Print

Tri ân những Anh hùng

Thứ Ba, 09 /06/2015 10:30

Bộ Tư lệnh TP.HCM vừa tổ chức lễ trao tặng các danh hiệu khen thưởng cấp Nhà nước cho các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh của các anh hùng

Bốn tập thể và hai cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, gồm: Đội biệt động B2-F100; Tiểu đoàn 2 Gò Môn; Đội biệt động 159 thuộc Quân khu Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định; nhân dân và lực lượng vũ trang phường 3, quận 3 (vùng lõm chính trị, căn cứ cách mạng Bàn Cờ); ông Vũ Đình Bạch- nguyên chiến sĩ Đại đội 2, Đoàn 10, Đặc công Rừng Sác và bà Lê Thị Thu Nguyệt- nguyên cán bộ Đội biệt động 159.

Năm cá nhân được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân gồm: Trung tướng Lê Thanh- nguyên Chính ủy Quân khu Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định; Thiếu tướng Trần Hải Phụng- nguyên Tư lệnh Quân khu Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định; ông Trần Văn Lai (tức Mai Hồng Quế, Năm U Som)- nguyên cán bộ Đội biệt động 159; ông Phạm Văn Hoa (tức Sáu Hoa)- cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ cao cấp của Đảng; liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh- nguyên chiến sĩ cơ quan Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo và nhân dân TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có người thân cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh là một trong những tấm gương hy sinh như thế. Huỳnh Lan Khanh là con gái của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Ở tuổi mười tám, đôi mươi, chị làm văn thư cho Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Một lần cùng đồng đội đi tải gạo ở Tây Ninh chị bị sa vào ổ phục kích của địch, bị bắt. Khi bị bị tra tấn nhục hình, chị đã giữ trọn khí tiết, thà chết chứ không chịu khai báo.

Trung tướng Lê Thanh, Thiếu tướng Trần Hải Phụng là những chỉ huy cấp cao, lên kế hoạch các cuộc tấn công của biệt động Sài Gòn vào hàng loạt mục tiêu của địch trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. 

Ông Trần Văn Lai (tức Mai Hồng Quế, Năm U Som) nguyên cán bộ đội Biệt động 159, Quân khu Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định là người đóng vai nhà thầu khoán để nắm tình hình trong nội đô Sài Gòn. Ông Lai là một trong những người dẫn đoàn quân giải phóng tiến công vào nội đô Sài Gòn trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968. ​

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thăm hỏi bà Đoàn Thị Bon (vợ anh hùng Phạm Văn Hoa)

Ông Phạm Văn Hoa (tức Sáu Hoa) là cơ sở nuôi giấu cách mạng trong nội thành Sài Gòn từ đầu thập niên 1950. Năm 1954, ông Sáu Hoa được tổ chức phân công bảo vệ cho một đồng chí cán bộ cấp cao. Người này đóng vai làm anh vợ của ông Hoa. Đó chính là đồng chí Nguyễn Văn Linh- Tổng Bí thư của Đảng sau này. Cũng tại căn nhà ở số 99/9 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh ngày nay, ông Sáu Hoa được tin tưởng giao cho làm cơ sở nuôi giấu, bảo vệ cách mạng với những cán bộ cách mạng cao cấp khác là đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Võ Văn Kiệt.

Bà Đoàn Thị Bon, vợ ông Sáu Hoa và cũng là người đồng đội đồng vai sát cánh của ông từ những ngày đầu tham gia cách mạng; nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ không khỏi xúc động: “Chúng tôi một lòng đi theo cách mạng, trong những năm tháng hoạt động dù bị địch bắt tra tấn nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng hy sinh tính mạng, của cải để bảo vệ cơ sở đến cùng. Chồng tôi trước sau sống rất giản dị, không màng danh lợi, lúc còn sống ông luôn khuyên nhủ các con phải tự lập, tự lực vươn lên chứ không được ỷ lại vào gia đình”.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: "Các danh hiệu được trao tặng là phần thưởng vô cùng thiêng liêng, cao quý mà Đảng và Nhà nước, khẳng định, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp to lớn của các tập thể và cá nhân bằng cả công sức, trí tuệ, xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây không chỉ là niềm vui riêng của cá nhân, gia đình, đơn vị mà còn là niềm vui, niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố”.

Ông Lê Hoàng Quân đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các cấp làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền về truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương; quan tâm chăm lo tốt hơn nữa công tác chính sách hậu phương quân đội, nhất là chăm sóc anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước...  

Sông Trà