Print

Nhiễm Papillomavirus sinh dục- Những cảnh báo cần thiết

Thứ Bảy, 07 /08/2021 17:13

Việc phát hiện virus HPV gây ung thư cổ tử cung đã được trao giải Nobel Y học từ năm 2008. HPV (Human papillomavirus- HPV) là một virus sinh dục thường gặp. Từ Paplloma trong tiếng Anh có nghĩa là u nhú, mụn cóc. Hiện nay, người ta đã tìm ra gần 200 typ HPV, trong đó khoảng 40 typ HPV có khả năng gây bệnh ở bộ phận sinh dục nam và nữ. Một số typ HPV gây mụn cóc ở bộ phận sinh dục, gây sùi mào gà, thường gặp nhất là typ 6 và 11. HPV còn là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung ở nữ. Hiện nay, người ta dùng kháng nguyên của các typ 16 và 18 để chế tạo vắc-xin phòng ung thư cổ tử cung (CTC) cho những trẻ gái ở tuổi dậy thì.

HPV có thể gây nhiễm ở bộ phận sinh dục của cả nam lẫn nữ. Trong đa số các trường hợp, nhiễm HPV không gây triệu chứng và vấn đề nào đặc biệt về sức khoẻ. Những người có hoạt động tình dục đều có thể bị nhiễm HPV vào một lúc nào đó trong đời, dù đa số đều không nhận biết được. Những người chỉ có một bạn tình duy nhất có thể bị nhiễm HPV, nếu bạn tình bị nhiễm. Trong đa số các trường hợp, cơ thể đào thải HPV một cách tự nhiên. Nhưng ở một số người khác, HPV hiện diện lâu dài.

Phụ nữ nhiễm HPV có thể gây ung thư cổ tử cung hoặc gây viêm nhiễm dẫn đến ung thư cổ tử cung sau nhiều năm. Ở đa số phụ nữ, HPV bị thải trừ trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, HPV lại có thể tồn tại lâu dài ở một số phụ nữ. Chúng ta hiện chưa biết tại sao HPV ở những phụ nữ này lại không bị đào thải so với những người khác. HPV khiến những tế bào ở cổ tử cung bị biến đổi bất thường. Nhiễm HPV kéo dài nhiều năm sẽ khiến những tế bào bất thường này chuyển thành ung thư.

Nhiễm HPV và xét nghiệm phát hiện

HPV chỉ lây truyền qua đường quan hệ tình dục. Cần lưu ý điều này, bởi vì bạn không thể bị nhiễm HPV nếu chỉ vì không vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục, sau khi ngồi bệ xí công cộng hoặc khi phá thai. Đa số bệnh nhân không biết mình bị nhiễm HPV và đang lây truyền cho người khác. Do đó, họ không thể biết ai đã lây truyền cho mình và truyền vào lúc nào. HPV gặp thường xuyên đến nỗi người ta thường bị nhiễm chỉ sau một thời gian ngắn từ khi bắt đầu có quan hệ tình dục.

Trong những trường hợp HPV không bị đào thải, sẽ có thể phát hiện ra nó nhiều năm sau, trong lúc đi kiểm tra sức khoẻ. Có thể dùng những xét nghiệm tầm soát để phát hiện sớm dấu hiệu ung thư cổ tử cung trước khi phát bệnh. Xét nghiệm Pap tìm những thay đổi trên tế bào cổ tử cung có thể phát triển thành ung thư. Xét nghiệm HPV đi tìm HPV, virus gây ra những thay đổi trên tế bào cổ tử cung.

Bằng cách này, những tổn thương tiền ung thư sẽ được cắt bỏ trước khi chúng trở thành ác tính. Xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV là những xét nghiệm dùng tầm soát ung thư cổ tử cung. Sẽ có ít phụ nữ nhiễm HPV bị ung thư cổ tử cung hơn, nếu họ tuân thủ những yêu cầu của bác sĩ về các xét nghiệm và điều trị. Khi bạn bị nhiễm HPV, cần kiểm tra thường xuyên và thực hiện nhiều xét nghiệm hơn để phát hiện sớm những thay đổi ở cổ tử cung và điều trị kịp thời. Phụ nữ cần quan tâm về mối liên hệ giữa HPV và ung thư cổ tử cung, và khuyến khích họ đi xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.

Nếu một người bị nhiễm một typ HPV và sau đó virus đã bị thải trừ sẽ không bị typ virus này nữa, nhưng vẫn có thể bị nhiễm typ khác. Hãy nhớ rằng, có 40 type HPV có thể lây nhiễm ở vùng sinh dục. Nhiễm HPV không ảnh hưởng gì đến việc có thai và mang thai. Nhưng phương pháp điều trị những tế bào bất thường do nhiễm HPV có thể ảnh hưởng đến khả năng có thai của bạn. Nếu bạn nhiễm HPV và đã sống với bạn tình một thời gian, người đó cũng đã bị nhiễm HPV.

Không có phương pháp nào để xác định bạn tình truyền HPV cho bạn, hay bạn đã lây truyền HPV cho bạn tình. Bao cao su có thể giảm nguy cơ lây truyền HPV cho một bạn tình mới, nếu được dùng đúng lúc và đúng cách. Nhưng HPV có thể nhiễm ở những vùng không được che chở bởi bao cao su. Do đó, bao cao su không thể bảo vệ hoàn toàn được lây nhiễm HPV. Cách duy nhất hiệu quả để phòng chống lây nhiễm HPV cho người khác là không quan hệ tình dục với họ.

Hiện nay chưa có xét nghiệm HPV cho đàn ông. HPV gặp ở nam và nữ ngang nhau, nhưng ở nữ, các ảnh hưởng trên sức khoẻ thường nặng nề hơn. Typ HPV gây nguy cơ ung thư cổ tử cung ở nữ gần như không gây ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của nam. Đối với nam, HPV thường gây mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Bạn tình sống chung với nhau một thời gian sẽ lây HPV cho nhau dù không xuất hiện triệu chứng và dấu hiệu gì rõ rệt. Không có phương pháp nào để xác định chính xác lúc nào bạn bị nhiễm. Một người có thể bị nhiễm HPV nhiều năm trước khi nó được phát hiện.

Điều trị và phòng ngừa HPV

Hiện nay, không có thuốc điều trị HPV, nhưng đa số cơ thể người nhiễm HPV có thể thải trừ được virus. Người ta chỉ có thể điều trị những vấn đề mà HPV gây ra cho sức khoẻ như mụn cóc sinh dục, các thay đổi tế bào cổ tử cung và ung thư cổ tử cung. Một khi những tế bào bất thường đã bị loại bỏ, bạn sẽ phải làm xét nghiệm Pap thường xuyên hơn để chắc chắn chúng không tái phát.

Hiện đã có vắc-xin Gardasil và Cervarix phòng chống HPV cho nữ tuổi từ 9 đến 26. Nó giúp bảo vệ phụ nữ chống 4 typ HPV thường gây ung thư cổ tử cung và mụn cóc vùng sinh dục. Nhưng vắc-xin không trị được nhiễm HPV, các biến đổi ở cổ tử cung và các mụn cóc sinh dục. Vắc-xin sẽ hiệu quả hơn ở những phụ nữ chưa từng quan hệ tình dục, vì họ ít có khả năng bị lây nhiễm HPV hơn. Vắc-xin chưa được thử nghiệm cho phụ nữ trên 26 tuổi, tuy nhiên nó cũng có thể đem lại lợi ích cho phụ nữ trẻ đang trong thời kỳ hoạt động tình dục nếu thấy tính an toàn và hiệu quả.

ThS.Lê Quốc Thịnh