Print

Ra mắt bản đồ “Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ”

Thứ Năm, 03 /06/2021 10:40

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021), NXB Trẻ lần đầu tiên ấn hành bản đồ “Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ”.

“Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ” xuất phát từ ý tưởng của NXB Trẻ, muốn dùng phương pháp trực quan mô tả lại hành trình tìm đường cứu nước của Bác để người xem có thể trong khoảng thời gian ngắn hình dung được toàn bộ hành trình trải qua các mốc thời gian.

Bản đồ sử dụng tư liệu từ tập sách “Hành trình theo chân Bác” của tác giả Trần Đình Tuấn (NXB Trẻ xuất bản lần đầu năm 2011, tái bản năm 2021), nội dung tái hiện quá trình hoạt động của Bác Hồ từ ngày 5/6/1911 là ngày rời cảng Sài Gòn trên tàu Amiral Latouche Tréville đến ngày 28/1/1941 là thời điểm về tới Cao Bằng qua cột mốc 108.

Toàn bộ hành trình 30 năm với các tuyến đường và điểm đến được thể hiện trên một bản đồ thế giới khổ 100x70cm. Ở phía dưới là đồ thị thể hiện các cột mốc và thời điểm, kèm dữ liệu lịch sử. Hành trình của Bác được chia ra thành 10 chặng, mỗi chặng còn được chia thành các mốc - là các điểm dừng - được đánh số từ mốc đầu đến mốc cuối, người xem có thể trong một khoảng thời gian ngắn nhất nắm được 10 chặng hành trình của Bác theo thứ tự: Cảng Sài Gòn - Le Havre, vòng quanh châu Phi, Pháp - châu Mỹ - Anh, Pháp - Liên Xô, Matxcơva - Quảng Châu, Matxcơva - Xiêm, Hong Kong - Thượng Hải, Thượng Hải - Matxcơva, Matxcơva - Quế Lâm, Quế Lâm - Pác Pó.

Trên bản đồ, hành trình đường bộ được thể hiện bằng nét liền và đường thủy là nét đứt, 10 chặng được tô 10 màu khác nhau để phân biệt và đánh số các điểm đến dọc hành trình. Nhờ vậy, người xem sẽ dễ dàng lần theo từng chặng trong hành trình theo đúng thứ tự và có thể xác định được hướng đi của hành trình theo mũi tên chỉ. Không những vậy, nhờ mỗi chặng có màu riêng nên đối với những tuyến Bác đi lại nhiều lần, người xem vẫn có thể phân biệt được những lần qua lại ấy.

Nhờ sự kết hợp của bản đồ hành trình và đồ thị thời gian (timeline), người xem không những có thể hình dung được độ phủ, hướng tuyến của hành trình mà còn biết được trình tự thời gian của các sự kiện cụ thể.

Bản tiêu chuẩn của bản đồ được in màu sắc nét trên giấy bìa cứng và dày, với kích thước 100x70cm. Tờ bản đồ được cuốn lại, để trong một ống carton cứng để chống gãy, bẹp. Bạn đọc có thể dán lên tường bằng băng keo hai mặt, gắn nẹp trên dưới hoặc lồng khung treo trang trọng trên tường phòng khách.

Ông Dương Thành Truyền, Quyền Giám đốc NXB Trẻ cho biết: “Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ như một công trình khoa học được nghiên cứu thực hiện và hoàn thành trong thời gian 3 tháng. Nội dung bản đồ tái hiện lịch sử bằng phương pháp thị giác, kế thừa tác phẩm Hành trình theo chân Bác của tác giả Trần Đức Tuấn cũng vừa được NXB Trẻ tái bản nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước”.

“Dấu ấn đặc sắc từ tấm bản đồ này là người xem sẽ dễ dàng hình dung, theo dõi, tra cứu về hành trình của Bác Hồ năm xưa trong mối liên hệ với bối cảnh địa chính trị hiện nay. Bản đồ chính trị thế giới có nhiều thay đổi trong 30 năm kể từ khi Bác ra tìm đường cứu nước đến khi Bác trở về, nhiều quốc gia đã biến mất và nhiều quốc gia đã ra đời. Đó là lý do NXB sử dụng bản đồ thế giới hiện nay để thể hiện hành trình xưa.

Tấm bản đồ có thể được treo thích hợp và trang trọng tại các thư viện, văn phòng Đoàn, Hội, phòng hội họp các cơ quan đơn vị, Ban ngành đoàn thể… lẫn Phòng Hồ Chí Minh ở các đơn vị quân đội. Bản đồ cũng là một học liệu quý phục vụ công tác giảng dạy và học tập trong trường lớp”, ông Dương Thành Truyền nói.

Anh Minh