Hiểu sinh kế mới làm nên chuyện
Ông Huỳnh Hữu Phúc- Giám đốc BHXH huyện Tân Phước cho rằng, đến hết tháng 12/2020, huyện Tân Phước sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu BHXH tự nguyện và chỉ tiêu bao phủ BHYT được UBND tỉnh và BHXH tỉnh Tiền Giang giao.
Hiểu sinh kế của người dân
Ở Tiền Giang, huyện Tân Phước nổi tiếng là vùng đất khó, bởi nơi đây là “rốn phèn, rốn lũ”, cứ mùa nước nổi nhìn đâu cũng thấy toàn nước là nước. Còn thường nhật, đất nơi này đầy phèn đến nỗi vốc nắm đất trên tay chưa tới mũi đã thoảng mùi lưu huỳnh, a-xít... Cách đây hơn 20 năm, vào Tân Phước nhìn ngút tầm mắt mới thấy căn nhà, vậy mà nay đã tụ hội hơn 63.000 người sinh sống. Sinh kế ở Tân Phước có KCN Long Giang thu hút hàng ngàn lao động; 12 trung tâm xã, thị trấn nhộn nhịp hàng ngàn tiểu thương; còn lại đa phần bà con làm nông nghiệp. Do nền đất phèn nên nông nghiệp ở Tân Phước không mấy đa dạng như những địa phương khác, chỉ chia 6 vùng rõ rệt: Vùng trồng khóm (dứa); vùng trồng lúa; vùng trồng khoai mỡ; vùng trồng rau màu; vùng trồng rừng tràm; vùng chăn nuôi.
Cán bộ BHXH huyện Tân Phước tiếp cận người dân để vận động, tuyên truyền về BHXH tự nguyện
Đặc thù thổ nhưỡng và sinh kế thích nghi, phù hợp đã làm nên một Tân Phước sung túc, nhộn nhịp hơn so với trước đây rất nhiều. Dù vậy, Tân Phước nay vẫn cuối bảng xếp hạng các huyện ở Tiền Giang về mật độ dân số (173 người/km2), với diện tích đứng hàng thứ 2 (333 km2) so với các huyện. “Vậy mới nói, chuyện dệt lưới an sinh ở Tân Phước cũng còn lắm cái khó riêng, mà nếu không rõ đất, không rõ người, không rõ sinh kế từng hộ gia đình, thì giống hệt như mùa nước nổi mà be bờ tát ao, biết chừng nào mới cạn, nhà báo ơi”- ông Huỳnh Hữu Phúc- Giám đốc BHXH huyện Tân Phước chia sẻ.
Tính đến hết tháng 10/2020, số người tham gia BHXH tự nguyện ở Tân Phước là 1.048 người, đạt hơn 97% chỉ tiêu BHXH tỉnh giao. Còn tỷ lệ bao phủ BHYT tại nơi từng được cho là “vùng đất chết” đã đạt 89,42% dân số. Theo ông Phúc, lưới an sinh ngày càng đầy đặn hơn ở Tân Phước là nỗ lực từng ngày của tập thể CCVC BHXH huyện cũng như sự quan tâm, đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. “Hệ thống chính trị ủng hộ là lợi thế rồi, chuyện của BHXH huyện là phải lựa chọn thời điểm triển khai, vận động sao cho phù hợp sinh kế bà con thì mới gặt hái thắng lợi”- ông Phúc nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo BHXH huyện Tân Phước, với bà con làm lúa, vụ Đông Xuân là “xịn sò” nhất với yếu tố trúng mùa, được giá- thu hoạch vào tầm tháng 2 đến tháng 3. Với bà con trồng khoai mỡ, tầm tháng 5 đến tháng 6 vào mùa thu hoạch. Còn bà con trồng khóm thì cứ 3 đến 4 tháng là vào mùa thu hoạch, đặc biệt là mùa thu hoạch cận Tết bán rất được giá... “Vừa sau thời điểm thu hoạch, bà con dồi dào tiền bạc, lại dư giả thời gian dưỡng sức cho vụ trồng mới, cho lứa heo mới nên tâm lý khá thoải mái. Vào thời điểm thiên thời địa lợi nhân hòa ấy, việc vận động bà con tham gia lưới an sinh thuận lợi hơn rất nhiều...”- ông Phúc nói.
