Print

Những năm tháng không thể nào quên

Thứ Năm, 13 /02/2020 19:39

Là một phóng viên trẻ, để có được cái nhìn tổng quan về chặng đường 25 năm qua, tôi tìm đến những con người của thế hệ trước, những người đặt viên gạch đầu tiên làm nền móng xây dựng ngành BHXH phát triển vững mạnh như bây giờ. Một trong những người ấy chính là ông Nguyễn Thành Xuyên- nguyên Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

Bắt đầu từ con số “0” tròn trĩnh

2 giờ chiều, trong một quán cà phê nhỏ với những bản nhạc cổ điển mang hồn ký ức, ông Nguyễn Thành Xuyên đã dành cho tôi một cuộc gặp đầy thú vị. Chậm rãi nhấp ly cà phê, ông kể cho tôi nghe về lịch sử của Ngành, cũng như về ý nghĩa ra đời ngành BHXH đối với đời sống người dân.

Ông Nguyễn Thành Xuyên

Với ông, việc đến với ngành BHXH như một duyên nợ, thời gian gắn bó với Ngành cũng không quá dài, song đủ đan trong lòng ông những hoài niệm đẹp về ngành BHXH non trẻ khi xưa. Theo lời ông Xuyên, năm 1995 đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự phát triển chính sách BHXH, với việc Chính phủ ban hành Nghị định 19/CP ngày 16/2/1995 thành lập BHXH Việt Nam, trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống LĐ-TB&XH và Tổng LĐLĐ Việt Nam, để giúp Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý quỹ BHXH và thực hiện thống nhất các chế độ, chính sách BHXH theo pháp luật.

Khi đó đang công tác tại Văn phòng Chính phủ, ông nhận quyết định điều động sang đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Nhận nhiệm vụ mới, ông lập tức cùng anh em “xắn tay” vào việc, tìm hiểu kiến thức chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến BHXH. “Là một ngành mới nên cũng có chút lo lắng về công việc. Tuy nhiên, tôi biết rằng, BHXH Việt Nam ra đời mang ý nghĩa vô cùng to lớn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với đời sống nhân dân. Chính vì vậy, tôi đã quyết bằng mọi giá phải hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó”- ông Xuyên bộc bạch.

Nhắc về những kỷ niệm, ông Xuyên bồi hồi nhớ lại, khi có quyết định thành lập BHXH Việt Nam, trụ sở làm việc chưa có nên phải thuê tạm một số căn phòng tại Nhà khách Chính phủ (số 37 Hùng Vương) làm trụ sở. Trong nửa đầu năm 1995, cơ quan BHXH từ Trung ương đến địa phương chỉ tập trung vào việc nhận bàn giao nhân sự và ổn định tổ chức. “Nhân sự lúc ấy cũng rất mong manh, ban lãnh đạo chỉ có 3 người, còn nhân sự ở Trung ương chỉ vỏn vẹn có gần 60 người, chia ra hoạt động tại các ban nghiệp vụ”- ông Xuyên nhớ lại.

Và nhiệm vụ khó khăn tiếp theo chính là hình thành hệ thống BHXH tại các địa phương. Đến cuối tháng 9/1995, 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 565 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã thành lập cơ quan BHXH. Tuy nhiên, hầu hết BHXH cấp tỉnh và huyện phải đi thuê hoặc mượn tạm trụ sở, các phương tiện thiết yếu phục vụ công tác mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với yêu cầu công việc… Mọi việc phải gấp rút thực hiện xong trước tháng 10/1995, bởi từ 1/10/1995 công tác chi trả chế độ BHXH bắt đầu được thực hiện trên toàn quốc.

“Cứ đúng hẹn là làm, anh em bắt tay triển khai nhiệm vụ trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Đội ngũ cán bộ còn non trẻ và phần lớn chưa được đào tạo cơ bản về công tác tài chính, lao động, tiền lương và nhất là về lĩnh vực BHXH. Nhưng càng khó khăn thì tinh thần quyết tâm của anh em càng lớn, mỗi cán bộ đều tự mày mò, tìm hiểu chính sách qua văn bản và học hỏi đồng nghiệp. Sau này, BHXH tổ chức những khóa tập huấn chính sách, anh em ai cũng phấn khởi học tập”- ông Xuyên nói.

