Print

BHXH không chỉ là… tên gọi

Thứ Năm, 17 /07/2025 16:05

Không còn là con số khô khan, giờ đây mỗi tên gọi BHXH cơ sở của TP. HCM gắn với một địa danh lịch sử. Câu chuyện tưởng không có gì đáng bàn nhưng đang là chủ đề hết sức thú vị đối với người dân nơi đây; bởi đơn giản, mỗi địa danh BHXH cơ sở ở TP.HCM nhắc đến là một phần ký ức của họ.

Thực hiện đúng theo tinh thần của Đảng và Nhà nước

Trong buổi tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có lời khen về cách đặt tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp của TP.HCM khi đã giữ lại các địa danh cũ từng ăn sâu trong tiềm thức của người dân. Bởi theo Tổng Bí thư, khi nhắc đến Gia Định, Chợ Lớn, An Đông, Hóc Môn, Bà Điểm... người ta hình dung ra ngay, nhận diện ra ngay vùng đất đó.

Tại Quyết định 759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/4/2025 cũng nêu rõ, việc đặt tên cho các đơn vị hành chính sau sắp xếp phải tuân theo 5 nguyên tắc.

Trong đó, theo “nguyên tắc xác định tên gọi” thì việc đặt tên cho đơn vị hành chính sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa” là nguyên tắc đầu tiên nhất (nguyên tắc số 1). Còn việc nghiên cứu đặt tên đơn vị của xã, phường theo số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin là nguyên tắc cuối cùng (nguyên tắc số 5).

Bên cạnh đó còn có một số nguyên tắc khác như tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân địa phương; góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và tinh thần đoàn kết của nhân dân đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp...

Thực hiện chủ trương trên, ngày 10/7, BHXH Việt Nam đã khẩn trương ban hành Công văn số 1521/BHXH-TCCB, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam ở Trung ương; Giám đốc BHXH Khu vực triển khai các công việc: Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền sắp xếp, tổ chức lại BHXH cơ sở (từ nay đến trước ngày 30/9/2025).

Theo đó, thực hiện thay đổi tên gọi BHXH quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là BHXH cấp huyện), BHXH liên huyện hiện có thành BHXH cơ sở để dễ nhận diện, đảm bảo tính hệ thống và thuận lợi cho việc cập nhật dữ liệu thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.

BHXH Việt Nam giao BHXH cấp tỉnh đề xuất phương án sắp xếp BHXH cơ sở tại BHXH cấp tỉnh: Theo đó, trên cơ sở số lượng BHXH cấp huyện, BHXH liên huyện, BHXH cấp tỉnh xây dựng phương án sắp xếp BHXH Cơ sở trực thuộc BHXH cấp tỉnh đảm bảo cơ cấu, phạm vi quản lý hài hòa theo đặc điểm vùng miền và các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, quy mô quản lý người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, quy mô thu, chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; đồng thời, đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí về cơ sở vật chất.

Ngay sau khi có chỉ đạo, BHXH Khu vực XXVII (TP. HCM) đổi tên thành BHXH TP. HCM; đồng thời, sắp xếp lại tên gọi của 36 đơn vị BHXH cơ sở gắn với những tên gọi mang giá trị lịch sử, những địa danh nổi tiếng từ 3 tỉnh, thành cũ:

BHXH quận 1 được đổi tên thành BHXH Cơ sở Tân Định (35 Lý Văn Phức, Phường Tân Định, TP. HCM); BHXH quận 3 thành BHXH Cơ sở Nhiêu Lộc (386/79 đường Lê Văn Sỹ, phường Nhiêu Lộc, TP. HCM); BHXH quận 4 thành BHXH Cơ sở Xóm Chiếu (87 - 89 đường Nguyễn Trường Tộ, phường Xóm Chiếu, TP. HCM); BHXH quận 5 thành BHXH Cơ sở (Chợ Lớn 23-25A đường Ngô Quyền, phường Chợ Lớn, TP. HCM); BHXH quận 6 thành BHXH Cơ sở Bình Tiên (152 đường Phạm Văn Chỉ, phường Bình Tiên, TP. HCM); BHXH TP. Thủ Đức thành BHXH Cơ sở Cát Lái (400 Đồng Văn Cống, phường Cát Lái, TP. HCM); BHXH huyện Củ Chi thành BHXH Cơ sở Tân An Hội (Số 174/1 Tỉnh lộ 8, xã Tân An Hội, TP. HCM)….

