Print

World Bank gợi ý giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19

Thứ Tư, 29 /09/2021 14:33

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương mùa Thu năm 2021 của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: Việt Nam vẫn là một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, dù là trước hay trong đại dịch.

Báo cáo được WB công bố trực tuyến ngày 29/9 đã hạ dự báo tăng trưởng cho các quốc gia Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương (ĐÁ-TBD) trong bối cảnh Covid-19 kéo dài. Trừ Trung Quốc được dự báo tăng trưởng ở mức 8,5%, các quốc gia khác trong khu vực chỉ tăng trưởng ở mức 2,5%, thấp hơn gần 2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4/2021.

Nhóm chuyên gia WB phân tích: Khu vực ĐÁ-TBD đang phải gánh chịu tác động nặng nề của đại dịch.Trong năm 2020, nhiều quốc gia trong khu vực đã kiểm soát thành công dịch Covid-19 và hoạt động kinh tế được khôi phục, trong khi các quốc gia công nghiệp phát triển phải vật lộn với dịch bệnh và suy giảm kinh tế. Đến năm 2021, khu vực này lại bị dịch bệnh tấn công trong khi các quốc gia công nghiệp phát triển đang trên lộ trình phục hồi. “Dịch bệnh tàn phá nền kinh tế một cách lâu dài và có khả năng cao sẽ còn ở lại với chúng ta”, báo cáo nhận định. Trước mắt, đại dịch dai dẳng sẽ khiến căng thẳng về con người và kinh tế kéo dài, trừ khi các cá nhân và DN có thể thích ứng. Trong dài hạn, Covid-19 sẽ làm giảm tăng trưởng và gia tăng bất bình đẳng, trừ khi các “vết sẹo” được chữa lành và cơ hội được nắm bắt. Hành động chính sách cần phải giúp các tác nhân kinh tế điều chỉnh trong thời gian trước mắt, và đưa ra những lựa chọn có thể giúp ngăn ngừa đà giảm tốc và sự chênh lệch giàu nghèo trong tương lai.

WB dự báo, số lượng việc làm đã giảm và đói nghèo sẽ còn dai dẳng và bất bình đẳng đang gia tăng ở một số góc độ. Tỷ lệ lao động có việc làm trong khu vực giảm bình quân khoảng 2 điểm phần trăm trong giai đoạn 2019-2020. Có đến 18 triệu người sẽ không có khả năng thoát nghèo trong năm 2021 ở các quốc gia đang phát triển thuộc khu vực ĐÁ-TBD vì Covid-19. Mặc dù tất cả các hộ gia đình đều chịu ảnh hưởng, nhưng người nghèo dễ bị mất thu nhập hơn; dễ buộc phải bán tài sản phục vụ sản xuất hơn; dễ rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực hơn; và dễ có con em không được tham gia học tập hơn.

Theo bà Manuela Ferro- Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực, quá trình phục hồi kinh tế ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á- Thái Bình Dương đang bị đảo ngược. “Mặc dù khu vực đã kiềm chế Covid-19 thành công trong năm 2020 trong khi các khu vực khác trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhưng số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trong năm nay làm giảm viễn cảnh tăng trưởng cho năm 2021. Tuy nhiên, trong những lần những khủng hoảng trước đó, khu vực đã trở lại mạnh mẽ hơn và và lần này cũng có thể được như vậy nếu có những chính sách đúng đắn.”, bà Manuela Ferro chia sẻ.

Với Việt Nam, Báo cáo dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt khoảng 4,8% trong năm 2021 và phục hồi về tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức 6,5-7% từ năm 2022 trở đi. Tính toán này của WB dựa trên giả định các biện pháp giãn cách sẽ giúp kiểm soát lây nhiễm Covid-19 thành công vào cuối Quý III, để nền kinh tế bật lại vào Quý IV/2021. Sự phục hồi kinh tế toàn cầu được duy trì sẽ đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ở những thị trường xuất khẩu chủ lực (Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc).

Tuy nhiên, WB lưu ý, dù các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang trên đà phục hồi, nhưng quá trình vẫn tiềm ẩn bất định liên quan đến sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 mới và tiến độ tiêm vắc-xin chưa đồng đều trên toàn cầu. Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng tăng từ các quốc gia có các hoạt động sản xuất đang bật dậy mạnh mẽ hơn.Do đó, quá trình phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng chiến dịch tiêm chủng diện rộng giúp 70% dân số trưởng thành được tiêm vắc-xin  vào giữa năm 2022, giúp ngăn ngừa các đợt dịch nghiêm trọng mới.

WB dự báo, trong thời gian còn lại của năm 2021, chính sách tiền tệ được kỳ vọng vẫn sẽ là nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ, trong đó cho phép DN được gia hạn thời hạn trả nợ. Chính sách tài khóa sẽ mang tính hỗ trợ hơn thông qua đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, đặc biệt sau khi gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại. WB cũng quan tâm đến việc sau gói hỗ trợ đảm bảo xã hội đợt hai, Chính phủ đang sẵn sàng triển khai một gói hỗ trợ thuế cho DN.“Với dư địa tài khóa hiện có, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các nguồn lực để giảm thiểu tác động xã hội bất lợi và phòng ngừa những rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng. Trong thời gian tới, Việt Nam cần theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh và số hóa nhằm nâng cao khả năng chống chịu và tính bền vững của nền kinh tế”, WB khuyến nghị.

Thái An