Gây dựng niềm tin…
Tính đến hết tháng 10/2020, BHXH huyện Tân Phước đã phối hợp tổ chức 34 cuộc truyền thông nhóm nhỏ để tuyên truyền chính sách BHYT, BHXH, đồng thời vận động bà con tham gia tại chỗ BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện. “Tất cả những cuộc truyền thông ấy đều tổ chức tận ấp với khoảng 40-50 bà con tham dự. Tính tổng có khoảng 1.300 lượt bà con tham dự từ đầu năm đến nay”- ông Phúc thông tin.
Theo lãnh đạo BHXH huyện, mỗi cuộc truyền thông là một cơ hội để gây dựng niềm tin trong dân về chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước. Bởi vậy, từng cuộc truyền thông đều được chăm chút kỹ lưỡng để “niềm tin gia tăng cao nhất”. Ở mỗi cuộc truyền thông nhóm nhỏ, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã đều hiện diện, trước là thăm hỏi cuộc sống bà con, sau là thông tin tình hình thực hiện chính sách an sinh trên địa bàn, với những vấn đề thiết thực cần hướng đến. Cuối cùng là việc vận động bà con cùng địa phương thiết lập lưới an sinh, để ai cũng được chăm sóc sức khỏe đầy đủ và có lương hưu làm điểm tựa cho cuộc sống. “Các anh chị lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã luôn có sức quy tụ và có cách làm ấm lòng người dân. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chuyện thành hay bại của một cuộc truyền thông nhóm về chính sách an sinh”- ông Phúc khẳng định.
Sau lời “hiệu triệu” của lãnh đạo địa phương, đến lượt các cán bộ BHXH huyện trình bày từng vấn đề liên quan đến chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình... mà bà con đặt ra. Đặc biệt, niềm tin vào chính sách an sinh xã hội còn được củng cố mạnh mẽ tại các cuộc truyền thông nhóm, thông qua một số cá nhân với những trải nghiệm thực tế về cuộc sống với khoản tiền hưu trí, về tình huống “chưa kịp tham gia BHYT thì không may trọng bệnh”... “Mỗi người góp một tiếng nói để bà con rộng mở hơn góc nhìn về sự thiết thực của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Nhờ vậy, niềm tin vào lưới an sinh ở Tân Phước ngày một dâng cao”- ông Phúc trải lòng.
Cũng theo ông Phúc, niềm tin vào chính sách an sinh mà BHXH huyện cùng với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể... gây dựng từng chút một ấy chính là bệ đỡ giúp mạng lưới đại lý thu gặt hái thành quả, để lưới an sinh thêm dày dặn. Riêng tại các cuộc truyền thông nhóm nhỏ, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trung bình đạt hơn 25%.
Để gia tăng tỷ lệ này, công tác tổ chức truyền thông nhóm nhỏ còn có thêm sự tiếp sức từ hoạt động “tiền trạm”. Theo ông Phúc, “tiền trạm” chính là việc nhân viên đại lý thu- qua sự tiếp cận gần gũi từng hộ gia đình nên nắm rõ sinh kế và “tiềm năng” của từng gia đình, đã lên kế hoạch truyền thông chi tiết, phù hợp với từng địa bàn, từng thời điểm.
“Chắc chắn mình sẽ không để ai ở lại phía sau, song tại thời điểm tổ chức cuộc truyền thông nhóm, những ai có ý định tiếp cận BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện thì mình tranh thủ mời trước, để hiệu quả cuộc vận động đạt cao nhất”- ông Phúc giải thích. Với bà con tham dự cuộc truyền thông nhưng chưa đăng ký tham gia tại chỗ, nhân viên đại lý thu sẽ tiếp tục vận động “rỉ rả” những ngày sau đó, để “không để ai rớt khỏi lưới an sinh”.
Đỗ Bá
Trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH, ông Phan Thanh Dũ- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phước (Tiền Giang) khẳng định, tập thể BHXH huyện rất năng động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo ông Dũ, sự năng động, tích cực của BHXH huyện không chỉ thể hiện trong công tác tham mưu kịp thời, chính xác, mà cả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an sinh. Nhờ vậy, không chỉ ở cấp xã, thị trấn mà từng ấp và nhiều hộ gia đình trên địa bàn đều nắm rõ chính sách. “Cứ đầu năm, Huyện ủy, UBND huyện đều có văn bản chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể cùng tham gia, đồng hành với BHXH huyện thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn”- ông Dũ nói.