Hướng dẫn về bảo hiểm xã hội tự nguyện áp dụng từ ngày 1/7/2025
Mức đóng, phương thức đóng, thời hạn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cũng như điều kiện để người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu… là những nội dung đáng chú ý trong Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện.
Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 11/2025/TT-BNV quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện. Thông tư này quy định chi tiết khoản 8 Điều 33, khoản 4 Điều 101 của Luật BHXH và khoản 4 Điều 13 của Nghị định số 159/2025/NĐ-CP ngày 25/6/2025 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện (dưới đây gọi tắt là Nghị định số 159/2025).
Đối với lao động tham gia BHXH bắt buộc còn thiếu trên 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu
Thông tư số 11/2025 quy định rõ về mức đóng, phương thức đóng và thời hạn đóng BHXH tự nguyện của của NLĐ chấm dứt đóng BHXH bắt buộc có thời gian đóng BHXH còn thiếu trên 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Theo đó, NLĐ chấm dứt đóng BHXH bắt buộc mà thời gian đóng BHXH còn thiếu trên 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì có quyền đóng tiếp BHXH tự nguyện.
Theo đó, mức đóng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật BHXH, tức là người tham gia BHXH tự nguyện hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất; phương thức đóng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật BHXH, Điều 6 và Điều 7 của Nghị định số 159/2025.
Cụ thể, người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây: Hằng tháng, 3 tháng/6 tháng/12 tháng một lần; hoặc một lần cho nhiều năm về sau; hoặc một lần cho thời gian đóng BHXH còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu với công thức quy định riêng cho từng trường hợp.
Thời hạn đóng được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật BHXH. Cụ thể là: Trong tháng đối với phương thức đóng hằng tháng; trong 3 tháng đối với phương thức đóng 3 tháng một lần; trong 4 tháng đầu đối với phương thức đóng 6 tháng một lần; trong 7 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần; tại thời điểm đăng ký phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng một lần cho nhiều năm về sau; tại thời điểm đăng ký phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng một lần cho thời gian đóng BHXH còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng sớm nhất là tháng trước liền kề tháng NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Điều kiện hưởng lương hưu với người tham gia BHXH tự nguyện
Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp: Đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 của Luật BHXH (đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên); đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 9 Điều 141 của Luật BHXH (người tham gia BHXH tự nguyện trước ngày 1/1/2021 và đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ, trừ trường hợp NLĐ có nguyện vọng hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 của Luật BHXH năm 2024).
Thời điểm hưởng lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu. Trường hợp người tham gia BHXH tiếp tục đóng BHXH tự nguyện sau khi đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định, thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng dừng đóng và có yêu cầu hưởng lương hưu.
Với trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đang trong thời gian thực hiện một trong các phương thức đóng 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần hoặc một lần cho nhiều năm về sau theo quy định Luật BHXH năm 2024 mà đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định và có yêu cầu hưởng lương hưu, thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ điều kiện và có yêu cầu hưởng lương hưu.
Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên, đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động trước ngày Luật BHXH năm2024 có hiệu lực thi hành và không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện kể từ ngày 1/7/2025 thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày Luật BHXH có hiệu lực thi hành.
Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện trước ngày 1/1/2021 có từ đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên, đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ trước ngày Luật BHXH có hiệu lực thi hành và không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện kể từ ngày 1/7/2025 thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày Luật BHXH có hiệu lực thi hành.
Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đóng một lần cho thời gian đóng BHXH còn thiếu theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 36 của Luật BHXH và Điều 7 của Nghị định số 159/2025 thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho thời gian đóng BHXH còn thiếu.
Trường hợp không xác định được ngày sinh, tháng sinh (chỉ có năm sinh) của người tham gia BHXH tự nguyện thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này. Trong đó, tháng đủ tuổi nghỉ hưu được xác định trên cơ sở lấy ngày 1/1 của năm sinh để làm căn cứ xác định tuổi của người tham gia BHXH tự nguyện.
Nguyệt Hà