Print

“Vòng xoáy” nợ nần khi vay tiền qua App

Thứ Hai, 23 /08/2021 20:11

Bài cuối

Tỉnh táo trước “tín dụng đen” online

Khi tự giới thiệu, các chủ App luôn lấy mác là “công ty tài chính” hoặc tổ chức tín dụng được NHNN cấp phép. Tuy nhiên, thực chất đây là một loại “tín dụng đen” dụ người dân vay tiền. Những chủ App này hoạt động bát nháo trên không gian mạng.

Nhiều App biến tướng

Theo Bộ Công an, thời gian qua, lực lượng công an trên cả nước đã triệt phá hàng trăm băng nhóm tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, khởi tố điều tra trên 400 vụ, trên 700 bị can về các tội danh liên quan. Điển hình như tại TP.HCM đã phát hiện 41 đối tượng thiết lập 3 ứng dụng điện thoại di động để hoạt động cho vay lãi nặng (lãi suất lên đến 2,5%/ngày, tương đương 912,5%/năm), khởi tố đối với 5 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự...

Hai đối tượng người nước ngoài điều hành đường dây cho vay tiền qua App bị Công an TP.HCM bắt giữ

Bộ Công an cho biết, ứng dụng vay tiền trực tuyến (App vay tiền online) thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản bảo đảm. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động thông minh (Smartphone).

Việc vay và cho vay tiền qua App cũng rất dễ dàng, với một số thao tác đơn giản trên điện thoại, máy tính như: Tải App, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và CMND, đồng ý cho App truy cập danh bạ cá nhân. Các App này được quảng cáo trên mạng xã hội Facebook để người nào có nhu cầu thì liên hệ. Thông thường, các đối tượng cho vay với lãi suất vài phần trăm/ngày, tương đương gần 1000%/năm, cao hơn nhiều lần mức lãi suất cao nhất theo quy định pháp luật, để thu lợi bất chính.

Hoạt động của nhiều App đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự. Nếu người vay trả nợ đúng hạn thì lần sau sẽ được cho vay số tiền cao hơn. Ngược lại, nếu không trả nợ đúng hạn, sẽ bị chủ App nhắc nhở, sau đó gọi điện cho người thân, bạn bè… của con nợ để chửi bới, đe dọa. Các đối tượng cũng mở nhiều tài khoản ngân hàng để người vay chuyển tiền trả nợ, tất toán khoản vay…

Trước tình trạng trên, Trung tướng Tô Ân Xô- Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xử lý hoạt động liên quan “tín dụng đen”, trong đó có loại hình “tín dụng đen” online. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ TT-TT tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh tài chính tiền tệ; kiểm tra, xử lý các dịch vụ cho vay nặng lãi trực tuyến.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động “tín dụng đen”, nhất là hoạt động của một số DN nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động cho vay nặng lãi trực tuyến, “vay qua App” trên các thiết bị điện tử. Đồng thời, phối hợp với NHNN tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý loại hình công ty cho vay trực tuyến, vay ngang hàng (P2P Lending)...

Tìm hiểu kỹ để tránh hệ lụy

Để tránh sập bẫy “tín dụng đen” online, Trung tướng Tô Ân Xô cũng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số DN, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…), mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch.

Một đường dây cho vay qua App bị Công an TP.HCM triệt phá

Theo ThS.Nguyễn Mai Anh- Khoa Pháp luật Kinh tế (ĐH Luật Hà Nội), để tránh những hệ lụy xấu khi tìm đến các nguồn vay, người dân cần tìm hiểu xem tổ chức, cá nhân mà mình chuẩn bị vay là ai bằng cách tra cứu mã số DN, địa chỉ và lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh đăng ký. “Thông thường, một website hoặc App cơ bản sẽ có các nội dung như: “Về chúng tôi”, “Điều khoản và chính sách”, “Liên hệ”… nhằm cung cấp thông tin cho khách hàng về công ty chủ quản. Nếu không có các nội dung cơ bản trên thì xác định đây là địa chỉ không đáng tin cậy, có thể bị giả mạo và dễ gây ra hậu quả khó lường”- ThS.Mai Anh nhận định.

Bên cạnh đó, để tránh bị mắc bẫy “tín dụng đen” qua App, ngoài việc nắm rõ các thông tin, hướng dẫn, cảnh báo..., người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin, trang bị thêm kiến thức để hiểu rằng, khi vay tiền dù thủ tục có đơn giản cách mấy vẫn cần phải có những ràng buộc để nhân viên tín dụng thu hồi nợ. Không nên tin vào những quảng cáo cho vay tiền kiểu như “không cần điều kiện, không cần chứng minh tài chính…”.

Nhằm ngăn chặn tình trạng bị lừa đảo khi vay tín chấp, ThS.Nguyễn Mai Anh khuyến cáo, người dân không nên tiếp nhận tư vấn cho vay tài chính qua mạng xã hội Zalo, Facebook hoặc cung cấp thông tin cá nhân trên mạng xã hội, vì đối tượng có thể lợi dụng để khai thác thông tin và lừa đảo. Thay vào đó, người dân chỉ thực hiện xử lý hồ sơ tại các điểm giới thiệu dịch vụ của công ty; chỉ nên tiếp nhận thông tin tư vấn từ số máy bàn của công ty hoặc tổng đài, hạn chế tiếp nhận thông tin tư vấn từ số điện thoại di động; tìm hiểu kỹ về việc công ty có yêu cầu cung cấp giấy tờ bản gốc hay không.

Trong trường hợp công ty không yêu cầu mà người tự nhận là nhân viên yêu cầu cung cấp bản chính giấy tờ để lưu giữ, thì khách hàng phải đề cao cảnh giác và cần kiểm tra lại thông tin. “Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thẻ như số thẻ, mã PIN, số CVV, tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, câu hỏi bảo mật, các thông tin khác liên quan đến việc sử dụng thẻ… cho bất kỳ ai và dưới bất cứ hình thức nào; không cung cấp mã bảo mật (OTP) cho bất kỳ ai kể cả người thân; không để người khác chụp hình cá nhân hoặc các giấy tờ tùy thân, thẻ tín dụng; cẩn thận trong các giao dịch qua mạng, điện thoại, thư tín để không bị lộ, bị đánh cắp thông tin thẻ (số thẻ, số CVV…) dẫn đến bị kẻ gian lợi dụng...”- ThS.Nguyễn Mai Anh nhấn mạnh.

Lưu ý vấn đề này, Luật sư Phan Văn Thanh- Đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho rằng, trước hết người vay cần lưu ý, việc vay tiền qua App luôn đi kèm với lãi suất cao và rất dễ đối mặt với nhiều rủi ro, hệ lụy. Trong trường hợp người vay không trả nổi tiền vay và lãi suất vay, nếu chủ nợ sử dụng các biện pháp đòi nợ tiêu cực và trái pháp luật như đe dọa, khủng bố, quấy rối, tịch thu tài sản, đánh đập, đăng thông tin cá nhân, nói xấu người vay trên mạng xã hội…thì người vay có thể khiếu nại, tố cáo đến cơ quan chức năng để yêu câu xử lý các đối tượng này theo quy định pháp luật.          

Hoài Anh