Print

DN Việt Nam khó khăn trong việc mở rộng thị trường Châu Âu

Thứ Năm, 04 /11/2021 17:00

Sau một năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), các DN Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc tận dụng lợi thế từ FTA từng được kỳ vọng là "cú huých" cho nền kinh tế.

Sau 10 năm đàm phán, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2020- trong bối cảnh đặc biệt, khi cả thế giới đang phải chống chọi với đại dịch Covid-19. Với những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa, EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu quả tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh như nông-thủy sản.

Báo cáo đánh giá một năm thực hiện EVFTA do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Viện Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam thực hiện đã chỉ ra rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, thương mại giữa Việt Nam và EU vẫn có những cải thiện nhất định sau một năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU vẫn tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 39,7 tỷ USD. Mức tăng trưởng này nhờ vào sự hồi phục của nền kinh tế EU trong quý II/2021, đồng thời việc giảm thuế quan giúp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường này.

Tuy nhiên, theo PGS-TS.Nguyễn Anh Thu- Viện trưởng VEPR, Việt Nam hiện phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ bên trong cũng như bên ngoài, đặc biệt là vấn đề thực thi pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền của NLĐ và bảo vệ môi trường...

Theo đánh giá của ông Phạm Văn Long- đại diện nhóm nghiên cứu VEPR, Việt Nam đang đi theo chiến lược “dễ làm trước, khó làm sau”, nên có thể dự báo tốc độ cải cách luật pháp ở Việt Nam sẽ chậm dần so với yêu cầu của EVFTA. Chi phí thương mại của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN cũng như thách thức cạnh tranh trong tương lai, khi EU đang đàm phán FTA với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, cải cách để đáp ứng đòi hỏi của Hiệp định EVFTA sẽ ngày càng khó và chậm hơn, và lợi thế tương đối của Hiệp định này cho Việt Nam đối với các nước trong khu vực sẽ ngày càng giảm đi nhanh hơn…

Nhấn mạnh DN Việt Nam vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn, thách thức, ông Phạm Văn Long cho biết, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận và phỏng vấn 8 DN hoạt động trong các lĩnh vực như nông sản, dệt may và đồ chơi thông minh, trong đó có 7 DN có hoạt động xuất khẩu trực tiếp và gia công hàng xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, chỉ có 2 DN cho biết, trị giá xuất khẩu sang thị trường EU tăng trong năm vừa qua nhờ vào việc đơn hàng tăng, số còn lại đều giảm về mặt giá trị xuất khẩu sang thị trường EU.

"Nguyên nhân khiến việc giảm giá trị hàng xuất khẩu chủ yếu là do số lượng đơn hàng giảm, chi phí sản xuất gia tăng. Các điều kiện xuất khẩu thắt chặt hơn và chi phí logistics tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến cước tàu biển tăng liên tục do sự khan hiếm container. Đặc biệt, vấn đề liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm trái cây, rau củ chính là rào cản lớn nhất đối với các DN xuất khẩu nông sản sang thị trường EU"- ông Long phân tích.

Để đảm bảo việc tuân thủ đúng các cam kết trong Hiệp định và tận dụng triệt để các lợi ích từ EVFTA, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, Việt Nam cần khẩn trương rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật sao cho phù hợp với các cam kết trong Hiệp định. Đồng thời, giảm bớt các thủ tục hải quan và các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, tăng năng lực điều hành cũng như giám sát đối với các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS) Việt Nam, nhằm hạn chế vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật tại các nước nhập khẩu...

Cụ thể, khuyến nghị Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP liên quan đến nội dung quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại trong kiểm tra thực tế hàng hóa để trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó, Bộ Công Thương cần bổ sung quy định về hàng tân trang vào Thông tư hướng dẫn, cụ thể là Thông tư số 11/2020 để kịp thời đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định; Bộ KH-ĐT nên sớm hoàn thiện để trình Chính phủ văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các nội dung về mua sắm công; Bộ GTVT cần sớm ban hành Kế hoạch thực hiện EVFTA để giúp các DN kinh doanh phương tiện cơ giới và phụ tùng thiết bị của xe cơ giới tham gia thị trường dễ dàng hơn và tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định…

Thái An