Print

Chuyển đổi số từ cơ sở, làm mới cách phục vụ người dân

Thứ Bảy, 28 /06/2025 14:55

Ngay sau hợp nhất, BHXH khu vực XXI tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy con người làm trọng tâm. Bởi lẽ, không có hạ tầng số thì không thể có tổ chức tinh gọn hiệu quả; không có con người “số” thì không thể phục vụ công dân “số”.

Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng phục vụ

Ngay trong tháng 6/2025, BHXH khu vực XXI đã triển khai Kế hoạch tập huấn CNTT và CĐS cho đội ngũ viên chức thuộc BHXH các huyện trên địa bàn Kon Tum, như một động thái cấp thiết để “nâng chuẩn công nghệ” từ nền tảng.

Ông Bùi Quang Danh- Phó Giám đốc BHXH khu vực XXI, nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hợp nhất và tinh giản biên chế, mỗi viên chức phải là một “mắt xích thông minh”. Việc đào tạo không phải để trở thành kỹ sư công nghệ, mà đào tạo để mỗi người đủ năng lực xử lý “tình huống số” trong công việc hằng ngày, từ khắc phục lỗi phần mềm đến đảm bảo an toàn thông tin. CĐS bắt đầu từ ngay trong mỗi viên chức.”

Trong hai ngày 24- 25/6 mới đây, BHXH khu vực XXI tập huấn về CNTT, CĐS cho viên chức phụ trách lĩnh vực CNTT của BHXH các huyện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, không khí học tập không chỉ là lý thuyết đơn thuần. Từng nội dung đào tạo được thiết kế theo mô hình “thực chiến”: từ cài đặt hệ điều hành có bản quyền, xử lý lỗi mất domain, cài đặt và cách sửa lỗi khi cài đặt chữ ký số, đến thiết lập thiết bị mạng nội bộ. Tất cả đều được hướng dẫn cụ thể, có thực hành trực tiếp và tình huống mô phỏng tại chỗ.

Các viên chức dù không chuyên về CNTT, qua tập huấn cũng phải nắm được cách: Kiểm tra tình trạng và thực hiện khôi phục kết nối mạng LAN, nhận diện IP máy chủ, xử lý sự cố phần mềm BHXH; cài đặt các ứng dụng về an toàn thông tin bắt buộc như Google Authenticator, Pulse Secure, Kaspersky, Global…; thực hiện cập nhật bản vá bảo mật định kỳ theo hướng dẫn từ Trung tâm CNTT Ngành; sử dụng, chia sẻ máy in, máy scan trong mạng nội bộ và khai thác hiệu quả các phần mềm nghiệp vụ; cách khắc phục một số lỗi thường gặp của các ứng dụng ngành BHXH…

Tăng cường chuyển đổi số từ cơ sở

BHXH khu vực XXI chú trọng năng lực công nghệ ở cơ sở. Mỗi BHXH huyện phải cử ít nhất một viên chức kiêm nhiệm CNTT (riêng BHXH huyện Đăk Hà, quản lý cả địa bàn thành phố Kon Tum nên phải cử 2 viên chức), chịu trách nhiệm là đầu mối xử lý kỹ thuật tại đơn vị mình đang công tác. Đồng thời, các viên chức này có nghĩa vụ truyền đạt kiến thức tập huấn về lại toàn thể cơ quan để đảm bảo mọi người đều được tiếp cận và vận dụng hiệu quả.

Ông Hà Tuyên - Trưởng phòng Phòng CNTT và CĐS, chia sẻ: “Tiến tới đây sẽ không còn kiểu chờ đợi từ cấp trên “xuống xử lý”. Chúng tôi phấn đấu hướng tới mục tiêu mỗi đơn vị cơ sở phải đủ khả năng phản ứng nhanh với các sự cố CNTT thông thường. Bởi sự gián đoạn kỹ thuật có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, điều mà chúng tôi quyết tâm giảm thiểu tối đa để tiến tới khắc phục hoàn toàn tình trạng này trong một hệ thống an sinh chuyên nghiệp.”

Đại diện BHXH khu vực XXI nhận định, việc xây dựng môi trường số liên thông, xuyên suốt để phục vụ mọi mặt hoạt động là vấn đề hết sức quan trọng. Bài toán CĐS không chỉ dừng lại ở việc xử lý sự cố hay cài đặt phần mềm, BHXH khu vực XXI tiếp tục xây dựng môi trường số liên thông, xuyên suốt: từ quản lý văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số, liên thông dữ liệu nội bộ đến sổ BHXH điện tử, Cổng dịch vụ công, định danh điện tử và bảo mật đa lớp.

Việc số hóa đồng bộ không chỉ giảm áp lực hành chính, tiết kiệm chi phí, mà còn giúp tăng tốc độ phục vụ người dân, tăng tính minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và cải thiện mạnh mẽ trải nghiệm của người tham gia.

Từ các huyện vùng sâu Tu Mơ Rông, Ia H’Drai - nơi đường truyền Internet nhiều năm trước từng chập chờn, đến Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi - nơi hàng chục ngàn công nhân cần xử lý hồ sơ BHXH nhanh gọn, việc BHXH khu vực XXI chủ động “lên mạng, xuống cơ sở” là minh chứng cho một cách tiếp cận lấy người dân, người lao động làm trung tâm phục vụ.

CĐS là con đường dài, nhưng BHXH khu vực XXI đã và tiếp tục đang đi từng bước chắc chắn. Mỗi kế hoạch, mỗi buổi tập huấn, mỗi câu hỏi trong phần thực hành không chỉ là thao tác kỹ thuật, mà là cách tiếp cận để kiến tạo một bộ máy phục vụ hiện đại, nhân văn và chủ động. Ở đó, công nghệ là công cụ có “tư duy phục vụ, có năng lực số, có tinh thần cải cách” và như lời ông Bùi Quang Danh chia sẻ tại bế mạc lớp tập huấn: “Nếu nền móng là công nghệ, thì cốt lõi là con người. Chỉ khi mỗi viên chức BHXH làm chủ được công nghệ thì chúng ta mới có thể làm chủ được tương lai an sinh số.”

Giang Đông Hải