Print

Đẩy nhanh lộ trình bao phủ BHYT toàn dân, tiến tới thực hiện miễn viện phí

Thứ Sáu, 16 /05/2025 14:44

Chính sách miễn viện phí sẽ giảm thiểu những bất công trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt đối với người dân ở các vùng sâu, vùng xa và đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, để triển khai được bên cạnh việc chuẩn bị nguồn tài chính thì cũng phải đẩy nhanh lộ trình bao phủ BHYT toàn dân.

Cần tính toán kỹ về lộ trình

Thực hiện việc miễn viện phí cho toàn dân không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Do vậy, để chính sách này thành công, cần có sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội và một lộ trình thực hiện rõ ràng, bài bản. Chính phủ và ngành Y tế đang nỗ lực xây dựng các cơ chế, chính sách hợp lý để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc chăm sóc sức khỏe toàn dân, tránh tình trạng lãng phí và trục lợi từ dịch vụ y tế miễn phí. Việc triển khai hệ thống sổ sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử chính là một bước đi quan trọng để tạo ra nền tảng quản lý sức khỏe toàn diện cho mỗi người dân.

Khẳng định chính sách này có giá trị thiết thực, nhất là người dân ở vùng có điều kiện khó khăn, song bà Nguyễn Thị Sửu- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Huế nhìn nhận, cùng với chính sách miễn giảm học phí, chúng ta đang tiến tới miễn giảm viện phí cho các đối tượng chính sách, ưu tiên, người nghèo, người lớn tuổi và tiến tới miễn viện phí cho toàn dân trong tương lai. Nếu chính sách miễn viện phí được triển khai sẽ là một minh chứng rõ nét cho thấy đất nước chúng ta phát triển ổn định bền vững, an sinh xã hội được quan tâm một cách toàn diện.

Để chính sách miễn viện phí được triển khai, việc cân đối nguồn lực là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng cùng những chiến lược bài bản và bền vững. Cần tính toán kỹ về lộ trình và cân đối về nguồn lực ngân sách. Theo đó, ở những địa phương còn nhiều khó khăn, không thể tự cân đối nguồn lực của mình vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương nên phải tính toán, cân đối lại nguồn lực cho đảm bảo. Đây cũng là trách nhiệm không nhỏ làm sao để có sự tính toán phù hợp, xây dựng kế hoạch và lộ trình tài chính, chính sách về tài khoá, chính sách tiền tệ…

Nhìn nhận chính sách miễn viện phí được triển khai sẽ tạo nên một chế độ an sinh đặc biệt, bà Nguyễn Thị Việt Nga- Phó Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương khẳng định, cuối năm 2024, tỷ lệ người tham gia BHYT đã chiếm trên 94%. Hệ thống BHYT hiện nay đã có sự phân cấp với các mức hỗ trợ khác nhau, trong đó trẻ em dưới 6 tuổi và hộ nghèo được hưởng chế độ miễn phí 100%. Bên cạnh đó, quỹ BHYT còn chi trả viện phí đến 80% và mức cao nhất là 90% cho người có thẻ. Đây là nền tảng quan trọng để từng bước hướng tới chính sách miễn viện phí toàn dân, giảm gánh nặng tài chính trong chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. “Có thể khẳng định, việc miễn viện phí không chỉ mang đến lợi ích cho cá nhân hay hộ gia đình, mà là lợi ích to lớn chung của toàn xã hội. Bởi một quốc gia muốn phát triển, sánh vai với cường quốc năm châu cần có những người dân khỏe mạnh và hạnh phúc”, bà Nga khẳng định.

Song, cũng theo bà Nga, để tiến tới miễn viện phí toàn dân cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chi tiết. Bởi triển khai chính sách không chỉ đơn thuần là củng cố hay chuẩn bị ngân sách, mà còn cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau. Đầu tiên, củng cố hệ thống y tế cơ sở, tránh dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Khi các bệnh viện quá tải, chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân sẽ bị trì trệ và sụt giảm. Để hệ thống y tế cơ sở được củng cố, phải quan tâm đến hai yếu tố chính: đảm bảo trang thiết bị, cơ sở vật chất đầy đủ để phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân tại địa phương; giải quyết “bài toán” thiếu nhân lực ngành y tế và nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức của đội ngũ bác sĩ. Làm tốt hai việc này, chất lượng dịch vụ ngành y sẽ được đảm bảo. “Thực hiện miễn viện phí cho toàn dân, chắc chắn ngân sách Nhà nước sẽ gánh một khoản chi phí không nhỏ. Do đó, các giải pháp từ vĩ mô đến vi mô để phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng. Khi kinh tế được thúc đẩy tăng trưởng sẽ tạo nguồn lực đủ mạnh, giúp duy trì bền vững chính sách miễn viện phí”- bà Nga cho hay.

