Những ngày không quên…
Dằn lòng gửi con thơ ở nhà với ông bà để làm “3 tại chỗ”; cả ngày lẫn đêm vùi mình với những hồ sơ, con số, thậm chí “gạt” F0 qua một bên để mà làm… Tất cả chỉ cốt sao cho kịp tiến độ, để NLĐ nhận được tiền hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP được sớm nhất, nhanh nhất. Đó là những ngày chẳng bao giờ quên đối với nhiều CCVC ngành BHXH.
Gác chuyện gia đình lo việc chung
Đã hơn một tháng kể từ ngày triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP, chị Lê Thị Triêm- chuyên viên BHXH TX.Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) gần như phải “lơ” luôn chuyện gia đình để tập trung thực hiện nhiệm vụ. Cả ngày sấp mặt với công việc, vậy mà tối nào chị cũng phải làm thêm đến 9-10 giờ đêm mới về đến nhà- cách cơ quan 12 cây số. Đợt cao điểm, chị Triêm đăng ký làm việc “3 tại chỗ”, nên hầu như xử lý công việc triền miên cả tuần lễ…
Những ngày nghỉ cuối tuần, chị Lê Thị Triêm vẫn đến cơ quan xử lý hồ sơ cho kịp tiến độ
Ngày nghỉ cuối tuần, nhìn bên ngoài, trụ sở BHXH TX.Phú Mỹ có vẻ yên tĩnh, nhưng bên trong, từ Ban Giám đốc đến từng viên chức đều tất tả với công việc. Mọi nhịp sinh hoạt của đơn vị gần như đảo lộn, tất cả chỉ biết “cắm đầu” vào việc. Vừa rà số liệu, chị Triêm vừa tranh thủ kể chuyện: “Tuần nào cũng “cày” thêm thứ Bảy, Chủ nhật anh ạ. Còn làm ngoài giờ là chuyện thường; ngày kết thúc công việc về đến nhà thường cũng 9-10 giờ đêm. Tranh thủ tắm rửa, ăn uống, chơi với con chút (chị Triêm có 2 con nhỏ, một bé 5 tuổi và một bé 3 tuổi), rồi lại lao vào xử lý công việc đang dang dở. “Hồi đầu tháng 11, khi mới triển khai nên việc quá nhiều, hồ sơ “tầng tầng lớp lớp”. Ban Giám đốc phát động phong trào thi đua. Em xung phong ở lại làm đêm, xác định “cắm chốt” 24/24 ở cơ quan. Cũng may, em còn có ông bà nội các bé ở chung phụ giúp cơm nước, chăm lo con cái cả ngày, rồi giờ lo luôn cả đêm. Chứ nếu không khó mà chu toàn…”- chị Triêm cho biết.
Chị Triêm cho biết thêm, trong gia đình nhiều khi cũng căng thẳng. Bố mẹ chồng hỏi sao làm nhà nước mà làm khuya vậy, lại còn ở cả đêm nữa?... Những lúc như thế, chị lại phải giải thích cho các cụ và chồng hiểu công việc và cảm thông. “Cảm thông đó, rồi lại căng, vì áp lực công việc gia đình, rồi chồng lại tiếp tục hỏi. Giải thích hoài, nhiều lúc chán, em cũng thôi kệ”- chị Triêm chia sẻ. Cũng theo chị Triêm, mỗi khi chứng kiến cảnh NLĐ chụp màn hình tin nhắn điện thoại thông báo tin vui khi nhận được khoản tiền hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp, chị lại thấy như vơi đi phần nào nỗi cực nhọc.
“Căng như dây đàn”
Trò chuyện với phóng viên Tạp chí BHXH, ông Nguyễn Viết Dương- Giám đốc BHXH TX.Phú Mỹ cho biết, chuyện của chị Triêm cũng chính là tình cảnh chung của toàn thể CCVC trong đơn vị. Bởi, những tháng ngày qua thực sự là khoảng thời gian áp lực khủng khiếp. “BHXH TX.Phú Mỹ có 21 nhân sự, nhưng đang là địa phương được giao số thu cao nhất tỉnh với hơn 900 tỷ đồng. Cả tỉnh có 14 KCX-KCN, thì riêng TX.Phú Mỹ có 11 khu. Chính vì vậy, số lượng NLĐ cần được giải quyết hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp rất lớn, với khoảng 35.000 NLĐ đang làm việc và khoảng 15.000 NLĐ đang bảo lưu thời gian tham gia BH thất nghiệp”- ông Dương thông tin.