Thêm gần dân hơn

Vui vẻ sau khi được CBVC bộ phận “một cửa”, BHXH TP. Thủ Đức, tư vấn chính sách BHXH tự nguyện, bác Lê Văn Tài, 55 tuổi, ngụ tại phường Cát Lái, chia sẻ: "Tôi thấy đổi tên BHXH Cơ sở Cát Lái phù hợp, không có gì gây khó khăn cho người dân. Trái lại, tôi thấy tên gọi này rất quen thuộc”.

Theo bác Tài, tên BHXH TP. Thủ Đức đảm bảo được tính bao quát chung toàn TP. Thủ Đức, song cái khó của những người chưa liên hệ với cơ quan BHXH này là phải tìm kiếm địa chỉ. Còn BHXH Cơ sở Cát Lái thì chưa cần nói đến người dân nơi đây, đối với người dân sống ở TP. Thủ Đức vài năm, cũng biết đi đường nào đến phường Cát Lái, từ đó sẽ hình dung được cơ quan BHXH đặt tại đâu.

“Nói chung, Cát Lái là cái tên quên thuộc gắn bó với người dân huyện Thủ Đức trước đây mà ai cũng biết như ngã 3 Cát Lái, Cảng Cát Lái…Cái tên Cát Lái có từ xa xứ, truyền rằng các lái buôn thường tụ tập mua bán ở khu vực trên, phần đông là các lái buôn bằng ghe bầu chở hàng hóa nông lâm- thổ- hải sản… từ miền Trung vào Gia Định, trong dân gian gọi tắt là dân “cát lái”, gần đây cũng có nhiều tranh luận về cụm từ “cát lái” hay “các lái””- bác Tài chia sẻ.

Tương tự, BHXH quận 5 cũng được đổi thành BHXH Cơ sở Chợ Lớn. Bác Nguyễn Văn Bình, 77 tuổi, một cán bộ hưu trí, ngụ phường Chợ Lớn, cho biết “Nghe tên BHXH Cơ sở Chợ Lớn, tôi thấy gần gũi, thân thuộc. Chắc chắn với tên BHXH Cơ sở Chợ Lớn, sẽ giúp ngươi dân khu vực này có cảm giác thân quen hơn, đồng thời dễ nhận diện hơn trụ sở cơ quan BHXH đặt tại đâu. Bởi địa danh Chợ Lớn ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung".

Theo bác Bình, tên gọi "Chợ Lớn" bắt nguồn từ một khu chợ do cộng đồng người Hoa lập nên vào cuối thế kỷ 18 bên rạch Bãi Sậy, khu vực nay là chợ Bình Tây. Người Hoa gọi nơi đây là "Đại Phố", nghĩa là phố lớn hay chợ lớn. Dần dần, Chợ Lớn trở thành một địa danh chính thức, gắn liền với cộng đồng Hoa kiều và phát triển thành trung tâm buôn bán sầm uất nhất miền Nam.

Hay vùng đất thép Củ Chi, địa danh Tân An Hội cũng được “tái lập” từ BHXH huyện Củ Chi. Bác Lê Văn Thắng, 79 tuổi, ngụ tại xã Tân An Hội, TP. HCM chia sẻ: “Theo tư liệu lịch sử, vào năm 1957, khi quận Củ Chi được thành lập thuộc tỉnh Bình Dương, xã Tân An Hội từng là nơi đặt quận lỵ - tức trung tâm quản lý hành chính của toàn quận. Tuy nhiên, không nhiều người biết; đến nay, tên xã được nhắc lại - đặc biệt, cơ quan BHXH được lấy tên là BHXH Cơ sở Tân An Hội, chắc chắc sẽ giúp người dân tìm hiểu lại địa danh văn hóa lâu đời của huyện Củ Chi trước đây…”.

Theo các chuyên gia nghiên cứ về văn hóa, "cha ông chúng ta đã để lại khối gia sản khổng lồ về tên gọi các vùng đất mà họ đã khai phá và gắn bó nhiều đời. Nó làm nên hồn cốt của một vùng đất, đi vào thơ nhạc, sưởi ấm lòng người ở xứ xa khi nhớ về xứ sở, gắn kết nhiều thế hệ. Chúng ta không nghèo nàn đến mức chỉ đặt tên cơ quan, tổ chức hành chính theo cách chọn giữ lại vài tên rồi thêm số thứ tự 1, 2, 3…vào phía sau. Những con số vô hồn khô khốc đó đọng lại gì trong tâm trí người dân, khi nó không thể gợi lên cảm xúc…".

Lê Văn