Print

Công ty Speak UP (TP.HCM): Trốn đóng, “giam” sổ BHXH của NLĐ

Thứ Sáu, 10 /12/2021 21:25

“NLĐ nghỉ việc đã hàng năm trời nhưng vẫn chưa được thanh toán tiền lương; cũng không được chốt và trả sổ BHXH để làm thủ tục hưởng các chế độ như BH thất nghiệp, hoặc cộng nối thời gian để tham gia ở công ty mới…”- Đó là phản ánh của nhiều NLĐ từng làm việc tại Công ty Speak UP- một trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn TP.HCM.

NLĐ kêu cứu

Anh Nguyễn Kim Phúc từng là giáo viên tại Công ty Speak UP cho biết: “Tôi bắt đầu làm việc tại Speak UP (cơ sở quận 2) từ ngày 18/11/2019. Trong suốt thời gian làm việc đều hoàn thành tốt tất cả nhiệm vụ giảng dạy và các công việc khác được giao. Đến giữa năm 2020, Speak UP liên tục có những hành động như nợ lương, chia nhỏ phần lương để thanh toán. Thậm chí, Công ty còn “dời” luôn ngày thanh toán khoản lương đã chia, nhưng đến ngày “hứa trả” lại tiếp tục “dời”. Bức xúc khi cứ liên tục nhận được email “dời” như vậy thay vì trả lương vào ngày thanh toán, đã có rất nhiều nhân viên nghỉ việc”.

Anh Phúc cùng các đồng nghiệp yêu cầu Công ty Speak UP trả nợ lương và BHXH

Theo anh Phúc, anh cũng đã làm đơn xin nghỉ việc và phía Công ty Speak UP đã phê duyệt cho anh nghỉ việc vào ngày 12/11/2020. Vào thời điểm này, Công ty Speak UP đang còn nợ lương và chưa chốt sổ BHXH cho rất nhiều nhân viên. Anh Phúc đã nói chuyện trực tiếp với bà Võ Trần Như Trang- Trưởng phòng Nhân sự, yêu cầu Công ty Speak UP phải thanh toán lương và chốt sổ BHXH theo đúng quy định pháp luật và được bà Trang hẹn 6 tháng sau sẽ chốt sổ BHXH và thanh toán dần khoản nợ lương.

“Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại- tức là tròn một năm sau khi tôi nghỉ việc, Công ty Speak UP vẫn chưa thanh toán tiền lương và chốt sổ BHXH. Đến lần hẹn thứ 5 vừa qua, Công ty “dời” hẳn việc chốt sổ BHXH sang tháng 1/2022. Trong tình cảnh dịch COVID-19, chúng tôi đã rất khó khăn, lại vừa bị nợ lương, lại vừa không được chốt sổ BHXH, nên không thể đi làm thủ tục nhận trợ cấp BH thất nghiệp”- anh Phúc bức xúc cho biết.

Dù chây ỳ nợ lương và BHXH, nhưng theo phản ánh của NLĐ, cách trả lời của Công ty Speak UP về vấn đề này rất dễ gây thêm bức xúc cho họ. Cụ thể, theo một nội dung email của Công ty gửi NLĐ cho rằng: “Cách duy nhất để đẩy nhanh việc thanh toán lương còn nợ, chốt sổ BHXH là Công ty cần phải tăng doanh thu, có lợi nhuận. Viết đánh giá xấu, nhờ HS cũ gửi email, khiếu nại với Phòng Lao động yêu cầu ngày thanh toán, hoặc kiện Công ty sẽ không giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện”. “Phía Công ty còn cho rằng, để có thể sớm hoàn thành nghĩa vụ, NLĐ có thể giới thiệu học viên hoặc… cầu nguyện cho Công ty sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này”- anh Phúc bức xúc khi nói về một email do Công ty gửi cho NLĐ.

