng sau đó. Đồng thời, sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện cho phép người lao động trước đây tham gia BHXH bắt buộc vì lý do nào đó phải nghỉ việc, nếu sau đó chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện, hoặc đối với trường hợp chuyển từ BHXH tự nguyện sang BHXH bắt buộc thì được bảo lưu thời gian đã đóng để làm cơ sở tính hưởng chế độ BHXH. Ngoài chế độ hưu trí, người tham gia còn được cấp thẻ BHYT miễn phí cho đến khi qua đời, người thân của người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ tử tuất như với người tham gia BHXH bắt buộc.

Thêm nhiều quyền lợi cho người tham gia

Đáng chú ý, Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) sẽ mở rộng thêm rất nhiều quyền lợi cho người tham gia. Theo đó, Luật BHXH 2024 quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (cả lao động nữ và nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Trường hợp cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong BHXH bắt buộc, mẹ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cha được hưởng chế độ thai sản BHXH bắt buộc còn mẹ được hưởng trợ cấp thai sản BHXH tự nguyện và ngược lại. Còn cha và mẹ đều tham gia BHXH tự nguyện thì cả hai cùng được hưởng. Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản.

Kinh phí thực hiện trợ cấp trên do ngân sách nhà nước bảo đảm và Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, Luật BHXH 2024 đã điều chỉnh về thời gian tham gia BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm, Bộ luật Lao động 2019 điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ như nêu ở trên. Vì vậy, Luật BHXH mới có đưa ra điều khoản chuyển tiếp cho phép người lao động tham gia BHXH tự nguyện trước thời điểm Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực được phép lựa chọn thời điểm nhận lương hưu.

Cụ thể, người tham gia BHXH tự nguyện trước ngày 1/1/2021 và đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi với nữ. Song song đó, đối tượng này cũng có thể chọn nhận lương hưu khi mới tham gia đóng BHXH đủ 15 năm và đủ tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.

Như vậy có thể thấy, người lao động tham gia BHXH tự nguyện trước khi có chính sách điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được linh hoạt chọn thời điểm nhận lương. Còn người tham gia BHXH tự nguyện gần đây và sau ngày 1/7/2025 chỉ được nhận lương hưu khi đảm bảo điều kiện duy nhất đó là tham gia BHXH tối thiểu 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động.

Hà Thuỷ