Cân đối để thêm quyền lợi cho người tham gia BHYT

Tại Hội thảo Nâng cao hơn nữa quyền lợi bệnh nhân trong chẩn đoán, điều trị, ông Hoàng Trung Tuấn- Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ bao phủ BHYT tại Việt Nam đạt 94,2% dân số. Đây là con số đáng ghi nhận cho thấy nỗ lực bền bỉ của hệ thống chính sách và các địa phương trong việc mở rộng mạng lưới an sinh. Mức hưởng BHYT của người đóng (từ 80% đến 100% tùy nhóm đối tượng) như: Tuyến điều trị (đúng tuyến hay trái tuyến); dịch vụ kỹ thuật sử dụng (mức chi phí, danh mục được ban hành); phạm vi quyền lợi không ngừng được mở rộng theo hướng bao phủ các loại thuốc, thiết bị, dịch vụ kỹ thuật và hình thức điều trị hiện đại, đồng thời ưu tiên người nghèo, người dân tộc, và các đối tượng dễ tổn thương khác.

Đặc biệt, quyền lợi của người có thẻ BHYT áp dụng với danh mục thuốc tân dược cho hơn 1.030 hoạt chất/thuốc và 59 loại thuốc phóng xạ; quỹ BHYT thanh toán từ 30% đến 100%, tùy điều kiện chuyên khoa và bệnh lý; áp dụng với danh mục thuốc y học cổ truyền cho gần 1.000 công thức thuốc cổ truyền và 349 dược liệu được chi trả. Đáng chú ý, quỹ BHYT chi trả 337 nhóm thiết bị y tế từ vật tư tiêu hao thông thường đến thiết bị can thiệp cao cấp như: Mạch máu nhân tạo, stent, máy tạo nhịp tim, khớp nhân tạo, dao siêu âm, Ligasure... BHYT thanh toàn gần như toàn bộ các dịch vụ kỹ thuật y tế như: PET-CT, DSA, phẫu thuật có robot, xạ phẫu Gamma Knife, xét nghiệm gene ung thư…., đặc biệt, dịch vụ kỹ thuật cao trong chẩn đoán ung thư, can thiệp tim mạch, xương khớp, di truyền phân tử cũng đã được mở rộng chi trả. “Đặc biệt, các hình thức KCB mới như: từ xa, tại nhà, y học gia đình, hỗ trợ chi phí vận chuyển từ tất cả tuyến; điều trị tật khúc xạ cho trẻ em; điều trị các bệnh hiểm nghèo hiếm gặp như: U ác tụy, u trung thất, bệnh lý võng mạc trẻ sinh non, bệnh Wilson, suy tim bẩm sinh... đã được quỹ BHYT thanh toán”, ông Tuấn khẳng định.

Tuy nhiên theo đánh giá của ông Dương Huy Lương- Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), quỹ BHYT vẫn còn hạn hẹp so với nhu cầu của người bệnh. Do đó, việc cân bằng giữa bảo đảm quyền lợi của người bệnh và duy trì chất lượng chuyên môn điều trị vẫn là thách thức lớn. Vì vậy, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1227/QĐ-BYT ngày 11/4/2025 về danh mục dùng chung cho các dịch vụ cận lâm sàng, sẽ giúp tiết kiệm chi phí và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Đặc biệt, bên cạnh việc hạn chế chỉ định không cần thiết, Bộ Y tế cũng đang xây dựng chính sách nhằm hài hòa giữa bảo đảm quyền lợi của người bệnh và duy trì chất lượng chuyên môn điều trị. Bộ Y tế sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách khác như: Liên thông dữ liệu lâm sàng, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng nâng cao, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và bảo vệ quyền lợi của người bệnh.

Theo đánh giá của bà Trần Khánh Thu- Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, thời gian qua, chính sách BHYT được triển khai mạnh và đạt được hơn 94% dân số tham gia. Như vậy, đối tượng miễn/giảm viện phí đã mở rộng hơn, song để thực hiện được chính sách miễn viện phí cho người dân thì bên cạnh việc chuẩn bị nguồn tài chính; kết hợp xã hội hóa, viện trợ quốc tế, trước mắt nên tập trung thực hiện đẩy nhanh lộ trình bao phủ BHYT toàn dân. Tiến tới đảm bảo đầy đủ quyền lợi BHYT, tiếp tục mở rộng diện miễn, giảm phí KCB BHYT cho nhóm yếu thế (người nghèo, vùng khó khăn, trẻ em, người già, bệnh hiểm nghèo). Mặt khác, cần cải thiện hơn nữa dịch vụ y tế, tạo điều kiện bình đẳng để mọi người dân đều có thể tiếp cận các kỹ thuật điều trị cần thiết. Nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, kiểm soát chặt chi phí y tế, quản lý giá dịch. Khi BHYT toàn dân thực chất, hạn chế chi trả sẽ từng bước miễn phí KCB cơ bản cho toàn dân. Mặt khác, cũng cần quan tâm cải cách hệ thống tài chính y tế; phát triển y tế số, hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý dịch vụ y tế minh bạch nhằm giúp kiểm soát lạm dụng, tăng hiệu quả chi từ quỹ BHYT.

V.Thu