Đưa chính sách BHYT đến với nhân dân bằng sự thấu hiểu, sẻ chia và đồng hành
Chính sách BHYT đang được lan tỏa rộng rãi trên địa bàn tỉnh An Giang mới, bằng nhiều cách thức, nhiều nỗ lực từ cơ quan thực hiện. Đặc biệt, từ ngày 1/7/2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT năm 2024) chính thức có hiệu lực với nhiều quy định mới, tạo điều kiện để nhiều người dân được tiếp cận chính sách này.
Phóng viên Tạp chí Kinh tế - Tài chính đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc BHXH khu vực XXXIV (Kiên Giang - An Giang) Huỳnh Tấn Phố xung quanh nội dung này.
Phó Giám đốc BHXH khu vực XXXIV Huỳnh Tấn Phố
* Phóng viên: Vừa qua, BHXH khu vực XXXIV đã chọn chủ đề: “BHYT toàn dân - Từ chính sách đến trái tim” làm thông điệp chính để gửi đến người tham gia BHYT nhân đợt ra quân kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 1/7. Ông có thể chia sẻ, vì lý do gì, BHXH khu vực XXXIV lại chọn thông điệp này?
- Ông Huỳnh Tấn Phố:
Với thông điệp này, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, BHYT không chỉ là một chính sách, mà là một cơ chế bảo vệ thiết thực cho từng người tham gia khi không may ốm đau, tại nạn hay các vấn đề sức khỏe khác. Chủ đề: “BHYT toàn dân - Từ chính sách đến trái tim” thể hiện mong muốn của cơ quan BHXH trong việc đưa chính sách đến gần hơn với nhân dân bằng chính sự thấu hiểu, sẻ chia và đồng hành.
Bên cạnh đó, năm nay, Luật BHYT năm 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Đây là thời điểm rất ý nghĩa để chúng tôi truyền tải những thay đổi tích cực đến người dân. Từ việc mở rộng người tham gia, linh hoạt phương thức đóng, ứng dụng trên nền tảng số như VssID, VNeID cho phép người dân sử dụng thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh… Mục tiêu của chúng tôi là giúp người mọi người hiểu, tin và tham gia BHYT một cách chủ động.
Vượt khó đưa chính sách BHYT đến với mọi người dân An Giang
* Điểm nổi bật trong những hoạt động mà BHXH khu vực XXXIV đã triển khai gần đây chính là việc tổ chức “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động người dân tham gia BHYT. Đây là cách làm khá vất vả, đầy thách thức, nhưng tại sao BHXH khu vực XXXIV lại chọn, thưa ông?
- Để công tác truyền thông, phổ biến chính sách BHYT được tối ưu nhất, BHXH khu vực đã thành lập các tổ tuyên truyền để trực tiếp đi đến khu chợ, làng nghề, khu dân cư để tuyên truyền, giải đáp và tư vấn chính sách. Bởi, chứng tôi cho rằng, chính sách dù hay, tốt đến đâu mà người dân không biết, không hiểu thì cũng không thể phát huy giá trị.
Chính vì vậy, trong đợt ra quân vừa qua, chúng tôi phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu thành lập 320 tổ, mỗi tổ có từ 2 đến 3 tuyên truyền viên bao gồm viên chức ngành BHXH và nhân viên, cộng tác viên thu của tổ chức dịch vụ thu. Bình quân mỗi xã bố trí từ 2 đến 3 tổ tuyên truyền viên đến trực tiếp các chợ- là nơi tập trung đông đúc tiểu thương và người dân để vận động.
Chúng tôi cũng bố trí đến từng tổ dân phố mong muốn tiếp cận cả những người trước đây đã từng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT nhưng bỏ dỡ, những người còn đang băn khoăn do chưa rõ quyền lợi, đắn đo chưa tham gia… để tuyên truyền, tư vấn, giải đáp. Qua đó, nhằm lan tỏa thông điệp của chính sách BHXH, BHYT đến từng ngõ, từng nhà. Chính sự gặp gỡ trực tiếp, tư vấn tận tình là chìa khóa để kết nối chính sách với cuộc sống.
