Nhân sự ngành tiêu dùng nhanh: Cơ hội nào khi thị trường phục hồi?
Cùng với sự thay đổi trong cách thức kinh doanh, các DN ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cũng đang có nhiều thay đổi trong tuyển dụng kéo theo nhiều thách thức cho nhân sự trong mảng này.
Đây là nhận định tại Báo cáo Nhân sự ngành FMCG: Thách thức và Cơ hội khi thị trường phục hồi sau Covid-19 được thực hiện bởi Công ty Tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search.
Theo báo cáo của Navigos Search, dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ năm 2020 sang năm 2021 đã khiến cho ngành FMCG có sự chuyển đổi về kênh bán để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, đó là chuyển đổi đổi từ kênh mua bán truyền thông sang mua hàng trực tuyến. Do người tiêu dùng chuyển sang hành vi tiêu dùng mới trên kênh hiện đại và kênh kỹ thuật số nên các DN phải tìm giải pháp đảm bảo hàng hoá được chuyển tới tay người tiêu dùng một cách nhanh và an toàn nhất. Chính vì vậy, các DN trong ngành FMCG đã phải “bắt tay” với DN trong mảng thương mại điện tử E-commerce để giải quyết được các vấn đề kênh bán, vận chuyển hàng hoá. Với sự thay đổi của thị trường, các DN ngành FMCG cũng đã có những yêu cầu tuyển dụng mới đối với các ứng viên tiềm năng của ngành này. Đó chính là việc NLĐ sẽ luôn ở trong trạng thái sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng thích nghi với các biến động của thị trường.
Nhân sự trong ngành FMCG có một số những đặc điểm chuyên biệt như: có khả năng làm việc độc lập và có tính cam kết cao, thường xuyên di chuyển, khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, khéo léo. Đặc biệt, nhân sự ngành FMCG thường không duy trì sự ổn định lâu tại một công ty. Họ thường xuyên chuyển việc sau 2- 3 năm làm việc tại một tổ chức. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp trong mảng FMCG thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng nhân sự.
Báo cáo nêu rõ, hậu Covid-19, DN trong mảng này có nhu cầu tuyển dụng các nhân sự cấp trung và cấp cao. Tuy nhiên, thị trường lại đang khan hiếm các vị trí này. Ngoài ra, do FMCG là ngành có nhiều cạnh tranh liên quan đến doanh số và hình thức vận chuyển (logistics) nên đây vẫn luôn là thách thức cho bất kỳ một nhân viên nào, đặc biệt là bán hàng (sales) nếu muốn thành công trong ngành này. Mặt khác, nhân sự trong ngành FMCG cũng thường xuyên phải di chuyển, thậm chí làm việc xa nhà cũng là một thử thách với sức bền của đội ngũ này. Bên cạnh đó, nhân sự ngành này vẫn luôn phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải nếu không đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp khi thị trường thay đổi nhanh và liên tục.
Báo cáo cũng cho rằng, thị trường ngành FMCG có những thay đổi về tính chất công việc, từ bán hàng theo hình thức B2B (DN với DN- nhà sản xuất với người bán buôn- người bán buôn với người bán lẻ- người bán lẻ với người nhập sỉ...) và B2C (trực tiếp từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng), giờ đây chuyển đổi sang B2B2C (mô hình phổ biến như các trang thương mại điện tử). Đồng thời, có sự chuyển hướng về khách hàng như trên nên ngành FMCF yêu cầu ứng viên cần có kỹ năng xây dựng mạng lưới mối quan hệ tốt và rất năng động.
Ngành FMCG yêu cầu ứng viên cần có kỹ năng xây dựng mạng lưới mối quan hệ tốt và rất năng động. Ứng viên còn cần phải có bộ kiến thức và kỹ năng mới liên quan đến thương mại điện tử, hiểu về bán hàng đa kênh và ứng dụng CNTT trong công việc. Các DN đa quốc gia và DN lớn của Việt Nam hoạt động trong ngành FMCG đều yêu cầu ứng viên có kỹ năng sử dụng tiếng Anh thành thạo để đáp ứng được với các xu hướng toàn cầu hóa trong ngành này. Điều này dẫn đến các yêu cầu cao hơn về sử dụng tiếng Anh đối với nhân sự trong ngành này, đặc biệt đối với các vị trí Bán hàng và Tiếp thị (Sales và Marketing). Đồng thời, các DN đều yêu cầu ứng viên phải trang bị kiến thức và kỹ năng mới. Theo đó, doanh nghiệp ngành FMCG có xu hướng tuyển dụng nhân sự là bán hàng online (sales online) thay vì tuyển sales để bán tại các kênh truyền thống. “Chính vì vậy, các ứng viên truyền thống sẽ cần trang bị cho mìnvih kiến thức, kỹ năng mới liên quan đến chuyển đổi số, CNTT để có thể đi được đường dài cho chặng đường trong 5- 10 năm tới”- báo cáo khuyến nghị.
Đề cập thêm về nhân sự cấp trung và cấp cao trong ngành FMCG, Navigos Search khuyến cáo, DN và bản thân mỗi cá nhân buộc phải tự làm mới mình trong cách quản lý do có những thay đổi về cách làm việc mới, thị trường mới, khách hàng mới. Bên cạnh đó, ngoài DN đa quốc gia, thị trường còn có DN nội địa với sự xuất hiện của các chủ sở hữu còn rất trẻ. Dó đó xuất hiện khác biệt về tư duy liên quan đến thế hệ giữa người trẻ và các quản lý lâu năm. Để tồn tại và phát triển, các quản lý lâu năm sẽ bắt buộc phải làm mới bản thân nếu vẫn muốn tiếp tục làm việc trong ngành này.
V.Thu