Print

Hàng tỷ người chưa thể thoát nghèo

Thứ Ba, 09 /02/2021 10:48

Đại dịch COVID-19 lây lan khắp thế giới đang khoét sâu thêm bất bình đẳng xã hội. Người giàu nhanh giàu hơn, trong khi tầng lớp nghèo khổ vẫn phải tiếp tục sống khó khăn thêm nhiều năm nữa.

Trong báo cáo có tiêu đề "Thứ vi-rút bất bình đẳng" công bố mới đây, tổ chức Oxfam cảnh báo đại dịch COVID-19 đang khiến tình trạng chênh lệch giàu- nghèo tăng lên rõ rệt ở mọi quốc gia.

Báo cáo chỉ rõ, ở giai đoạn đầu của đại dịch, thị trường chứng khoán sụp đổ khiến tài sản của các tỷ phú thế giới bị giảm mạnh. Nhưng tình hình không kéo dài lâu khi chỉ trong vòng 9 tháng, top 1.000 người giàu nhất hành tinh đã thu lại được những gì đã mất. Trái lại, những người nghèo nhất vẫn chật vật đương đầu với khó khăn và và phải mất hơn một thập niên họ mới có thể phục hồi từ những tác động về mặt kinh tế của COVID-19.  

Oxfam cũng nhấn mạnh một thực tế rằng, tác động của vi-rút SARS-CoV-2 là không đồng đều. Cụ thể, nhóm DTTS tại một số quốc gia có tỷ lệ tử vong cao hơn nhóm khác, và việc phụ nữ chiếm đa số trong các lĩnh vực của nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Báo cáo của Oxfam được đưa ra trùng với thời điểm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Davos) được tổ chức trực tuyến. Sự kiện này, diễn ra trong các ngày 26-29/1, sẽ tạo điều kiện để các nhà lãnh đạo thế giới chọn lựa những giải pháp sáng tạo ngăn chặn đại dịch và thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trong năm tới.

Oxfam nhận định, các nền kinh tế công bằng hơn chính là chìa khóa phục hồi kinh tế nhanh chóng. Theo tổ chức này, một khoản thuế tạm thời đối với phần lợi nhuận vượt quá của 32 tập đoàn toàn cầu thu lời nhiều nhất trong thời kỳ đại dịch có thể đã huy động được 104 tỷ USD trong năm 2020. Số tiền này đủ để cung cấp trợ cấp thất nghiệp cho tất cả NLĐ cũng như hỗ trợ tài chính cho tất cả trẻ em và người già tại các nước có thu nhập trung bình- thấp.

Giám đốc điều hành Oxfam Gabriela Bucher khẳng định: "Tình trạng bất bình đẳng không phải là điều không thể tránh khỏi. Nó phụ thuộc vào yếu tố lựa chọn chính sách".

Bà khẳng định, cuộc chiến chống tình trạng bất bình đẳng phải là trọng tâm của các nỗ lực giải cứu và phục hồi nền kinh tế, với các khoản đầu tư vào dịch vụ công được trích từ nguồn thuế do các cá nhân và tập đoàn giàu nhất đóng góp xứng đáng.

Hiện nay, giới đầu tư đang hướng tới triển vọng tươi sáng hơn trong năm 2021 nhờ các chiến dịch tiêm chủng COVID-19 ở nhiều quốc gia, các biện pháp kích thích tài chính và khả năng nền tinh tế trở lại đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, tốc độ phục hồi kinh tế và thu nhập giữa các khu vực sẽ không giống nhau. Mặc dù dịch bệnh được kiểm soát tốt ở các khu vực chính của châu Á, nhưng tình hình ở các quốc gia và khu vực như Mỹ, châu Âu và Mỹ Latinh xấu hơn.

Sự khác biệt trong khả năng kiểm soát COVID-19 giữa các quốc gia và khu vực sẽ kéo theo mức độ ảnh hưởng khác nhau về kinh tế, với xu hướng sẽ nghiêm trọng hơn ở các nền kinh tế phát triển phương Tây so với ở các nền kinh tế mới nổi của châu Á.

Do đó, các nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ khởi động năm 2021 trên một nền tảng vững chắc, trong khi các điều kiện tăng trưởng tồi tệ hơn sẽ làm chậm quá trình phục hồi của các quốc gia phát triển phương Tây.      

NT