Print

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao

Thứ Ba, 12 /10/2021 13:24

Theo Tổng cục Thống kê, trong Quý III và 9 tháng năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ 4 tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế đã khiến cho tình hình lao động việc làm quý III năm 2021 tồi tệ hơn. Số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Thất nghiệp và thiếu việc làm trầm trọng

Chia sẻ tại họp báo sáng 12/10/2021 về tình hình lao động việc làm Quý III và 9 tháng năm 2021, Tổng cục Thống kê cho biết, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2021 là 49,1 triệu người, giảm 2,0 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm 1,4 triệu) và ở nữ giới (giảm 1,1 triệu người). So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm gần 2,3 triệu người) và lực lượng lao động nam (giảm hơn 1,2 triệu người). Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm lực lượng lao động ở mức thấp nhất kể từ khi dịch xuất hiện.

Về số người có việc làm, Tổng cục Thống kê cho biết, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong Quý III là 47,2 triệu người, giảm 2,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong Quý III/2021, lao động có việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 14,5 triệu người, tăng 673,1 ngàn người so với quý trước và tăng 479,0 ngàn người so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 952,5 ngàn người so với quý trước và giảm 960,1 ngàn người so với cùng kỳ năm trước; ngành dịch vụ là 17,1 triệu người giảm 2,3 triệu người so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của cơ quan thống kê, giãn cách xã hội kéo dài trong 3 tháng của quý III đã làm trầm trọng hơn thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, số lao động trong hai ngành này đều giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây. Ngược lại, lao động trong ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng, trái ngược với những xu hướng thường thấy trước đây, chủ yếu là do số lao động mất việc tại các tỉnh thành phía Nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành nông nghiệp.

Dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi Quý III năm 2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2021 là hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước và tăng 620,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi Quý III năm 2021 là 4,46%, tăng 1,86 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,74 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 5,33% và 3,94%). Điều này khác với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2021 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 nghìn người so với quý trước và tăng 449,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên toàn quốc đạt 50,4 triệu người, giảm 250 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, trong đó số lao động có việc làm là 49,0 triệu người, giảm 388,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước (giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới). Thiếu việc làm trong độ tuổi 9 tháng năm 2021 là hơn 1,3 triệu người, tăng 187,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,06%, tăng 0,51 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong 9 tháng năm 2021 là hơn 1,3 triệu người, tăng 126,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,99%, tăng 0,35 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,02%, cao hơn 1,64 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Thu nhập của NLĐ giảm mạnh

Đáng chú ý nhất, thu nhập của NLĐ đã giảm mạnh với mức thu nhập bình quân tháng của lao động Quý III năm 2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877 ngàn đồng so với quý trước và giảm 603 ngàn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,40 lần (6,0 triệu đồng so với 4,3 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,35 lần (6,2 triệu đồng so với 4,6 triệu đồng). Có thể nói "diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động Quý III năm 2021 thấp hơn đáng kể so với Quý II năm 2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi Quý II năm 2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây", báo cáo của Tổng cục Thống kê nhấn mạnh

Tính chung 9 tháng năm 2021, thu nhập bình quân tháng của NLĐ là 5,9 triệu đồng, gần như tương đương so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 34 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019. Lao động nam có thu nhập bình quân là 6,8 triệu đồng, cao hơn 1,42 lần thu nhập bình quân của lao động nữ (4,8 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị cao hơn 1,41 lần thu nhập bình quân lao động ở khu vực nông thôn (tương ứng 7,2 triệu đồng so với 5,1 triệu đồng).

Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương trong 9 tháng năm 2021 là 6,7 triệu đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (giảm 13 nghìn đồng). Thu nhập bình quân của lao động nam làm công hưởng lương cao hơn lao động nữ 1,16 lần (tương ứng 7,1 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn 1,25 lần so với thu nhập của lao động ở nông thôn (tương ứng 7,5 triệu đồng so với 6,0 triệu đồng).

Nền kinh tế chịu tác động mạnh mẽ trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tuy nhiên tính chung 9 tháng năm 2021, thu nhập bình quân của lao động làm công, hưởng lương trong một số ngành kinh tế vẫn có sự tăng trưởng nhất định. Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong ngành nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 4,7%, tương ứng tăng 210 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2020; ngành thông tin truyền thông có thu nhập bình quân tăng 2,4%, tương ứng tăng 237 nghìn đồng; lao động trong ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 2,4%, tương ứng tăng 206 nghìn đồng.

Thái An