* Không chỉ tuyên truyền trực tiếp, năm nay BHXH khu vực XXXIV (Kiên Giang - An Giang) còn tổ chức thi trực tuyến và livestream. Đây có phải là nỗ lực đổi mới phương pháp truyền thông?
- Chúng tôi muốn đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT rộng rãi người dân bằng cách kết hợp giữa truyền thông truyền thống và hiện đại. Trong khi các Tổ tuyên truyền đi thực tế đến địa bàn dân cư, thì song song đó trên các nền tảng mạng xã hội, chúng tôi tổ chức thi trực tuyến “Tìm hiểu những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT” và tổ chức livestream giải đáp chính sách BHYT trong tháng 7.
Mạng xã hội hiện nay là kênh tiếp cận quan trọng, nhất là với người trẻ, người lao động… Vì vậy, chúng tôi coi đây là một phần của phong trào “Bình dân học vụ số”- tức là mọi người đều có thể học, hiểu và tiếp cận chính sách một cách bình đẳng, thuận tiện.
Tập thể viên chức và các đơn vị phối hợp bày tỏ quyết tâm trong đợt vận động người dân tham gia BHYT (1/7/2025)
* Từ ngày 1/7/2025, Luật BHYT năm 2024 chính thức có hiệu lực. Theo ông, người dân An Giang cần chú ý những nội dung nào?
- Luật BHYT năm 2024 có nhiều nội dung mới, quan trọng. Theo tôi, có một số vấn đề mới đáng chú ý. Thứ nhất, điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT: Người sinh sống, làm việc trong các tổ chức từ thiện và cơ sở tôn giáo; người lao động nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động; người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam. Những người này sẽ được bổ sung vào nhóm đối tượng tham gia BHYT, tạo điều kiện cho họ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Thứ hai, điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT: Mở rộng chi trả cho các dịch vụ chẩn đoán và điều trị sớm (các bệnh lý như các bệnh ung thư, tăng huyết áp, viêm gan B và C… sẽ được bổ sung vào danh sách các bệnh được quỹ BHYT chi trả, đảm bảo người tham gia BHYT được tiếp cận với các liệu pháp điều trị tiên tiến, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng.
Thứ ba, cải cách quy định về chuyển tuyến và thông tuyến: Đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến linh hoạt (người tham gia BHYT lựa chọn cơ sở y tế ban đầu phù hợp hơn với nơi sinh sống, làm việc, thay vì bị ràng buộc bởi địa giới hành chính). Thay đổi này nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến dưới, đồng thời giúp người bệnh được tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp với nhu cầu chuyên môn.
Thứ tư, tăng cường quản lý và sử dụng quỹ BHYT hiệu quả: Siết chặt kiểm soát chi phí khám chữa bệnh (qua các biện pháp giám định, thanh tra để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT). Tối ưu hóa cơ chế tự chủ tài chính sẽ giúp cân đối nguồn thu - chi của quỹ BHYT, bảo đảm nguồn lực để chi trả cho các nhu cầu y tế thiết yếu của người tham gia.
Thứ năm, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh chuyển đổi số: Lần này, Luật BHYT năm 2024 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường quản lý BHYT (số hóa quy trình đăng ký và thanh toán BHYT, ứng dụng khám chữa bệnh). Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ BHYT, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát của cơ quan BHXH.
Thứ sáu, bảo đảm quyền lợi cho các nhóm đối tượng đặc thù: Người nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi sẽ tiếp tục được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Mở rộng phạm vi chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho các đối tượng yếu thế, góp phần xây dựng một hệ thống y tế toàn diện, bền vững.
Với rất nhiều giải pháp, nỗ lực đã triển khai từ cán bộ, viên chức BHXH khu vực XXXIV, bên cạnh đó là những thay đổi từ quy định pháp luật, chúng tôi luôn mong muốn rằng sẽ truyền tải đến đông đảo người dân thông điệp: “Tham gia BHYT là hành động nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn. Đó không chỉ là quyền lợi cá nhân, mà còn là trách nhiệm cộng đồng”. Và, hãy luôn nhớ “BHYT là lá chắn vững chắc cho bản thân và gia đình bạn, thẻ BHYT tuy nhỏ nhưng có thể gánh đỡ hàng trăm triệu đồng viện phí”.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Phạm Thọ (Thực hiện)