Châu Phi: Mở rộng phạm vi và duy trì an sinh xã hội
Là châu lục nghèo nhất thế giới, nên mức chi cho an sinh xã hội cho người dân Châu Phi cũng ở mức thấp kỷ lục. Gần đây, các nhà hoạch định chính sách tại châu lục này mới có nhận thức sâu sắc hơn về sự cần thiết của việc phát triển an sinh xã hội trên diện rộng.
Thực trạng đáng lo ngại
Hiện nay, ở Châu Phi có khoảng 90% trong số 345 chương trình an sinh xã hội theo luật định là các chương trình đóng góp. Theo dữ liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 85% việc làm ở Châu Phi là công việc tự do. Trong đó, chỉ 18% dân số được tiếp cận một cách hiệu quả với ít nhất một hình thức bảo trợ xã hội vào năm 2021.
Chỉ có 16% trẻ em được chi trả bởi các chương trình trợ cấp tiền mặt và cũng chỉ 16% sản phụ nhận được các khoản trợ cấp liên quan đến sinh nở. Trên thị trường lao động, chỉ 5,6% số người đang tìm kiếm việc làm được một số hình thức trợ cấp thất nghiệp.
Trong khi đó, theo số liệu của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), năm 2019, việc trợ cấp cho người khuyết tật phần lớn không đạt yêu cầu, khi chỉ có 9,5% người dễ bị tổn thương sống trong cảnh nghèo đói và thiếu thốn được nhận trợ cấp xã hội.
Có lẽ, người cao tuổi là đối tượng được hưởng lợi ích nhiều hơn cả, với khoảng 30% dân số được nhận lương hưu, dù đây không phải là con số quá nổi bật so với thực trạng chung của thế giới…
Những con số biết nói trên cho thấy, thực trạng về an sinh xã hội tại Châu Phi là điều đáng lo ngại. Nó đặt ra thách thức không nhỏ đối với các nhà chức trách và đòi hỏi người lãnh đạo cần có sự quyết tâm cao trong việc phát triển chính sách an sinh xã hội tại châu lục này.
Nỗ lực phát triển trên diện rộng
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong những năm gần đây, Châu Phi đã tạo ra những bước tiến vượt bậc trong việc thu hẹp khoảng cách về độ bao phủ an sinh xã hội so với các châu lục khác.
Với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như ILO, hầu hết các quốc gia ở lục địa này đều đã áp dụng kế hoạch và chiến lược phát triển an sinh xã hội toàn diện, bao gồm cả việc giới thiệu hoặc mở rộng gói an sinh xã hội cơ bản kết hợp chăm sóc sức khỏe thiết yếu, hỗ trợ trẻ em ở độ tuổi đi học và một mức lương hưu tối thiểu.
Đáng chú ý, nhiều chính phủ tại các quốc gia như: Ghana, Kenya, Nigeria và Nam Phi còn phát triển các hệ thống nhận dạng toàn quốc, nhằm thúc đẩy người dân sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số.
Các quốc gia Châu Phi cũng thực hiện nhiều cách tiếp cận khác nhau để mở rộng phạm vi áp dụng an sinh xã hội theo các chương trình lương hưu có đóng góp. Ví dụ, ở Rwanda, người quản lý quỹ hưu trí khu vực chính thức cũng là người quản lý trung tâm của hệ thống hưu trí khu vực phi chính thức, bao gồm các khoản đóng góp phù hợp từ Chính phủ. Hay như ở Uganda, cách tiếp cận dựa trên một chương trình tài chính vi mô cổ điển hơn.
Chính phủ Ghana đã và đang thử kết hợp phương pháp của các quốc gia nêu trên. Một số quốc gia khác như: Algeria, Cabo Verde, Mauritius và Nam Phi có được một hệ thống lương hưu cho toàn dân thông qua sự kết hợp của các chương trình đóng góp và không đóng góp.
Tại Ma Rốc, chính phủ đã thiết lập một hệ thống an sinh xã hội toàn diện, nhằm mang lại lợi ích cho hàng triệu người dân nước này. Quỹ An sinh xã hội quốc gia (CNSS) cung cấp những gói bảo trợ trong trường hợp người dân bị tàn tật, bệnh tật, tuổi già hoặc trong thời kỳ thai sản và mất việc làm. Trong những năm gần đây, chế độ về BHYT và y tế dần được tiếp cận với những người làm nông, giới nghệ nhân, ngư dân, người giúp việc và lao động tự do.
Một nỗ lực đáng chú ý khác của các quốc gia Châu Phi, đó là phát triển hệ thống BH thất nghiệp. Giờ đây, nó không chỉ còn là một hệ thống cung cấp các khoản bồi thường, mà còn được coi là một công cụ giúp ổn định nền kinh tế. BH thất nghiệp là điều cần thiết cho chính sách việc làm và khôi phục hệ thống đào tạo nghề, đồng thời cũng là một phương tiện hỗ trợ gắn kết xã hội và tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, một số quốc gia như Algeria, Mauritius, Ma Rốc và Nam Phi đã thực hiện các chương trình bảo trợ thất nghiệp. Gần đây, hệ thống BH thất nghiệp cũng được thành lập ở Cabo Verde vào năm 2016.
Thách thức trong quản lý
Khả năng quản lý là yếu tố quan trọng đối với hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội ở các quốc gia trên khắp Châu Phi. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức về việc thiết lập chính sách sao cho phù hợp.
Tại Châu Phi, tỷ lệ việc làm ở những khu vực phi chính thức và hình thức làm việc phi tiêu chuẩn ngày càng tăng một phần là do điều kiện của nền kinh tế số. Điều này dẫn tới tỷ lệ người dân làm việc trong môi trường lao động không được đảm bảo bởi các thỏa thuận an sinh xã hội cũng tăng lên đáng kể. Thực tiễn đó sẽ càng làm trầm trọng hơn điều kiện vốn đã phức tạp tại châu lục này.
Trong nỗ lực mở rộng bảo trợ an sinh xã hội cho các nhóm công dân khác nhau, nhiều quốc gia đang tăng cường mở rộng những chương trình bảo hiểm xã hội với các hình thức bảo hiểm tự nguyện. Chính điều này đã vô tình gây khó khăn cho tổ chức quản lý trong việc minh bạch các khoản đóng góp do không có bất cứ một cơ sở pháp lý nào.
Bên cạnh đó, những yếu tố như thu nhập không ổn định hoặc công việc theo mùa vụ cũng khiến cho việc áp dụng các quy tắc bảo hiểm bắt buộc đối với những người theo hình thức bảo hiểm tự nguyện trở nên khó khăn và đôi khi xa rời thực tế.
Có thể nói, trong nhiều thập kỷ qua, phạm vi áp dụng pháp luật đối với công tác bảo trợ xã hội đã được mở rộng đáng kể tại châu Phi. Tuy nhiên, tỷ lệ hiệu quả vẫn còn thấp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và thị trường lao động phi chính thức. Trong tương lai, nỗ lực từ chính phủ giống như hiện giờ cần được duy trì, phát huy mạnh mẽ hơn nữa để hệ thống an sinh xã hội của châu lục đạt được những kết quả như mong muốn.
Trịnh Thị Ngọc Quỳnh