Print

Ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục phát huy thành tựu, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm 2022

Thứ Hai, 10 /01/2022 17:31

Chiều 10/1, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2022. Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam có Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Việt Nam Nguyễn Văn Cường, các Phó Tổng Giám đốc và đại diện các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương; cùng trên 5.000 đại biểu cấp ủy, chính quyền địa phương và BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước...

Bứt phá giữa những khó khăn “chưa từng có tiền lệ”

Chia sẻ những thành tựu đạt được, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, toàn Ngành đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2021, thậm chí nhiều chỉ tiêu cao hơn năm 2020 dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp “chưa từng có tiền lệ”, đặc biệt là các hoạt động hiệu quả đồng hành cùng người dân và DN... Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, tiền đề quan trọng cho thành công chính là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cũng như sự phối hợp, đồng hành của các bộ, ban, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực, quyết liệt hành động để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Đơn cử: Trong điều kiện rất khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng cả nước vẫn có hơn 16,547 triệu người tham gia BHXH, tăng 2,2% so với năm 2020 (đạt 33,77% lực lượng lao động trong độ tuổi); gần 13,4 triệu người tham gia BH thất nghiệp, tăng 0,4% so với năm 2020 (đạt 27,34% lực lượng lao động trong độ tuổi); hơn 88,837 triệu người tham gia BHYT, tăng 0,9% so với năm 2020 (đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số, là một trong 7 chỉ tiêu chủ yếu Chính phủ hoàn thành năm 2021). Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện là một trong những điểm sáng của Ngành, khi cả nước có hơn 1,45 triệu người tham gia, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi- cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã chủ động tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ về BHXH, BH thất nghiệp. Gói hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay (38.000 tỷ đồng), đã được toàn Ngành phát huy lợi thế của hệ thống CNTT, hoàn thành chi trả trước thời hạn.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị

Thành tựu nổi bật nữa là công tác chuyển đổi số của Ngành có bước chuyển mình quan trọng như: Hoàn thiện kho CSDL của hơn 98 triệu dân, là nền tảng CSDL quốc gia về BH, đã được tích hợp, chia sẻ với các cơ quan, đặc biệt phục vụ tích cực cho công tác phòng chống dịch. Ứng dụng VssID đã có gần 30 triệu người cài đặt và sử dụng; bộ TTHC được cắt giảm từ 114 thủ tục (năm 2015) xuống chỉ còn 25 thủ tục, trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4...

Đảm bảo quyền lợi người dân trong đại dịch

Nhấn mạnh ưu tiên tuyệt đối của Ngành trong giai đoạn dịch bệnh là “đảm bảo đầy đủ, phục vụ kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng”, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết: Trong thời gian dịch bệnh, ngành BHXH Việt Nam đã đa dạng, linh hoạt các phương thức giải quyết và chi trả các chế độ. Cụ thể như: Chi trả gộp 2 tháng lương hưu, chi trả tại nhà; đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt (hết năm 2021 có khoảng 57% số người nhận các chế độ BHXH, BH thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt 7% chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết 02/NQ-CP).

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Huân chương Lao động hạng Ba cho BHXH Việt Nam

“Các TTHC được đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ triển khai nhất, đã đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng với gần 15 nghìn điểm chi trả đến cấp xã; trên 738 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 7,8 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, DS-PHSK...”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh thông tin.

Đáng chú ý, ngành BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh CCHC, đẩy mạnh chuyển đổi số, giao dịch điện tử; xây dựng 141 tiêu chí rủi ro trong quản lý điều hành; kiểm soát chặt chẽ, chống lạm dụng, trục lợi quỹ qua hệ thống CSDL tập trung của Ngành; triển khai ứng dụng VssID để thay thế thẻ BHYT giấy khi đi KCB, giúp giảm thời gian chờ đợi, người bệnh không cần mang theo thẻ BHYT khi đi KCB...

