Nhật Bản: Khách du lịch thúc đẩy doanh số bán hàng tại chuỗi cửa hàng giảm giá Donki
Bất chấp tình hình lạm phát trong nước, hoạt động kinh doanh đang “bùng nổ” tại chuỗi cửa hàng giảm giá Don Quijote (Donki) của Nhật Bản- nơi bán mọi thứ từ sáp tẩy lông mũi đến thiết bị nhỏ gọn, trang phục dự tiệc đầy màu sắc, nhờ vào sự ưa chuộng của khách du lịch.
Tại một cửa hàng Don Quijote lớn ở khu Shibuya nhộn nhịp của Tokyo, hàng trăm khách du lịch vội vã chất đầy giỏ đồ ăn nhẹ, đồ lưu niệm và xếp hàng dài chờ thanh toán trong những lối đi hẹp của cửa hàng. Anh Garett Bryan, 27 tuổi, người Mỹ, cho biết: "Lúc đầu tôi khá choáng ngợp vì có quá nhiều lựa chọn, hơn nữa hàng hóa lại được mô tả bằng một ngôn ngữ khác. Sau đó, tôi cảm thấy vui vì mình đã mua rất nhiều thứ nhưng chỉ tốn 70 USD, một tách sứ café cho mẹ tôi, một chiếc quạt, mấy đôi đũa Godzilla, một vài món đồ chơi…”.
Chuỗi cửa hàng giảm giá Don Quijote (gọi tắt là Donki) được thành lập vào những năm 1980 bởi Takao Yasuda. Khi ấy, ông Takao Yasuda đặt tên chuỗi cửa hàng theo ý tưởng kinh doanh của mình là Don Quixote- nhân vật chính của tiểu thuyết Tây Ban Nha kinh điển. Dụng ý của ông là muốn khuấy động ngành bán lẻ “nghiêm túc, cứng nhắc” của Nhật Bản bằng các “chiến thuật” mới, bao gồm giờ mở cửa muộn vào ban đêm, cũng như giá cả và dòng sản phẩm đa dạng hơn.
Đầu năm 2025 đến nay, lượng du khách kỷ lục đang đổ xô đến Nhật Bản nhờ đồng yên mất giá, đang thúc đẩy doanh số bán hàng trên toàn quốc của Donki. Motoki Hara, quản lý cấp cao của Donki, cho biết doanh thu tại Donki ở Nhật Bản "cao hơn khoảng 1,7 lần so với trước Đại dịch Covid-19". “Năm ngoái, Công ty mẹ Pan Pacific International Holdings (PPIH) chứng kiến doanh thu tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước đối với các chuỗi cửa hàng giảm giá bao gồm Donki, trong khi doanh số bán hàng miễn thuế vượt dự báo nội bộ. Mua sắm tại Donki giống như “cuộc săn tìm kho báu”— một trải nghiệm thú vị mà du khách nước ngoài rất yêu thích. Khách hàng cuối cùng lại mua nhiều hàng hóa khác với món đồ họ chủ định đến để mua”- Ông Motoki Hara vui vẻ chia sẻ với PV, bên cạnh quầy bán Chocolate thanh hiệu KitKat- Hương hoa anh đào, một sản phẩm độc quyền của Donki được khách hàng ưa chuộng.
Donki và các thương hiệu “chị em” có 501 cửa hàng tại Nhật Bản; trong đó, có 24 cửa hàng mới được mở trong năm tài chính vừa qua. Tập đoàn PPIH cũng điều hành 110 cửa hàng ở nước ngoài, tại Hoa Kỳ và khắp Châu Á từ Đài Loan đến Thái Lan. Nhà phân tích Paul Kraft- người sáng lập Công ty Tư vấn JapanIQ (có Trụ sở tại Tokyo, California) nhận xét: “Việc mở rộng chi nhánh của Donki trong thời gian này có thể trở nên phức tạp hơn do mức thuế quan của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp đối với Nhật Bản (24%). Mặc dù vậy, tôi nghĩ Donki sẽ không dừng bước quá lâu, ngay cả trong bối cảnh thuế quan cao. Không nơi nào thích nghi và “điều chỉnh” nhanh như Donki trong thị trường bán lẻ ở Nhật Bản— thậm chí, còn nhanh hơn các cửa hàng tiện lợi, vì họ trao quá nhiều quyền tự chủ cho các cửa hàng của mình. Khách hàng của họ có một bộ phận lớn là người mua thông minh và quyết liệt nhất mà tôi từng thấy".
“Điểm trừ của Donki, theo tôi là thường nằm trong những trung tâm thương mại lâu năm với không gian hạn chế, do số lượng sản phẩm quá nhiều”- Ông Paul Kraft phân tích thêm – “Các sản phẩm dường như được treo ở khắp mọi nơi. Linh vật chim cánh cụt Donpen đội mũ ông già Noel xuất hiện liên tục và câu hát “Don Don Donki” lặp đi lặp lại càng làm tăng thêm trải nghiệm của khách hàng giống như họ đang đi trong “rừng rậm nhiệt đới. Tuy nhiên, phải ghi nhận là Donki đã phát triển thành một nhà bán lẻ cực kỳ quan trọng tại Nhật Bản, đặc biệt là khi lạm phát gia tăng làm tăng nhu cầu của người dân và khách du lịch đối với các sản phẩm giá cả phải chăng”.
Tỷ lệ lạm phát cơ bản của Nhật Bản tăng tốc lên 3,2% vào tháng 3/2025, khiến đời sống người dân khó khăn hơn. Tiêu dùng hộ gia đình đã giảm 1,1 phần trăm vào năm ngoái. Tất cả điều này khiến khi khách hàng tìm đến Donki ngày càng nhiều để tiết kiệm ngân sách cá nhân, cũng như hộ gia đình. “Ở đây rẻ hơn các cửa hàng khác. Họ cũng có những thương hiệu nổi tiếng. Tôi đến đây mua sắm khoảng 2 lần/tuần”- Khách hàng họ Kuroki, một cư dân Tokyo, cho biết. Cô Shoji Raku, 20 tuổi, nói rằng cô mua sắm tại Donki các mặt hàng nhu yếu phẩm như "dầu gội đầu, đồ điện tử và mọi thứ mà không tìm thấy ở nơi nào khác".
Tùng Anh (Theo AsiaOne)