Print

Ra mắt website hỗ trợ người khiếm thị tiếp cận Internet

Chủ nhật, 27 /06/2021 17:00

Trung tâm Internet Việt Nam vừa ra mắt website “ngườibạnsố.vn”- website "biết nói", như một món quà công nghệ mà thế hệ trẻ dành tặng cho người khiếm thị. Đây được coi là bước đầu tiên trong chương trình chuyển đổi số, hướng tới việc xây dựng hệ sinh thái số dành cho người khiếm thị.

Với sự phát triển nhanh của công nghệ số, bao gồm trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật..., chuyển đổi số tạo ra không gian phát triển mới, kinh tế số, xã hội số, Chính phủ điện tử. Đây cũng chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa thế giới cho hơn 314 triệu người khiếm thị trên toàn thế giới.

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, nhằm hỗ trợ người khiếm thị ứng dụng CNTT, nhất là tiếp cận Internet để cải thiện cuộc sống, Đoàn Thanh niên (Trung tâm Internet Việt Nam) đã chủ trì phát triển website “người bạn số” (https://ngườibạnsố.vn). Website tập hợp các giải pháp CNTT, cung cấp thông tin, hướng dẫn người khiếm thị, người thân tiếp cận và sử dụng thành thạo các ứng dụng phục vụ học tập; mạng xã hội; trợ lý ảo; nhập và tìm kiếm thông tin; thư viện sách nói và cả những lưu ý khi chúng ta giúp đỡ người khiếm thị.

Theo đó, người dùng thực hiện truy cập vào https://nguoibanso.vn/; hoặc https://ngườibạnsố.vn.

Được thiết kế với giao diện thân thiện, tiên phong áp dụng tiêu chuẩn web cho người khuyết tật (WCAG), tích hợp chuyển thể giọng nói tự động được cung cấp bởi sản phẩm make in Vietnam từ Công ty Vbee, giúp người khiếm thị có thể tiếp cận thông tin dễ dàng.

Việc xây dựng hệ sinh thái số cho người khiếm thị bao gồm những giải pháp, ứng dụng phục vụ cuộc sống, giao tiếp hàng ngày, học tập và làm việc là điều rẩt cần thiết và cần có sự chung tay của cộng đồng. Website “Người bạn số” là sự khởi đầu trong chương trình chuyển đổi số, hướng tới việc xây dựng hệ sinh thái số dành cho người khiếm thị mà VNNIC đang xúc tiến triển khai.

Bà Trần Thị Thu Hiền- Phó Giám đốc VNNIC cho biết, mục tiêu lớn nhất của dự án là hỗ trợ người khiếm thị sử dụng CNTT, Internet giúp cuộc sống của họ thuận tiện hơn; được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, rất cần sự lan tỏa và sự tham gia phối hợp của cả xã hội, đặc biệt là các DN công nghệ để cùng nhau tiếp tục sáng tạo, giải các bài toán lớn về công nghệ, đổi mới các ứng dụng, phần mềm phục vụ tốt hơn cho người khiếm thị.

Đại diện VNNIC cũng cho rằng, đây cũng là bài toán sử dụng AI để phát triển các nền tảng chuyển đổi số cho người khiếm thị… với mục tiêu chung vì cộng đồng người khiếm thị Việt Nam. “Internet for all”- Internet sẽ đem lại những giá trị làm cho cuộc sống nói chung và cuộc sống của người khiếm thị trở nên tốt đẹp hơn” là giá trị mà VNNIC hướng tới.

Thanh Hằng