Tương tự, nhiều trường hợp khác như chị Hà Quỳnh Lâm, chị Huỳnh Thảo Nguyên… cũng bức xúc cho biết, từ khi nghỉ việc đến nay, các chị vẫn chưa được Công ty Speak UP trả lương, chốt sổ BHXH. Theo anh Phúc, hiện tại, công ty này đang nợ lương và BHXH của rất nhiều anh chị em khác, có người số tiền lương bị nợ lên đến hơn 60 triệu đồng. Họ đã rất cố gắng khiếu nại đòi quyền lợi, nhưng vì diễn biến dịch phức tạp nên vẫn chưa được giải quyết.

Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc

Trước những dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Speak UP, phóng viên Tạp chí BHXH đã liên hệ với các ngành chức năng để làm rõ. Theo ông Huỳnh Văn Trung- Phó Giám đốc BHXH TP.Thủ Đức, Công ty Speak UP không đăng ký và không khai báo đóng BHXH cho NLĐ nào tại TP.Thủ Đức. “Đối với các Chi nhánh và VPĐD, BHXH TP.Thủ Đức thường xuyên rà soát, kiểm tra việc khai báo đóng BHXH cho NLĐ. Tuy nhiên, có DN đóng BHXH tại Chi nhánh, cũng có DN đóng BHXH tại trụ sở chính”- ông Trung thông tin.

Còn theo Sở KH-ĐT TP.HCM, Công ty Speak UP được cấp phép thành lập vào tháng 1/2016, do ông Thomas là người đại diện pháp luật, với vốn điều lệ 500 triệu đồng; địa chỉ đăng ký hoạt động tại đường Cao Thắng (quận 3). Tuy nhiên, khi phóng viên tìm đến địa chỉ này thì không thấy DN nào hoạt động tại đây.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hồng Thảo- Giám đốc BHXH quận 3 cho biết: “Từ tháng 9/2019, Công ty Speak UP bắt đầu nợ BHXH, BHYT của NLĐ. BHXH quận 3 thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý, nhưng Công ty vẫn không thực hiện. Đến năm 2021, tình hình dịch bệnh căng thẳng, Công ty tiếp tục chây ỳ và đến nay Công ty đang còn nợ BHXH 4,7 tỷ đồng”.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, trường hợp của anh Nguyễn Kim Phúc, Công ty Speak UP có khai báo lao động nhưng lại không đóng BHXH ngày nào, nên BHXH quận 3 không có căn cứ để chốt sổ BHXH. Còn trường hợp chị Nguyên làm việc từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2020, nên BHXH quận 3 có thể chốt sổ BHXH cho chị từ tháng 12/2018 đến tháng 9/2019 (thời điểm Công ty ngừng đóng)…

Trong quá trình tìm hiểu, phóng viên tiếp tục phát hiện những bất thường rất đáng lưu tâm, mà các cơ quan chức năng cần làm rõ. Cụ thể, Công ty TNHH Speak UP Việt Nam (địa chỉ tại số 112 Cao Thắng, quận 3) đang là pháp nhân nợ BHXH, BHYT của NLĐ lên đến 4,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 2/2021, phía Công ty này lại thành lập một pháp nhân mới với tên Công ty TNHH Speak UP EDUCATION (Công ty mới có mã số thuế và người đại diện pháp luật là bà Võ Trần Như Trang- cũng chính là Trưởng phòng Nhân sự của Công ty cũ). Công ty mới có địa chỉ tại đường Tôn Thất Tùng (quận 1, TP.HCM) tiếp tục tuyển sinh và vẫn hoạt động bình thường, còn pháp nhân cũ (đang nợ BHXH của hàng loạt NLĐ) gần như “án binh bất động”.

Để làm rõ câu chuyện nợ lương và BHXH mà NLĐ phản ánh, phóng viên Tạp chí BHXH cũng đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Công ty Speak UP. Tuy nhiên, văn phòng đóng cửa, các số điện thoại đều có chuông reo, nhưng không ai nghe máy.

Theo Luật sư Nguyễn Giang Nam (TP.HCM), Khoản 5 Điều 21 Luật BHXH năm 2014 quy định, chủ SDLĐ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho NLĐ, xác nhận thời gian đóng BHXH khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ. Vì vậy, NLĐ có thể phản ánh, khiếu nại đến Thanh tra BHXH hoặc Thanh tra Sở LĐ-TB&XH để được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật BHXH.

Phạm Thọ