Print

Ba Lan: Phân bổ 4,2 triệu USD hỗ trợ người vô gia cư

Thứ Năm, 03 /03/2022 17:53

Đạo luật về Trợ cấp xã hội năm 2004 của Ba Lan (Poland’s 2004 Act on Social Assistance) định nghĩa, người vô gia cư là người “không sống trong nhà ở” và “không được đăng ký thường trú hoặc đăng ký thường trú tại một nơi ở mà họ không có khả năng sinh sống”.

Nhìn chung, ở châu Âu, một số nhà nghiên cứu nhận định: “Lạm dụng ma túy, đặc biệt là khi có liên quan đến bệnh tâm thần, là một yếu tố chính gây ra tình trạng vô gia cư”. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả những người vô gia cư đều có vấn đề về ma túy hoặc mắc bệnh tâm thần.

Từ tháng 1/2005 đến tháng 6/2006 tại Ba Lan, các chuyên gia tiến hành một nghiên cứu về mối liên hệ giữa chứng nghiện chất kích thích và chẩn đoán sức khỏe tâm thần ở người vô gia cư. Nghiên cứu kết luận rằng trong số 200 người vô gia cư, 57,4% nghiện chất kích thích hoặc bệnh tâm thần. Mặc dù không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng vô gia cư, song lạm dụng chất kích thích và bệnh tâm thần đóng vai trò là những yếu tố quan trọng góp phần gây ra tình trạng vô gia cư, nhất là đối với các trường hợp có rất ít hoặc không có sự hỗ trợ nào để giúp họ vượt qua hoặc cải thiện điều kiện sống của mình.

Tuy nhiên, ở Ba Lan, tình trạng vô gia cư lại chủ yếu liên quan đến việc thiếu nhà ở giá rẻ/nhà ở xã hội khiến nhiều người, trong đó có người nghèo, không có nơi trú ngụ thích hợp. Theo Habitat for Humanity, “Ba Lan thiếu khoảng 1,5 triệu nhà ở giá rẻ”. Ngoài ra, khoảng 70% hộ gia đình Ba Lan không đủ khả năng chi trả chi phí thế chấp và “thị trường cho thuê nhà ở Ba Lan chỉ chiếm 6% tổng nguồn cung nhà ở”. Vì vậy, nhiều người Ba Lan phải “vật lộn” trong  mà không có nơi cư trú thích hợp. Hoạt động phi lợi nhuận tập trung vào vấn đề vô gia cư sẽ giúp thay đổi cuộc sống, đảm bảo 40% công dân Ba Lan (khoảng 15 triệu người) không còn phải sống trong nơi ở thiếu thốn và chật chội.

Vì môi trường sống cho tất cả mọi người

Habitat for Humanity là một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu bắt đầu hoạt động tại Ba Lan vào năm 1992. Tầm nhìn của tổ chức hướng tới “một thế giới mà mọi người đều có một nơi ở đàng hoàng”. Hoạt động của Habitat for Humanity xoay quanh việc hỗ trợ người nghèo cải thiện “khả năng tiếp cận nhà ở giá cả phải chăng”. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tình trạng vô gia cư ở Ba Lan; đồng thời, đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi luật pháp và chính sách của Chính phủ để tăng khả năng tiếp cận nhà ở giá cả phù hợp.

Ngoài ra, Habitat for Humanity hỗ trợ người nghèo xây dựng và cải tạo nhà ở với sự giúp đỡ của các đối tác, nhà tài trợ, tình nguyện viên. Tổ chức cũng giúp tìm ra “những nơi tạm trú cho người vô gia cư, trung tâm dành cho nạn nhân của bạo lực, nhà dưỡng lão cho người tàn tật, trại trẻ mồ côi hoặc cơ sở giáo dục thanh thiếu niên”. Thành công nhất của Tổ chức là Chương trình Ngôi làng toàn cầu, kêu gọi nhà tài trợ, tình nguyện viên toàn cầu đóng góp để xây dựng và cải tạo nhà ở cho người nghèo. Tại Ba Lan, từ tháng 3/2021 đến tháng 9/2021, Chương trình triển khai nhiều dự án xây dựng ở TP.Warsaw và TP.Gliwice. Kể từ khi thành lập, Habitat for Humanity đã xây dựng 120 khu nhà ở, trong nỗ lực góp phần giải quyết tình trạng vô gia cư ở Ba Lan trên quy mô rộng.

Tương lai của người vô gia cư ở Ba Lan

Ghi nhận những khó khăn và vất vả của người vô gia cư trong đại dịch Covid-19, năm 2020, Chính phủ Ba Lan đã phân bổ hơn 17 triệu PLN (tương đương với 4,2 triệu USD) để hỗ trợ đối tượng này. Thông qua Dự án Học viện Streetwork, hơn 4.200 người vô gia cư bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã nhận được hỗ trợ thông qua nguồn tài trợ trị giá 5,45 triệu PLN (tương đương với 1,3 triệu USD). Từ tháng 6/2020 đến tháng 9/2020, Dự án đã phân phát hơn 20.000 khẩu trang bảo hộ cho người vô gia cư. Với cam kết và giải pháp của Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ Ba Lan, tình trạng vô gia cư ở Ba Lan trong tương lai sẽ có nhiều cải thiện, mang lại cuộc sống chất lượng hơn cho một bộ phận người yếu thế trong xã hội.

Tùng Anh (Theo Poland’s New)