Print

Navigos Group: DN sẽ “hụt hơi” nếu không chú trọng đào tạo nhân lực

Thứ Năm, 01 /04/2021 14:12

Việc thiếu các chương trình đào tạo kỹ năng nền tảng sẽ dẫn đến khả năng doanh nghiệp “hụt hơi” trong cạnh tranh không chỉ về sản phẩm, dịch vụ mà cả giữ chân nhân tài...

Navigos Group- Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam vừa công bố Báo cáo “Đào tạo và Phát triển trong doanh nghiệp: Thực trạng và xu hướng trong thời kỳ Chuyển đổi số”.

Theo theo khảo sát, 41% DN tham gia cho biết phải giảm một phần các hoạt động đào tạo; 10% DN ngừng hoàn toàn mọi hoạt động liên quan và 32% DN cho biết phải cắt giảm ngân sách dành cho các hoạt động đào tạo, phát triển. Bên cạnh đó, vẫn có những điểm sáng tích cực khi 50% DN tham gia khảo sát vẫn giữ nguyên ngân sách dành cho đào tạo, phát triển; 26% các kế hoạch cho đào tạo, phát triển vẫn giữ nguyên và 23% ý kiến cho biết còn gia tăng thêm các hoạt động này.

Kết quả làm việc của nhân viên sau đào tạo là thước đo quan trọng nhất của chương trình đào tạo. Có 61% ý kiến cho thấy hiệu quả của chương trình đào tạo sẽ được đánh giá dựa trên kết quả làm việc của nhân viên sau khóa đào tạo. Hình thức đào tạo dựa trên công việc thực tiễn (on the job training) được đánh giá là hiệu quả nhất trong các loại hình đào tạo. Các dữ liệu của khảo sát cho thấy nhiều DN không dành các chương trình đào tạo cho các kỹ năng cơ bản và quan trọng bao gồm: Kỹ năng ngoại ngữ (chiếm 43% ý kiến); các kiến thức cơ bản về CNTT (chiếm 24%); các chương trình đào tạo về Bán hàng- Tiếp thị- Quan hệ khách hàng (chiếm 22%).

Việc thiếu hụt các chương trình đào tạo các kỹ năng nền tảng nói trên sẽ có thể dẫn đến khả năng doanh nghiệp bị “hụt hơi” trong việc cạnh tranh trên thị trường không chỉ về sản phẩm, dịch vụ mà còn trong việc giữ chân các nhân viên giỏi. Chưa kể đến các chương trình đào tạo giờ đây bắt buộc phải đổi mới trong thời kỳ chuyển đổi số khi mỗi nhân viên đều phải cần được đào tạo các kỹ năng số để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong kỷ nguyên của công nghệ.

Khảo sát cũng cho thấy, mặc dù có 48% ý kiến DN nhìn nhận vai trò quan trọng của đào tạo phát triển đội ngũ lãnh đạo kế thừa nhưng trên thực tế, 22% DN không có các chương trình đào tạo theo lộ trình phát triển trở thành nhà quản lý tương lai. Ngay cả đối với đội ngũ quản lý/lãnh đạo hiện tại, 32% DN cho biết họ không có các chương trình đào tạo dành riêng cho đội ngũ này.

52% DN tham gia khảo sát cho biết, đối với DN của họ, đào tạo trực tuyến (E-learning) sẽ là hình thức đào tạo lớn nhất trong 5 năm tới. Tiếp theo là hình thức đào tạo tích hợp (Blended learning) bao gồm nhiều hình thức, từ học tập theo mô hình truyền thống đến học trực tuyến với 51% bình chọn. Nằm trong top 3 là DN sẽ tự phát triển hệ thống đào tạo riêng (Learning Management System- LMS) với 40% chia sẻ cùng ý kiến. 90% ý kiến DN tham gia khảo sát cho biết, lợi ích lớn nhất của đào tạo trực tuyến là sự linh hoạt về thời gian và không gian dành cho người học. Việc có thể học lại và truy cập dễ dàng học liệu của là điểm lợi thế của hình thức đào tạo này.

Chia sẻ về mục đích phát hành báo cáo này, ông Gaku Echizenya- Tổng Giám đốc Navigos Group cho biết, chưa bao giờ kỷ nguyên số lại đòi hỏi các DN tại Việt Nam phải chuyển mình mạnh mẽ đến như vậy. Chuyển đổi số trong kỷ nguyên số không còn là các dự báo xa vời mà đó là những yêu cầu sống còn nếu chúng ta muốn phát triển nhanh và bền vững. Chính vì thế, đào tạo và phát triển là một trong những chìa khóa quan trọng để giúp DN thực sự chuyển đổi thành công.

“Báo cáo này sẽ giúp các DN có thêm các thông tin để tham chiếu, từ đó xây dựng, cải thiện các chương trình đào tạo để phát triển DN, phát triển đội ngũ nhân sự một cách chiến lược và hiệu quả. Để đào tạo và phát triển thực sự mang lại giá trị cho DN đúng như vai trò của nó sẽ cần đến rất nhiều sự chung tay của các cấp quản lý, lãnh đạo trong DN. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu theo đó, sự thành công và phát triển bền vững của một DN được đo lường bằng chính sự phát triển vượt trội về con người trong DN đó”- ông Gaku Echizenya khẳng định.

Nguyệt Hà