Tiếp tục nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ thành quả chống dịch
Ngày 29/11, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng- Trưởng Tiểu ban Truyền thông (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19) đã ký ban hành Kế hoạch số 33/KH-TBTT về truyền thông phòng chống dịch Covid-19, với thông điệp “Cảnh giác, chủ động bảo vệ thành quả chống dịch”.
Theo nhận định của Chính phủ, sau hơn một tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Đi kèm với đó, tâm thế và nhận thức của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, của người dân và DN đã được nâng lên, vừa đảm bảo cuộc sống hoạt động ở trạng thái bình thường mới, không chủ quan lơ là với dịch bệnh, vừa từng bước khôi phục và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, số ca nhiễm mới trong cộng đồng đang có dấu hiệu tăng lên ở hầu hết các địa phương; tình hình biến chủng mới xuất hiện trên thế giới có thể có diễn biến phức tạp, đã gây tâm lý lo ngại, người dân một số nơi lại có biểu hiện chủ quan, lơ là. Điều đó đặt ra áp lực đối với các cơ quan thường trực phòng chống dịch và các cơ quan truyền thông phải tiếp tục tuyên truyền để thống nhất nhận thức đối với toàn xã hội.
Vì vậy, theo Kế hoạch của Tiểu ban Truyền thông, Bộ Y tế- cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cần chủ động cung cấp thông tin về những diễn biến mới, kèm theo những lý giải, phân tích giữa tình hình dịch bệnh trong nước và tình hình dịch bệnh trên thế giới để người dân có cái nhìn tổng thể về mức độ kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam, cũng như chuẩn bị tâm thế để ứng phó với những diễn biến mới trong thời gian tới, đặc biệt là những thông tin nhạy cảm đối với xã hội khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn (sự cố khi tiêm chủng xảy ra sốc phản vệ với cả người lớn và trẻ em, tai biến nặng sau tiêm...). Theo đó, Bộ Y tế chủ động có thông tin kịp thời để dư luận không hoang mang, không gây tâm lý tiêu cực; đồng thời theo dõi sát và chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ở các địa phương thông tin để người dân hiểu và không hoang mang.
Song song với đó, các cơ quan báo chí cần tiếp tục truyền thông sâu rộng quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để cài đặt thói quen “bình thường mới” vào tiềm thức hàng ngày của từng người. “Bình thường mới” nghĩa là tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nhưng cũng không hoảng hốt, lo sợ, mất bình tĩnh trước diễn biến dịch bệnh.
Đặc biệt, truyền thông nhấn mạnh đánh giá cấp độ dịch để xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án phòng chống dịch theo hướng ở quy mô càng nhỏ càng tốt, đánh giá tới cụm dân cư, từng khu dân cư... Khi đó, các biện pháp ngăn chặn dịch hiệu quả hơn mà không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, sự phát triển kinh tế-xã hội trên diện rộng. Việc sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng với hơn 75% người dân được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, sẽ thay đổi tiêu chí đánh giá dịch theo hướng đánh giá tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong, tình hình đáp ứng thu dung, điều trị bệnh nhân mà không đặt nặng về số ca mắc mới.
Đồng thời, truyền thông thống nhất nhận thức thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phải dựa trên nguyên tắc 5K + vắc-xin, thuốc + biện pháp điều trị phù hợp + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác (Đông-Tây y, phối hợp chặt chẽ người dân với chính quyền, DN...); các biện pháp hành chính, an sinh xã hội và đi lại của người dân áp dụng thống nhất tương ứng với cấp độ dịch của từng vùng.
Báo chí, truyền thông cần thận trọng khi thông tin về “sự cố” tiêm vắc-xin phòng Covid-19, trong khi chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn, thông tin theo nguồn tin chính thức từ cơ quan chức năng có thẩm quyền địa phương và Bộ Y tế. Đặc biệt, không bình luận, khai thác mở rộng làm nóng vấn đề, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm chủng.
Sau một thời gian được kiểm soát, khống chế, hiện số ca nhiễm mới xuất hiện trong cộng đồng tăng cao. Do chưa có các chính sách và giải pháp thống nhất, nên các địa phương còn lúng túng, không biết phải triển khai như thế nào mới gọi là “thích ứng an toàn”. Do đó, các cơ quan báo chí cần chủ động truyền thông về việc xuất hiện biến thể mới của Covid-19 (B.1.1.529 có tên là Omicron) ở nhiều nước Châu Âu (Anh, Đức, Italia, Hà Lan...) để nâng cao cảnh giác.
Bên cạnh đó, tuyên truyền thống nhất việc triển khai ứng dụng PC-Covid, ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ khai báo y tế và kiểm soát đi lại giữa các địa phương để người dân di chuyển thuận lợi, không để ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Liên quan diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, WHO đã cảnh báo các quốc gia Đông Nam Á không nên buông lỏng ý thức phòng chống dịch; đồng thời nhấn mạnh một số quốc gia có thể phải “đóng cửa trở lại” nếu không cùng nhau kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
B.Nguyên