Print

Gần 40 quốc gia trên thế giới ghi nhận nhiệt độ cao bất thường trong lịch sử

Chủ nhật, 13 /07/2025 15:02

Tháng 6 vừa qua, 12 quốc gia ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong lịch sử. Và 26 quốc gia khác, cũng trải qua nhiệt độ cao bất thường.

Theo phân tích về dữ liệu vệ tinh được Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của châu Âu giám sát, khoảng 790 triệu người ở châu Âu, châu Á và châu Phi đã trải qua tháng 6/2025 nóng nhất trong lịch sử, bao gồm Nigeria, Tây Ban Nha, Pakistan và Nhật Bản.

Với người dân ở 26 quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, Vương quốc Anh, Pháp, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia… tháng 6 vừa qua là tháng nóng thứ hai lịch sử được ghi nhận.

Một công nhân mặc áo khoác có máy lạnh và quạt làm mát đang làm việc tại một công trường xây dựng ở Tokyo (Nhật Bản)

Các chuyên gia chỉ ra, những đợt nắng nóng mùa hè này diễn ra thường xuyên và dữ dội hơn do tình trạng nóng lên toàn cầu.

Ở Đông Á, 102 trạm thời tiết của Trung Quốc đã ghi nhận tháng 6 nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ vượt quá 40 độ C ở một số khu vực. Nhật Bản cũng trải qua tháng 6 nóng nhất kể từ khi bắt đầu ghi chép vào năm 1898, với nhiệt độ nước ở vùng nước ven biển cao hơn bình thường 1,2 độ C. Hàn Quốc và Triều Tiên cũng trải qua tháng 6 nóng nhất, với nhiệt độ cao hơn 2 độ C so với nhiệt độ trung bình trong lịch sử.

Các quốc gia Trung Á bao gồm Pakistan, Tajikistan, Iran, Afghanistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan đã trải qua mùa xuân nóng nhất được ghi nhận (từ tháng 4 đến tháng 6); trong đó, Pakistan và Tajikistan ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục vào tháng 6.

Tây và Nam Âu trải qua một đợt nắng nóng mùa hè vào cuối tháng 6. Người dân ở Paris, Pháp, Bỉ và một số vùng của Hà Lan không quen với thời tiết nóng như vậy. 15 quốc gia, bao gồm Thụy Sĩ, Ý và tất cả các quốc gia Balkan, có nhiệt độ cao hơn 3 độ C so với mức trung bình của tháng 6 từ năm 1981 đến năm 2010. Tây Ban Nha, Bosnia và Montenegro cũng có tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay.

Tại châu Phi, nhiệt độ ở Nigeria - một quốc gia Tây Phi - tăng vọt vào tháng 6 lên mức kỷ lục của tháng cùng kỳ năm ngoái; Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, Cameroon, Cộng hòa Congo và Ethiopia đã trải qua tháng nóng thứ 2 được ghi nhận.

Trước đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo, khí hậu khắc nghiệt đang tác động đến mọi khía cạnh phát triển kinh tế - xã hội của thế giới; đặc biệt là châu Phi, làm trầm trọng thêm nạn đói, mất an ninh và tình trạng di dời dân ở châu lục này. Dự báo nửa cuối năm 2025, nhiệt độ toàn cầu có thể tiếp tục xu hướng nóng lên, khả năng nằm trong nhóm những năm nóng nhất từng được ghi nhận. Cụ thể, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể cao hơn so với mức tiền công nghiệp (trước thế kỷ 20) từ 1,29 đến 1,53 độ C.

Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), từ năm 1970 đến 2021, các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra gần 12.000 thảm họa, khiến 2 triệu người thiệt mạng và thiệt hại kinh tế lên đến 4,3 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn còn gần một nửa số quốc gia trên thế giới chưa có hệ thống cảnh báo sớm đầy đủ, khiến hàng triệu người phải đối mặt với rủi ro thiên tai mà không có thông tin kịp thời để ứng phó.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)