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT tại các BV thuộc khu vực cách ly y tế, các BV dã chiến; thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 theo chế độ BHYT; tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT, đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ công tác KCB, không để người bệnh tự chi trả chi phí trong phạm vi quyền lợi được hưởng; tổ chức việc kê đơn, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú; chuyển tuyến, hẹn tái khám phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương… Trong năm 2021, toàn quốc có 125,96 triệu lượt người KCB BHYT với số chi KCB BHYT trên 86.858 tỷ đồng...

Lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ

Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện chính quyền một số địa phương (TP.HCM, Bạc Liêu, Yên Bái, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Kon Tum...) đều chung đánh giá tích cực về vai trò, sự chủ động của cơ quan BHXH trong thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân... Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố cũng chỉ ra những chiến lược trọng tâm mà chính quyền địa phương kỳ vọng cơ quan BHXH sẽ tiếp tục phát huy, hoàn thiện nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong năm 2022...

 

Đại biểu tham dự tại điểm cầu BHXH Việt Nam

Theo dự báo của BHXH Việt Nam, trong thời gian tới, dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến khó lường; hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn; một số chính sách BHXH, BHYT thay đổi từ năm 2022 (như nâng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu, chính sách theo Quyết định 861/QĐ-TTg khiến khoảng 2,1 triệu đồng bào DTTS và miền núi không còn thuộc diện được NSNN hỗ trợ đóng BHYT…), ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ của Ngành. Mặt khác, tình hình mới cũng đặt ra những yêu cầu phải đổi mới phương thức, cách thức hoạt động của hệ thống BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan là từ khi có Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, kinh tế- xã hội đã chuyển biến tích cực, đặc biệt là số DN hoạt động trở lại và số NLĐ tiếp tục làm việc tăng lên...

Với riêng ngành BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định: Kết quả đạt được trong năm 2021 và những năm qua là cơ sở để toàn Ngành tiếp tục tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm 2022. Ngành BHXH Việt Nam sẽ tập trung cao độ, nỗ lực và hành động quyết liệt hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nguồn lực sẵn có; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; tăng cường phân cấp, phân quyền trách nhiệm; thống nhất quan điểm chỉ đạo “lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, với phương châm hành động trong toàn Ngành là “Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả”...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam, khi đã vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra để đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội đất nước.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra 8 thành tựu nổi bật của ngành BHXH Việt Nam như: Mặc dù khó khăn nhưng toàn Ngành đã có nhiều cố gắng, thích ứng linh hoạt với diễn biến tình hình, thực hiện tốt các mặt công tác, đặc biệt là đảm bảo quyền lợi người dân; đề xuất và thực hiện tốt gói hỗ trợ cho NLĐ và chủ SDLĐ theo nhiệm vụ Chính phủ giao; tăng độ bao phủ BHXH, BHYT; thực hiện hiệu quả chuyển đổi số; thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt; truyền thông thích ứng linh hoạt; quản lý quỹ an toàn, hiệu quả. Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị BHXH Việt Nam cần bám sát chủ trương của Đảng và Chính phủ, tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, có nhiều giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Cũng tại Hội nghị, thay mặt BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đã phát động phong trào thi đua năm 2022 của ngành BHXH Việt Nam, với chủ đề “CCVC và NLĐ ngành BHXH Việt Nam đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực hành động, linh hoạt, sáng tạo, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2022”.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước cho BHXH Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Văn phòng BHXH Việt Nam; Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Thực hiện chính sách BHYT; Huân chương Lao động hạng Ba cho Trung tâm Lưu trữ và cá nhân ông Lê Hùng Sơn- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

Thái An-Thanh Hằng

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Văn phòng BHXH Việt Nam

Trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Thực hiện chính sách BHYT

Trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Trung tâm Lưu trữ

Trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh trình bày báo cáo tại Hội nghị

 Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn phát động phong trào thi đua năm 2022

Tham luận tại điểm cầu Hà Nội

Tham luận tại điểm cầu TP.HCM

Tham luận tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế

Tham luận tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình

Tham luận của đại diện Trung tâm CNTT tại điểm cầu BHXH Việt Nam