Print

Tác động của Covid-19 đối với cuộc sống người dân Colombia

Thứ Năm, 16 /09/2021 18:13

Kinh tế suy thoái vì đại dịch khiến nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không có đủ nguồn lực để chống đỡ khủng hoảng. Một trong những quốc gia lâm vào tình trạng khó khăn nhất là Colombia. Tác động của Covid-19 đối với người nghèo ở Colombia rất khắc nghiệt. Nếu không có thêm sự hỗ trợ, quốc gia này có thể có nguy cơ mất đi một số thành tựu đã đạt được trong những năm gần đây.

Trước đại dịch Covid-19, nền kinh tế Colombia có bước tăng trưởng đáng kể kể từ đầu thế kỷ này với tỷ lệ nghèo đói giảm 50% trong thập kỷ qua. Năm 2019, kinh tế tăng trưởng hơn 3% với nhiều dấu hiệu cho thấy tiềm năng của một thị trường mới nổi vào năm 2020. Thế nhưng, Covid-19 bất ngờ đến vào năm 2020, kéo tụt sự phát triển của Columbia, bất chấp những tiến bộ mà quốc gia này đã đạt được trước đó.

Hiện chênh lệch thu nhập ở Colombia thuộc hàng cao nhất châu Mỹ Latinh. 20% người giàu nắm giữ hơn một nửa (56,2%) thu nhập của quốc gia. Thêm vào đó, vì dầu mỏ chiếm hơn một nửa lượng xuất khẩu của quốc gia, nên kinh tế Colombia đặc biệt dễ bị “tổn thương” khi giá dầu giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch. Khoảng 42,5% dân số rơi xuống mức nghèo, tăng gần 7% so với năm 2019; tỷ lệ nghèo cùng cực đã tăng lên mức 16% dân số.

Hơn 2/3 lực lượng lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19. Nhiều DN phải đóng cửa. Ước tính 21 triệu người Colombia chỉ sống ở mức 92 USD/tháng. Gần 2 triệu hộ gia đình không đủ tiền mua thực phẩm đủ ba bữa ăn hàng ngày do kinh tế quá khó khăn. Những con số này cung cấp một bức tranh tổng thể về cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất mà Colombia phải đối mặt trong khoảng 50 năm trở lại đây.

Phản ứng với Covid-19 ở Colombia

Trước thực trạng một phần đáng kể người dân bị đẩy vào cảnh nghèo đói ở Colombia vào năm 2020, việc hỗ trợ được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Chính phủ mở rộng mạng lưới ASXH để giúp nhiều hộ gia đình đủ điều kiện nhận cứu trợ hơn. Ước tính có thêm 3 triệu hộ gia đình được hỗ trợ bằng tiền mặt. Trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng mất an ninh lương thực, Chính phủ cũng đã điều chỉnh các chương trình dinh dưỡng học đường để cung cấp bữa ăn miễn phí cho gần 6 triệu trẻ em tại nhà.

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (WB) nỗ lực giúp đỡ Colombia phục hồi bằng cách nâng cao hiệu quả của các chương trình xã hội. Thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD), Ngân hàng Thế giới duyệt cho Colombia khoản vay 700 triệu USD để ứng phó với đại dịch. Động thái này giúp hơn 600.000 người Columbia thoát khỏi cảnh đói nghèo, hạn chế làm tăng thêm 1,3% tỷ lệ nghèo.

Kịp thời tổ chức cứu trợ

Ngoài Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, nhóm từ thiện cũng đang nỗ lực hết sức để giảm bớt tác động của Covid-19 đối với người dân Colombia. Một trong những nhóm như vậy là Đội Tuần tra Hàng không dân dụng Colombia (PAC), một tổ chức gồm các phi công tình nguyện thực hiện các chuyến bay để đưa nhân viên y tế vượt địa hình đồi núi và rừng nhiệt đới rộng lớn để KCB cho người dân đang sinh sống vùng sâu, vùng xa. Những khu vực này có đa phần người dân nghèo và nghèo cùng cực đang mỏi mòn chờ hỗ trợ.

Trong một số trường hợp, đối với những người dân này, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế có thể mất tới vài ngày đi đường. Vì thế, để hỗ trợ trong thời kỳ dịch bệnh, PAC đã sử dụng mạng lưới phân phối và đội phi công tình nguyện của mình để cung cấp khẩu trang, hóa chất khử trùng, bộ dụng cụ (kit) xét nghiệm… cho họ. Đến nay, PAC đã tiếp cận hơn 100 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, cung cấp thuốc và vật tư y tế để ngay cả những cơ sở y tế xa xôi, hẻo lánh nhất cũng có thể điều trị cơ bản cho người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Qua đó, gián tiếp cứu sống nhiều tính mạng, cũng như cung cấp cho vùng sâu, vùng xa những nguồn lực để đương đầu với dịch bệnh.

Như vậy, có thể thấy, tác động tổng thể của Covid-19 đối với tình trạng nghèo đói ở Colombia khiến kinh tế trở nên suy thoái. Viện trợ quốc tế đóng vai trò quan trọng, góp phần cùng những nỗ lực của Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ Colombia “chiến đấu” với đại dịch. Việc vừa khôi phục kinh tế, vừa phòng, chống dịch hiệu quả sẽ là chìa khóa để duy trì những thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua trong cuộc chiến chống đói nghèo ở Colombia và đưa quốc gia này trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất châu Mỹ Latinh.

Tùng Anh (Theo WB)