Print

Chuyện thầy Tuấn ở Gò Công Tây

Thứ Bảy, 22 /01/2022 09:03

Tại Hội nghị tổng kết công tác BHXH, BHYT năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Giám đốc BHXH huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) đã thừa ủy quyền Lãnh đạo BHXH Việt Nam trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp BHXH cho thầy Nguyễn Thanh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND huyện, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Bình. Đây là việc làm ý nghĩa, nhằm vinh danh một người hết lòng với sự nghiệp an sinh xã hội.

Hết lòng vì sự nghiệp an sinh

Hồi giữa năm 2016, hay tin cậu học trò cũ Võ Hồng Vinh đương nhiệm Phó Giám đốc BHXH huyện Tân Phú Đông được BHXH tỉnh Tiền Giang điều động về làm Phó Giám đốc phụ trách BHXH huyện Gò Công Tây- nơi chôn nhau cắt rốn, thầy Tuấn trong vai trò lãnh đạo huyện phụ trách văn-xã động viên ngay: “Lưới an sinh huyện nhà còn thủng nhiều chỗ quá, thầy trò mình ráng dệt, ráng khâu cho chắc lại nghen!”.

Ông Võ Hồng Vinh nói, khoảnh khắc tự tay trao Kỷ niệm chương cho thầy giáo cũ là rất đặc biệt

Thời điểm ấy, lưới an sinh còn tập trung nhiều vào chuyện “phủ sóng” BHYT, song Gò Công Tây chỉ tròm trèm 55% dân số huyện tham gia- thấp nhất trong số các địa phương ở Tiền Giang. Trong khi đó, Tân Phú Đông là huyện chính sách (bãi ngang), nên 100% dân số được hỗ trợ tham gia BHYT. Vì vậy, đối với ông Vinh, nhận nhiệm vụ mới “ngán” nhất là cải thiện tỷ lệ bao phủ BHYT. Song, nhận được sự động viên kèm cam kết hỗ trợ hết mình của thầy giáo cũ, ông Vinh thêm tự tin “khăn gói” rời Tân Phú Đông về quê nhà.

“Trông người lại ngẫm đến ta”- trong nhà còn người em gái hoàn cảnh đơn chiếc nên thầy Tuấn đã nhờ học trò cũ tham mưu mức tham gia hợp lý để dành tặng cô em gái. Tâm sự với chúng tôi, thầy Tuấn nói rằng, giờ còn điều kiện, ráng tiết kiệm một chút giúp đỡ em gái tham gia BHXH tự nguyện. “Mai này mình cũng về hưu, dù có lương hưu nhưng cũng không bằng bây giờ, lúc đó muốn giúp em gái cũng khó. Chi bằng giúp em tham gia ngay từ bây giờ. Đến lúc ấy mình có lương hưu, thì em nó cũng có, cuộc sống đỡ lo toan và nhẹ nhàng hơn...”- thầy Tuấn chia sẻ.

Vậy là, 2 thầy trò- người tham mưu chuyên môn, người trực tiếp ý kiến với Huyện ủy và thay mặt UBND huyện ban hành các chỉ đạo trực tiếp đến công tác BHYT trên địa bàn. Không chỉ “kích hoạt” hệ thống cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các xã, thị trấn bằng các văn bản “nặng ký” về trách nhiệm, thầy Tuấn còn đồng hành với cơ quan BHXH trong các cuộc vận động, tuyên truyền ở cơ sở.

“Mình trực tiếp vận động ở cấp xã nhưng chưa ăn thua, nên mình xuống từng ấp luôn. Thầy điều hành các mặt hoạt động văn hóa- xã hội của huyện nên lu bu lắm. Vậy mà, cứ tranh thủ được lúc nào là thầy lại đi cùng mình xuống cơ sở vận động lúc ấy. Còn cấp ủy, chính quyền cơ sở nào có chút thờ ơ với việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, mình “méc” là thầy trực tiếp gọi điện trao đổi, nhắc nhở ngay. Nhờ vậy, cả huyện rào rào vào cuộc, còn người dân thì nghe nhiều hơn, hiểu sâu hơn nên tham gia BHYT với nụ cười, với niềm tin đầy đủ vào chính sách an sinh”- ông Vinh nhớ lại.