Cũng theo ông Dương, công việc chuyên môn đã rất nặng nề, nay lại “choàng” thêm công việc phát sinh theo Nghị quyết 116, nên áp lực càng nhân lên. Chính vì vậy, BHXH TX.Phú Mỹ đã phát động phong trào thi đua làm thêm giờ, động viên anh em nỗ lực vì công việc. “Đa phần tăng ca từ 5-8 giờ theo tiêu chí bắt buộc, hơn một nửa nhân sự còn lại (khoảng hơn 10 người) đăng ký làm đêm theo mô hình “3 tại chỗ”. Gần 2 tháng qua là giai đoạn người nào cũng mất ngủ triền miên…”- ông Dương nói thêm.
Ông Trịnh Sơn Hồng- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cho biết, chuyện áp lực như ở BHXH TX.Phú Mỹ hầu như phổ biến trong toàn tỉnh. Trong tháng 10 và tháng 11, hầu hết CCVC thuộc BHXH tỉnh phải nỗ lực làm việc hết công suất, thậm chí phải làm thêm vào ban đêm. “Tính đến ngày 19/11/2021, BHXH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chi hỗ trợ cho 171.410 NLĐ, với số tiền hơn 416 tỷ đồng; hoàn thành giảm đóng vào quỹ BH thất nghiệp cho 4.997 đơn vị với số tiền hơn 12 tỷ đồng…”- ông Hồng cho biết.
Lo bài toán nhân sự
“Đợt vừa rồi, nhiều anh em quá mệt mỏi tâm sự rằng dù yêu nghề nhưng cứ làm thế này kéo dài chắc chịu không nổi…”- ông Nguyễn Viết Dương bộc bạch. Theo ông Dương, tiềm năng phát triển BHXH bắt buộc và tự nguyện ở TX.Phú Mỹ còn nhiều, nhưng để phát huy hiệu quả, phải cần thêm khoảng 10 nhân sự nữa.
NLĐ làm thủ tục nhận hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp tại BHXH TX.Phú Mỹ
Đã nhiều năm gắn bó với BHXH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hơn ai hết, ông Phạm Ngọc Sơn- Giám đốc BHXH tỉnh thấu hiểu những khó khăn mà đơn vị đang đối diện. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí BHXH, ông Sơn cho hay: “Căng lắm em à, Bà Rịa-Vũng Tàu là tâm dịch, nên vừa xử lý công việc, vừa hồi hộp từng ngày lo anh em dính F0. Nhân sự ít nên động viên anh chị em cùng nhau nỗ lực là chính”.
Hiểu rõ những khó khăn, trở ngại, nên trong thời gian qua, lãnh đạo BHXH tỉnh thường xuyên bám sát, quan tâm cả về nghiệp vụ lẫn đời sống tinh thần của các CCVC trong suốt giai đoạn xử lý hồ sơ 116. Những giải pháp giảm tải công việc, những sự động viên khích lệ đã được triển khai kịp thời. Tuy nhiên, điều mà Giám đốc Phạm Ngọc Sơn rất lo chính là một số nơi thiếu hụt nhân sự, nên dẫn đến quá tải công việc.
Đơn cử, BHXH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hay BHXH TX.Phú Mỹ… đa phần CCVC là người ở TP.Vũng Tàu, hàng ngày đi về cả trăm cây số nên rất vất vả. Năm 2018, BHXH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 257 biên chế, thì đến năm 2020 giảm còn 250 biên chế và năm 2021 chỉ còn 216 biên chế. Chính vì vậy, số CCVC thiếu so với chỉ tiêu được giao gần như năm nào cũng lên đến vài chục người. Điều lo lắng nữa, đó là số anh em nghỉ việc, chuyển việc có xu hướng tăng những năm gần đây. Chỉ riêng từ đầu năm 2021 đến nay đã có 13 người rời khỏi hệ thống BHXH tỉnh, trong đó có 8 người bỏ việc.
Thế nhưng, điều dễ nhận thấy, dù còn đó những khó khăn, trở ngại, thì “phía trước vẫn là bầu trời”, mọi vướng mắc đều có thể gỡ từng bước. Đến nay, toàn hệ thống BHXH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn đang rất quyết tâm, nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2021.
Phạm Thọ