Print

Năm 2021: Hơn 100 triệu người nghèo đói vì Covid-19

Thứ Năm, 06 /01/2022 14:17

Đại dịch Covid-19 tấn công mọi ngõ ngách trên thế giới trong năm 2021, đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh thất nghiệp và nghèo đói.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), toàn cầu có khoảng 97 triệu người rơi vào cảnh nghèo khổ vì dịch bệnh trong năm 2020 và chỉ sống với số tiền chưa đầy 2 USD/ngày. Đây là một bước lùi lịch sử trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu, khi số người nghèo nhất thế giới lần đầu tiên tăng trong 2 thập niên qua. Trong năm 2021, tình hình vẫn không hề được cải thiện, vì dịch Covid-19 tiếp tục lây lan khắp nơi.

Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia đánh giá, việc cần làm đầu tiên là tập trung tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. "Chúng ta cần đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận với vắc-xin hoặc phương pháp điều trị Covid-19, bởi rất khó để nghĩ đến hồi phục kinh tế khi chưa kiểm soát được vấn đề y tế"- Carolina Sánchez-Páramo- Giám đốc về vấn đề nghèo đói và công bằng toàn cầu của WB nhấn mạnh.

Theo nữ quan chức này, khi các chính phủ bước vào tái thiết kinh tế, họ cần tập trung vào những hành động giúp tạo thêm việc làm. Trong 2 năm qua, khi Covid-19 hoành hành, chính phủ nhiều nước đã ban hành các gói kích thích để thúc đẩy hồi phục kinh tế. Bà cho rằng "các chính phủ nên chờ đợi cho đến khi thị trường việc làm hồi phục rồi mới rút hỗ trợ cho những gia đình chịu tác động, bởi nếu rút hỗ trợ quá nhanh, chúng ta có thể kích hoạt làn sóng nghèo đói thứ hai bùng phát vì mọi người chưa kịp có việc làm".

Và, trong khi hàng trăm triệu người ngày càng nghèo thêm, giới siêu giàu lại chứng kiến tài sản của họ nhiều thêm. Theo Báo cáo về bất bình đẳng thế giới, do một mạng lưới các nhà khoa học xã hội thực hiện, trong năm 2021, tài sản của các tỷ phú tăng mạnh nhất và tiến đến kỷ lục mới. Cụ thể, trong khi 1.000 người giàu nhất thế giới chỉ mất 9 tháng để lấy lại những gì đã mất vì Covid-19, những người nghèo khó nhất có lẽ phải mất hơn 10 năm để làm điều tương tự.

Shameran Abed- Giám đốc điều hành BRAC International, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì mục tiêu xoá đói giảm nghèo ở Châu Á và Châu Phi, cũng phản ánh khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng và chỉ cần tài sản của 3 người giàu nhất thế giới là có thể bù đắp khiến tình trạng nghèo đói trên trái đất biến mất. "Đó không phải là trách nhiệm của riêng họ. Nhưng nói chung, vẫn có đủ nguồn lực để giải quyết vấn đề này"- ông nói.

Gần đây, nhóm 1% người giàu nhất thế giới chịu nhiều áp lực phải tham gia vào các vấn đề nhân đạo toàn cầu. Hồi tháng 11 năm ngoái, ông David Beasley- Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực của LHQ,  đã đứng ra kêu gọi các tỷ phú, bao gồm 2 người giàu nhất thế giới là Jeff Bezos và Elon Musk, đứng ra chung tay giải quyết.

Trong một cuộc phỏng vấn của CNN, ông Beasley cho rằng, chỉ cần quyên góp 6 tỷ USD, tương đương khoảng 2% tài sản ròng của Elon Musk, là có thể giải quyết nạn đói trên thế giới. "Đó là 6 tỷ USD để giúp 42 triệu người sẽ chết đói nếu như không ai giúp đỡ họ. Việc này không hề phức tạp"- ông Beasley nói.

Lời kêu gọi này nhận được phản hồi trực tiếp từ Musk, và vị tỷ phú sau đó viết trên Twitter rằng, nếu tổ chức này đưa ra chính xác số tiền có thể giải quyết được vấn đề, ông sẽ bán cổ phiếu Tesla ngay lập tức và làm việc đó. Tuy nhiên, CEO của Tesla đã không đưa ra câu trả lời công khai khi LHQ công bố kế hoạch giải quyết nghèo đói vào tháng 11.

Ngọc Tuấn