Một số cán bộ đầu tiên của ngành BHXH

Có thể nói, từ con số “0” tròn trĩnh (không trụ sở làm việc, không nhân sự đào tạo bài bản…), đến nay BHXH Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu đáng tự hào, tất cả đều nhờ vào công sức và sự tâm huyết của các anh chị em trong Ngành. Cuốn theo câu chuyện của ông, tôi chợt nhận ra rằng, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn khi mới bắt đầu, nhưng với trách nhiệm của bản thân cũng như toàn bộ CCVC của Ngành lúc bấy giờ, những người mang trên vai trọng trách, sứ mệnh thực hiện chính sách ASXH đất nước đã nỗ lực hết mình để ngành BHXH có thể bước những bước đi vững chắc trong hành trình chăm lo đời sống nhân dân.

Đến sự bứt phá “thần tốc”

Thời gian thấm thoắt trôi, một phần tư thế kỷ qua đi, hệ thống BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và đã đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng. Theo ông Xuyên, BHXH Việt Nam không chỉ triển khai hiệu quả việc phát triển đối tượng tham gia, chăm lo tốt cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ mà còn đề xuất với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi các nội dung để Luật BHXH, Luật BHYT đi vào cuộc sống, thực sự trở thành những chính sách trụ cột của hệ thống ASXH.

Bên cạnh đó, qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, diện bao phủ BHXH đã không ngừng mở rộng. Nếu như năm 1995, cả nước chỉ có 2,2 triệu người tham gia thì đến hết năm 2019 đã có trên 15,76 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; hơn 570.000 người tham gia BHXH tự nguyện; trên 85,4 triệu người tham gia BHYT… Những con số này đã phần nào nói lên thành công của BHXH Việt Nam đối với nhiệm vụ thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại Việt Nam.

Chứng kiến những bước đi của Ngành, ông Xuyên không giấu nổi tự hào khi nói đến những thành tựu mà BHXH Việt Nam đã đạt được trong một phần tư thế kỷ qua. Theo ông, đầu tiên phải kể đến sự thành công trong ứng dụng CNTT. “Bộ TT-TT đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công. Kết quả đó đánh dấu bước tiến đáng kể của ngành BHXH trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta được đánh giá như vậy. Để có được kết quả này, chính là nhờ bước đi đúng hướng của lãnh đạo và sự quyết tâm của CCVC toàn Ngành”- ông Xuyên nhấn mạnh.

Và điều khiến ông tự hào hơn cả, đó chính là ngành BHXH đã tạo được một vị thế vững chắc trong lòng người dân. Còn gì hạnh phúc hơn khi người dân tin tưởng và giao phó cuộc sống của họ cho mình. Khi ốm đau cũng như già cả, họ tìm đến BHXH để sẻ chia gánh nặng cuộc sống và khi ra về họ tặng ta dư âm của sự hạnh phúc. Chúng ta sống cùng một bầu trời, uống chung một dòng nước và chúng ta đùm bọc lẫn nhau, đó mới là đạo lý làm người của người con đất Việt.  “Trên hành trình gieo mầm an sinh, khi đã bước vào vạch xuất phát, ắt phải men theo mục tiêu đã định. Điều chúng ta có thể làm được chính là lưu lại cho thế gian một nụ cười hạnh phúc. Hãy luôn ghi nhớ điều này nhé!...”- ông vỗ vai tôi và nở nụ cười hiền hậu.

“Tất cả những thành tựu có được ngày hôm nay đều nhờ vào sự phấn đấu miệt mài, không ngại gian khổ của anh chị em trong Ngành”- ông Xuyên cười. Với ông, trải qua 13 năm gắn bó với Ngành, ngay cả khi về hưu, nhưng ông vẫn luôn trăn trở làm sao để Ngành ngày càng phát triển mạnh hơn nữa, làm sao để càng nhiều người dân biết đến chính sách, để phục vụ người dân được tốt nhất…

Tạm biệt ông, tôi trở về nhà trên con đường quen thuộc và không thể ngừng suy nghĩ về những bậc “tiền bối” như ông đã từng nỗ lực vượt qua bao gian nan, vất vả để xây dựng ngành BHXH phát triển vững mạnh. Những nỗ lực ấy chính là điểm tựa tinh thần, là nguồn động viên những cán bộ trẻ như chúng tôi tiếp bước trên hành trình tạo dựng nền an sinh vững bền cho đất nước.

Thanh Hằng