Xây dựng hệ thống an sinh xã hội thích ứng với các tình huống khẩn cấp
Trong khuôn khổ Hội nghị ASSA 38 với chủ đề “Bảo trợ xã hội trước những thách thức từ số hóa và bất ổn kinh tế” tổ chức sáng 25/11, đã diễn ra Phiên Hội thảo 1: “Covid-19 và Bất ổn kinh tế: Tác động và các phản hồi về chính sách”.
Tăng độ bao phủ các chính sách an sinh
Trong bài tham luận về Covid-19 và sự trỗi dậy của “bảo trợ xã hội thích ứng”, ông Achim Schmillen- Trưởng Chương trình Quốc gia về Phát triển con người (Ngân hàng Thế giới tại Indonesia) cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực trong việc xóa đói, giảm nghèo tại khu vực ASEAN. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tỷ lệ nghèo tăng lên tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài đói nghèo, thị trường lao động và các vấn đề về an sinh xã hội (ASXH) như giáo dục cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Achim Schmillen nêu các khuyến nghị của WB tại Phiên Hội thảo 1
Tại Indonesia, tỷ lệ đói nghèo tăng lên đáng kể. Tính đến tháng 9/2020, quốc gia này có tới 2,8 triệu người rơi vào tình trạng đói nghèo, chiếm tỷ lệ 10,2% và đến tháng 3/2021 tăng lên 10,14%. “Dịch bệnh và thiên tai kết hợp với nhau đã ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của người dân. Đòi hỏi các quốc gia cần có hệ thống ASXH có khả năng thích ứng với mọi tình huống. Qua đó, có thể giúp đỡ và bảo vệ người dân trong thời gian dài hạn”- ông Achim Schmillen nhấn mạnh.
Cũng theo ông Achim Schmillen, hiện nay, các quốc gia Châu Á đã hỗ trợ cho khoảng 40% hộ gia đình có thu nhập thấp để hồi phục. Thực tế, hệ thống ASXH ở mỗi quốc gia đều có cấu trúc và các cách ứng phó với rủi ro khác nhau. Trong năm 2020, một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á-Mê Kông chưa bị ảnh hưởng nhiều song đã có nhiều chính sách quan trọng, nhưng bước sang năm 2021 lại rơi vào khủng hoảng. Điều này cho thấy những khoảng trống trong hệ thống ASXH như: Độ bao phủ của các chính sách chưa cao; năng lực, dữ liệu và sự kết nối giữa các cơ quan hỗ trợ chưa thực sự tốt…
Từ những thực tế trên, đại diện WB tại Indonesia khuyến nghị 4 giải pháp, trong đó ưu tiên trước mắt của các tổ chức ASXH trong khu vực hiện nay là tăng độ bao phủ thông qua các kênh nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận và tham gia. Tiếp đến là nâng cao năng lực của tổ chức với việc tăng cường ứng dụng CNTT; phát hiện và khoanh vùng các nhóm đối tượng tiềm năng để khai thác hiệu quả. Cuối cùng, cần hỗ trợ cho nhóm đối tượng lao động tự do, phi chính thức thích nghi sau cú sốc rủi ro và có thể tham gia vào hệ thống an sinh.
Phát triển kinh tế gắn với ASXH
Trong khi đó, ông Muhammad Cholifihani- Giám đốc về Nhân khẩu và Nhân lực (Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia) cho biết, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và tình hình việc làm tại Indonesia, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên đáng kể. Năm 2020, tỷ thất nghiệp đã tăng lên 7% so với 5% của năm 2019. Bên cạnh đó, nền kinh tế của Indonesia cũng đã bị suy thoái trong một số thời điểm của năm 2021. “Đến nay, nền kinh tế của chúng tôi đã có sự tăng trưởng và hy vọng trong năm 2022 sẽ hồi phục tốt hơn”- ông Muhammad Cholifihani nói.
Ông Muhammad Cholifihani chia sẻ kinh nghiệm của Indonesia
Theo ông Muhammad Cholifihani, Indonesia đặt mục tiêu đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 5,2-5,5% và tỷ lệ thất nghiệp được kiểm soát trong khoảng 5,5-6,3%. Để đạt được những mục tiêu trên, Indonesia sẽ tập trung vào việc tăng năng suất lao động và phân phối các nguồn lực. Liên quan đến chính sách việc làm, sẽ duy trì mức tiêu dùng trong thị trường, đẩy nhanh hỗ trợ cho người nghèo và đối tượng bị tổn thương thông qua trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó, Indonesia cũng chú trọng vào việc xây dựng lực lượng lao động có chất lượng tốt và năng suất cao thông qua xây dựng thị trường lao động gắn với đào tạo nghề, nâng cao năng lực cho NLĐ.
