BV S.I.S Cần Thơ đạt Chứng nhận Tiêu chuẩn Bạch kim của Hội Đột quỵ Thế giới
Ngày 29/10, BV Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ vinh dự đón Chứng nhận Tiêu chuẩn Bạch kim trong điều trị đột quỵ từ Hội Đột quỵ Thế giới (WSO).
PGS.BS Nguyễn Huy Thắng- Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, thành viên WSO, đã chúc mừng và trao Chứng nhận Tiêu chuẩn Bạch kim đến TS.BS.Trần Chí Cường- Giám đốc BV S.I.S Cần Thơ.
Theo PGS.Thắng, người đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, chỉ trong 3 năm thành lập và phát triển, BV S.I.S Cần Thơ đạt Chứng nhận tiêu chuẩn bạch kim trong điều trị đột quỵ từ WSO là điều tuyệt vời nhất mà ông từng chứng kiến trong tư cách thành viên WSO.
Tại Việt Nam, không nhiều BV, Trung tâm đột quỵ đạt Chứng nhận tiêu chuẩn bạch kim của WSO. Ở phạm vi khu vực, số quốc gia có BV, Trung tâm đột quỵ đạt tiêu chuẩn này cũng không phải nhiều.
Trong hành trình 3 năm hoạt động, BV S.I.S Cần Thơ đã tiếp nhận hơn 170.000 lượt bệnh nhân khám và điều trị, với hơn 71.000 bệnh nhân liên quan đến đột quỵ. Hầu hết bệnh nhân tìm đến S.I.S đều tham gia BHYT và được quỹ BHYT chi trả.
PGS. Nguyễn Huy Thắng (phải) thay mặt WSO trao Chứng nhận bạch kim về điều trị đột quỵ đến lãnh đạo BV S.I.S Trần Chí Cường
Nhờ nỗ lực chuyên môn từ các bác sĩ của BV S.I.S Cần Thơ, dưới sự dẫn dắt của cánh chim đầu đàn Trần Chí Cường, vốn là chuyên gia can thiệp nhồi máu não hàng đầu khu vực phía Nam, ngày càng nhiều bệnh nhân đột quỵ ở vùng trũng y tế Tây Nam bộ lâu nay đã được cứu sống.
Theo BS.Trần Chí Cường, trung bình mỗi ngày, S.I.S cấp cứu đột quỵ từ 20 đến 30 bệnh nhân. Trong đó, nga2h càng nhiều bệnh nhân đến BV còn trong khung “thời gian vàng” (nhập viện trước 6 giờ kể từ khi đột quỵ). Điều này là nhờ bước đi chiến lược 3 năm trước đó: đưa cấp cứu đột quỵ từ TP.HCM về Tây Nam bộ, chứ không ở TP.HCM chờ bệnh nhân đột quỵ Tây Nam bộ tìm đến.
Với sự hiện diện của S.I.S Cần Thơ, hiệu quả cấp cứu đột quỵ ở khu vực Tây Nam bộ ngày càng được nâng cao, kéo giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân không may đột quỵ tại Cần Thơ và các tỉnh xung quanh.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực tăng cường kết nối, đào tạo chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ trong mạng lưới y tế Tây Nam bộ; phối hợp thiết lập mạng lưới cấp cứu, can thiệp đột quỵ ở các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, để kịp cứu sống bệnh nhân đột quỵ nhiều hơn nữa…”- BS. Trần Chí Cường trải lòng.
Cùng ngày 29/10, BV S.I.S Cần Thơ tổ chức Hội nghị Khoa học và đào tạo liên tục (trực tuyến) về xử lý đột quỵ. Hoạt động này đã thu hút hơn 2.000 bác sĩ trên cả nước tham dự.
Đỗ Bá