Câu chuyện thầy Tuấn và cơ quan BHXH bằng mọi cách dồn sức thực hiện tốt chính sách an sinh ở huyện Gò Công Tây, chẳng bao lâu sau đó đã nhận được sự hiệp sức của cả hệ thống chính trị- xã hội cũng như của cộng đồng. Năm 2018, Gò Công Tây “trở mình” khi tỷ lệ bao phủ BHYT đạt hơn 70% dân số; sang đến năm 2019 vượt ngưỡng 80%; và đến cuối năm 2020 tăng tốc đến 96,9%- đứng thứ 2 trong số các huyện, thị ở Tiền Giang (chỉ sau Tân Phú Đông 100%). “Được tự tay trao Kỷ niệm chương của Ngành vinh danh cống hiến của thầy đối với sự nghiệp an sinh xã hội là khoảnh khắc đặc biệt của mình”- ông Vinh xúc động trải lòng.

Tiếp tục xông pha “mặt trận” BHXH tự nguyện

Vừa “nhẹ thở” với BHYT, toàn ngành BHXH Việt Nam lại mở “mặt trận” BHXH tự nguyện. Lúc này, cả 2 thầy trò lại “hít sâu, thở khỏe” để lấy sức xông pha. Mặc dù BHXH tự nguyện rất mới với người dân, nội dung đính kèm về phương thức tham gia, về quyền lợi... phức tạp hơn BHYT, song bù lại là viễn cảnh tươi sáng về già có lương hưu, nên câu chuyện vận động có phần khó mà cũng có phần thuận lợi.

Thầy Tuấn trao sổ BHXH tự nguyện cho bà con nông dân

“Bà con mình lâu nay vẫn nhìn vào người làm Nhà nước để mà ao ước, giá như mình cũng nhận được lương hưu khi hết tuổi lao động. Có điều, bấy lâu nay ước là ước vậy thôi, chứ đâu cách gì thực hiện. Nay có BHXH tự nguyện rồi, cơ hội nhận lương hưu khi về già dù không làm nhà nước đã tới rồi. Mình thấy mừng cho bà con, mừng cho sự nghiệp an sinh xã hội sau này sẽ bền vững, tốt đẹp hơn. Chỉ cần nghĩ đến viễn cảnh 10- 15 năm tới, bà con mình đa phần có thu nhập ổn định, an toàn khi về già mà không phải nhọc nhằn kiếm bữa ăn qua ngày, còn con cái của họ thì nhẹ lòng, tập trung dốc sức cho các cháu ăn học nên người hữu ích, thì chuyện tiếp tục dốc sức cho “mặt trận” BHXH tự nguyện là hoàn toàn xứng đáng”- thầy Tuấn tâm tình.

Hồi năm 2019, huyện Gò Công Tây “khởi động” thực hiện chính sách BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, cộng đồng dân cư tham gia chưa đáng kể, chủ yếu là lực lượng bán chuyên trách ở cấp xã với sự hỗ trợ của ngân sách tỉnh và huyện. Bước sang năm thứ 2 thực hiện BHXH tự nguyện, số người dân tham gia đã có bước đột phá. Tính đến hết năm 2020, toàn huyện có 1.726 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt hơn 115% chỉ tiêu được UBND huyện giao. Đáng chú ý, mạng lưới đại lý thu ở các xã Bình Phú, Thạnh Nhựt, Đông Thạnh... đạt vượt từ 164% đến 246% chỉ tiêu được giao.

Theo ông Vinh, kết quả phấn khởi về BHXH tự nguyện năm 2020, cũng như kết quả thực hiện BHYT trước đó, mang đậm dấu ấn của thầy Tuấn qua sự ủng hộ cả gián tiếp và trực tiếp. “Năm 2021, BHXH huyện “nối vòng tay lớn” với Hội Nông dân huyện để giúp bà con hội viên Hội Nông dân tiếp cận tham gia BHXH tự nguyện. Và, như mọi khi, thầy Tuấn lại tiếp tục dành thời gian đồng hành với BHXH huyện để giúp đỡ, hỗ trợ, động viên về tinh thần, để trực tiếp chỉ đạo về công việc, sao cho công cuộc dệt lưới an sinh xã hội của huyện nhà gặt hái kết quả như mong muốn”- ông Vinh chia sẻ thêm.

Đăng Khoa-Đỗ Bá