Ông Muhammad Cholifihanii chia sẻ thêm, phát triển kinh tế luôn gắn bó với hệ thống ASXH bền vững. Vì vậy, thời gian qua, Indonesia đã chi một khoản tiền lớn cho chương trình phát triển ASXH, con số này lên tới hơn 700 nghìn tỷ đồng Rupiah (tiền Indonesia) vào năm ngoái. “Chúng tôi đã ra quy định của Tổng thống năm 2020 trong việc điều chỉnh một số chương trình như mức đóng liên quan đến BH TNLĐ-BNN, hưu trí; cũng như một số chế độ khác. Cũng có từng đợt hỗ trợ tiền lương cho đối tượng khó khăn và chúng tôi đang triển khai chương trình tìm việc làm- đây là chương trình nâng cao tay nghề cho NLĐ...”- ông Muhammad Cholifihani nói.
Về kế hoạch xây dựng hệ thống ASXH trong thời gian tới, ông Muhammad Cholifihani cho rằng, hiện nay, Indonesia đang tiến hành cải cách nhiều khía cạnh ASXH. Trong đó bao gồm: Tập trung xây dựng CSDL về ASXH; thu thập dữ liệu dân số; xây dựng chương trình ASXH thích ứng; số hóa các kênh phân phối thực hiện chính sách; thực hiện thanh toán điện tử; xây dựng cơ chế khác để chi trả chính sách chế độ; cải cách cơ chế tài chính… với mục tiêu ASXH toàn dân vào năm 2024. “Đây là mục tiêu trung hạn của chúng tôi. Chúng tôi sẽ hỗ trợ nhiều đối tượng, người gặp thiên tai, HIV, người dễ tổn thương như về tiền điện, gas, nhu cầu thiếu yếu khác. Ngoài ra, còn có chương trình hỗ trợ có điều kiện cho người cao tuổi và người khuyết tật…”- ông Muhammad Cholifihani cho biết thêm.
Hướng tới hệ thống an sinh bền vững
Chia sẻ về tác động của dịch Covid-19 và chương trình hỗ trợ tại khu vực Đông Nam Á, bà Mega Irena- Ban Thư ký ASEAN cho biết, tháng 5/2020, các Bộ trưởng ASEAN đã họp đánh giá và cam kết hỗ trợ cho người dân có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhất là lao động thất nghiệp và lao động di cư. Tuy nhiên, việc hỗ trợ những đối tượng này cũng gặp nhiều khó khăn, bởi không thể tiếp cận do họ đã di cư về quê. Bên cạnh đó, các nhu cầu như nhà ở hay sinh sống trong khu vực giãn cách cũng là những vấn đề cần quan tâm hỗ trợ...
Bà Mega Irena nhấn mạnh cam kết tăng cường ASXH của ASEAN
“Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân trong khu vực, nhất là làm tăng sự bất bình đẳng và đói nghèo tại khu vực đô thị. Các ngành bị ảnh hưởng lớn tại ASEAN như du lịch, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ… đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Vì vậy, các chương trình hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương là giải pháp vô cùng quan trọng để giúp họ có thể phục hồi”- bà Mega Irena nhận định.
Cũng theo bà Mega Irena, thời gian qua, chương trình phục hồi của ASEAN đã cung cấp các chiến lược toàn diện liên quan đến 5 vấn đề chính gồm: Y tế, ASXH, kinh tế, chuyển đổi số, tương lai bền vững. Trong đó, những sáng kiến như bảo trợ xã hội cho người nghèo, phụ nữ…, nhất là bảo vệ phụ nữ cao tuổi dưới sự điều phối của Việt Nam, hay như xây dựng năng lực về mở rộng ASXH cho lao động khu vực phi chính thức đã cho những phản hồi rất tích cực trong khu vực.
“ASEAN có sự cam kết tăng cường ASXH, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Để ứng phó với thách thức và khủng hoảng, thì chúng ta cũng đã thông qua khung phục hồi của khu vực và đã có sự bảo trợ tốt hơn trong khu vực. Mỗi quốc gia có một định nghĩa khác nhau về ASXH, nhưng chúng ta sẽ phải xây dựng hệ thống này tốt hơn nữa để đáp ứng nhu cầu cho người dân. Tuy nhiên, ASXH là quyền cơ bản của con người, nên các chương trình phục hồi cũng như hệ thống ASXH của mỗi quốc gia cần có sự phát triển bền vững”- bà Mega Irena nhấn mạnh.
Thanh Hằng