Print

Thuốc chống đông máu: Không phải cứ mắc Covid-19 là dùng

Thứ Sáu, 21 /01/2022 20:12

Hiện nay, số lượng bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng. Việc chúng ta đã phủ sóng tiêm vắc-xin mũi 1 và mũi 2 cho trên 98% dân số đã giúp cho số lượng bệnh nhân trở nặng giảm xuống. Tuy nhiên, việc quản lý ca nhiễm Covid-19 tại nhà là điều cần thiết.

Trong số các thuốc cơ bản điều trị nhiễm Covid-19 có nhóm thuốc chống đông máu. Cơ chế hình thành huyết khối gây đông máu là do sự phối hợp của 3 yếu tố gồm: Tổn thương nội mô, rối loạn quá trình đông máu, ứ trệ tuần hoàn. Bệnh Covid-19 lại đồng thời tác động đến cả 3 cơ chế gây huyết khối này. Vì vậy, hiện nay, trong phác đồ điều trị Covid-19, cần lưu ý đến dự phòng và điều trị huyết khối cho bệnh nhân bằng các thuốc chống đông máu.

Thuốc chống đông máu là một nhóm dược lý có tác dụng để ngăn ngừa sự hình thành và phát triển các cục máu đông, từ đó phòng tránh nguy cơ đau tim, đột quỵ và các hậu quả khác do đông máu gây ra. Các thuốc chống đông máu được sử dụng trong điều trị một số loại bệnh về tim và các tình trạng làm tăng nguy cơ tạo thành các cục máu đông nguy hiểm.

Tuy nhiên, chúng ta cần biết, đông máu không phải lúc nào cũng là một hiện tượng xấu. Khi bạn bị đứt tay, chảy máu cam… đông máu giúp bịt kín vết thương, hạn chế mất máu. Vì vậy, khi dùng thuốc chống đông máu, cần biết một số thông tin cơ bản sau:

Hiện nay, có 3 nhóm thuốc chống đông máu chính được sử dụng trong điều trị và phòng ngừa các bệnh do đông máu gây ra:

+ Nhóm các Heparin có thể gây ra tác dụng nhanh hoặc chậm tùy vào trọng lượng phân tử của thuốc. Với khả năng tạo ra tác dụng nhanh chóng, các thuốc chống đông máu nhóm Heparin được dùng trong điều trị và dự phòng các bệnh như thuyên tắc phổi, chạy thận nhân tạo, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và hội chứng mạch vành cấp. Cần lưu ý, các thuốc chống đông máu nhóm Heparin được dùng với đường tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch và không được tiêm bắp.

+ Wafarin và các thuốc chống đông máu kháng vitamin K là nhóm các thuốc chống đông máu ngăn chặn gián tiếp chu trình đông máu bằng cách cạnh tranh với vitamin K, ngăn cản quá trình tổng hợp một số yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K ở gan. Các thuốc chống đông máu kháng vitamin K được dùng đường uống, hấp thu nhanh qua niêm mạc ruột, tuy nhiên thuốc có tác dụng chậm và tăng dần theo thời gian (sau 2-5 ngày).

Thuốc chống đông máu kháng vitamin K đặc biệt hiệu quả trên tĩnh mạch, được sử dụng trong điều trị kháng đông máu kéo dài sau khi điều trị bằng Heparin. Thuốc kháng vitamin K có bản chất acid, liên kết mạnh với albumin, do đó có nguy cơ cạnh tranh liên kết albumin trong huyết tương với các thuốc khác, hoặc tác động lên chuyển hóa ở gan, làm tăng nguy cơ chảy máu. Vì vậy, khi sử dụng hết sức lưu ý tương tác bất lợi trong các phác đồ điều trị có nhiều thuốc.

+ Nhóm các thuốc chống kết tập tiểu cầu như Aspirin, Clopidogrel (Plavix), Dipyridamole (Persantine), Prasugrel (Effient), Ticagrelor (Brilinta), Vorapaxar (Zontivity) ngăn cản các tiểu cầu kết tập tạo ra các nút tiểu cầu dẫn tới hình thành cục máu đông. Các thuốc chống kết tập tiểu cầu được sử dụng trong sơ cứu cầm máu, phòng ngừa huyết khối ở những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, hội chứng mạch vành cấp, đau thắt ngực.

Việc hình thành cục máu đông hay huyết khối trong tim và não rất nguy hiểm, vì có thể gây ra đau tim hoặc đột quỵ và các biến chứng nguy hiểm khác. Việc sử dụng các thuốc chống đông máu sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Tuy nhiên, cần sử dụng hết sức thận trọng, chọn lựa từng loại thuốc phù hợp với thể trạng bệnh nhân và chỉ sử dụng khi có chỉ định của thầy thuốc trên cơ sở cân nhắc lợi ích/nguy cơ và các thuốc dùng cùng lúc.

Khi dùng thuốc chống đông máu, nguy cơ chảy máu nhiều hơn, nếu người bệnh bị những vết cắt nhỏ hoặc vết bầm tím, thậm chí có thể bị chảy máu bên trong nếu bị tai nạn ngã hoặc đập đầu. Trong khi sử dụng thuốc chống đông máu, nên hết sức cẩn thận khi tham gia các hoạt động va chạm, dễ gây thương tích. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu chảy máu bất thường nào, như kinh nguyệt nhiều hơn bình thường, có máu trong nước tiểu hoặc phân, chảy máu lợi hoặc chảy máu mũi, nôn mửa hoặc ho ra máu, chóng mặt, đau đầu dữ dội hoặc đau bụng, cần báo ngay với thầy thuốc để xử trí kịp thời. Nếu dùng thuốc chống đông máu kháng kali như Warfarin, người bệnh nên thực hiện xét nghiệm máu thường xuyên để thầy thuốc có thể điều chỉnh liều lượng nếú có các biểu hiện bất thường về máu.

Đối với bệnh nhân Covid-19, việc dùng thuốc chống đông máu cũng phải hết sức thận trọng. Chỉ dùng khi có chỉ định của thầy thuốc, sau khi cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ; chỉ dùng tại nhà cho bệnh nhân có triệu chứng sớm của suy hô hấp.

Lưu ý các tương tác của thuốc này với thức ăn, thuốc và các chất khác có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ của thuốc chống đông máu, bao gồm phản ứng dị ứng, rối loạn tiêu hóa, phát ban, rụng tóc, ngứa da, ớn lạnh, viêm mạch máu của bạn, rối loạn gan hoặc túi mật, chảy máu nhiều khi bị thương... Nếu các triệu chứng kéo dài hoặc nghiêm trọng như liên tục đau bụng trong vài ngày, tiêu chảy, sốt cao, người dùng thuốc phải đến BV để có hướng giải quyết ngay.

ThS.Lê Quốc Thịnh